Mỗi ngày, anh Phan Trọng Toàn đều phải vượt hơn 3km đường đất chở 1000 lít nước sạch để bơm miễn phí cho dân. Hơn 500 hộ của ấp 4A và 4B xã Tân Trạch từ lâu đã coi anh Toàn như ân nhân giúp họ vượt qua mùa khô khát.
Nghĩa tình … không tưởng
Cứ vào thời điểm 15h đến 21h, bà con 2 ấp 4A và 4B, xã Tân Trạch, huyện Cần Đước, tỉnh Long An lại tập trung thùng, xô, thau… đứng dọc khắp đường làng để chờ những can nước sạch, miễn phí của anh Phan Trọng Toàn.
Gặp anh Toàn khi anh đang vắt vẻo trên chiếc xe ba gác máy chở nước giữa trời nắng nóng. Làn da nâu rám nắng, mồ hôi đầm lưng, nước ướt đến nửa ống quần mà anh Toàn vẫn cười thật tươi. Tiếng xe của anh Toàn dừng ở đâu, người dân ấp 4A, 4B lại tập trung ở đó. Họ gọi nhau í ới, mang thùng can, xếp hàng đợi anh Toàn bơm nước.
Anh Toàn là công an viên của ấp 3, xã Tân Trạch. Ấp 3 nơi anh ở, nước uống, nước sinh hoạt khá đầy đủ, nhưng tại ấp 4, nước sạch lại vô cùng khan hiếm. Theo lời anh Toàn, người dân ấp 4 phải bỏ hết công ăn, việc làm để đi tìm mua nước.
Anh Phan Trọng Toàn bơm nước cho dân giữa trời nắng gắt
Anh Toàn dùng nón lau những giọt mồ hôi lăn tròn trên mặt, rồi nói: “Ấp 4 xa nguồn nước sạch, nắng nóng khô hạn như vầy, nhiều bà con cực không để đâu cho hết. Có khi anh thấy mấy cụ già, sang ấp 3 xách nước, rồi về không nổi phải nghỉ giữa đường. Nhiều lúc trượt té, đổ hết nước thấy thương ghê gớm. Nên anh sắm chiếc ba gác chở nước cho bà con đỡ cực”.
Để mang nước đến với bà con ấp 4A, 4B, mỗi ngày anh Phan Trọng Toàn phải bỏ hơn 200.000 đồng tiền xăng, công sức, thời gian… Từ 3 giờ chiều đến 9 giờ tối, anh chở hơn chục chuyến nước. Vất vả như thế nhưng trên gương mặt anh lúc nào cũng nở nụ cười kèm theo những lời trêu đùa hài hước để xua tan nổi mệt nhọc khó khăn của bà con.
Anh Toàn đùa: “Từ khi chở nước, về nhà không ai mở cửa, vì đen quá, người thân không có thấy”. Nghe anh Toàn nói vậy, bà con cười ồ, tiếng cười rộn rã một góc làng quê. Người công an chở nước, bỏ công, bỏ tiền ra không lấy lại đồng nào khiến nhiều người hiếu kỳ cho rằng đây quả là thứ nghĩa tình khó tưởng.
“Thiên sứ” về làng
Mùa nóng, lại dầm nước dang nắng thường xuyên, có khi anh Toàn đổ bệnh nhưng vẫn không dám nghỉ vì sợ bà con không có nước để sinh hoạt. May nhờ thể chất tốt, nên anh Toàn mau chóng lướt qua những cơn bệnh vặt.
Cảm động về việc làm của anh Toàn, nhiều người dân trong xóm đã coi anh như một “thiên sứ”. Để đáp lại nghĩa tình của anh Toàn, bà con luôn chuẩn bị cho anh những bình trà đá, đôi khi là ly cà phê, chiếc bánh ít, … tuy nhỏ bé, giản dị nhưng những món quà mang chan chứa tình cảm gắn kết của quân dân - cá nước.
Đến tối mịt, anh Toàn vẫn cặm cụi bơm nước cho người dân ấp 4
Mỗi khi nhắc về “chú Toàn công an”, bà con lại dành cho anh nhiều lời kính phục. Em Nguyễn Thanh Thúy (16 tuổi, ấp 4A, xã Tân Trạch ) chia sẻ: “Từ ngày có chú Toàn công an chở nước tới ấp của em, mọi người rất vui và đỡ đi phần cực nhọc vì phải đi xa mua nước về sinh hoạt, mà em cũng được nhiều thời gian học bài hơn. Không phải vác thùng trẹo lưng nữa, chỉ ngồi chờ chú chạy xe tới đem thùng ra cho chú đổ đầy là được”.
“Nhiều khi trời nóng, mồ hôi cứ chảy ra ngứa lắm, muốn dội lên người một, hai gáo nước để thoải mái mà không dám vì sợ thiếu nước chiều dùng. Không có gì khổ bằng sống thiếu nước, không có chú Toàn chở nước tới để cả trăm hộ dân ở xóm tui sinh hoạt, chắc tụi tui chết khô”, ông Trần Hữu (67 tuổi, ấp 4B, xã Tân Trạch ) vui vẻ kể lại.
Khi được nghe những lời cảm ơn, thậm chí ca tụng về mình, anh Toàn cười ngại ngùng: “Trời đất ơi, thiên sứ gì đâu, nói quá à. Nhà anh làm ăn cũng được, nên bỏ chút của chút công giúp bà con. Giờ anh chỉ mong việc làm của mình được các nơi thấy rồi tạo cảm hứng cho người ta giúp dân. Anh chỉ mong vậy thôi”.
Mong ước giản dị, và việc làm đầy tình nghĩa của người công an nhân dân Phan Trọng Toàn khiến người ta càng tin tưởng vào những người tử tế với lẽ sống không chỉ cho riêng mình.