Nhiều năm qua, sự hình thành của những chiếc giếng này vẫn là một điều bí ẩn. Mỗi giếng có một ban thờ, người dân nơi đây vẫn sử dụng để sinh hoạt.
Làng cổ Yên Trường, xã Trường Yên (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) được biết đến như chốn bình yên, đậm chất làng quê đồng bằng Bắc Bộ với cây đa, giếng nước, sân đình và những mảng tường đá ong đầy hoài niệm.
Những người cao tuổi trong làng cho biết, không rõ làng có gốc tích từ năm nào, chỉ biết cách đây hàng trăm năm, nơi đây đã gắn liền với câu chuyện về di tích Bãi Pháo, Bãi Giỗi - nơi Hai Bà Trưng đánh giặc. Điểm dễ nhận thấy nhất ở đây là bờ tường gạch đá ong vàng đậm như mật mía tồn tại bền vững theo thời gian.
Cùng với cổng làng, cây đa, bờ tường đá ong thì giếng làng là nơi gây ấn tượng mạnh với bất kì ai đến đây. Không biết có từ bao giờ, nhưng bên trong ngôi làng Yên Trường, những chiếc giếng có hình thù kỳ lạ xuất hiện rải rác ở hầu hết các xóm trong làng
Theo ông Nguyễn Quang Linh, trưởng xóm An Ninh (thuộc xã Trường Yên) cho biết: “Trước kia làng có 99 giếng cổ nhưng hiện nay còn 6 giếng. Chúng tôi lớn lên thì những chiếc giếng này đã có rồi, lòng giếng bằng đá ong và không bằng phẳng như bình thường mà lồi lõm”.
Bà Trần Thị Hương cho biết, trước kia mặt giếng không xây cao lên như bây giờ. Sau đó do làm đường và tránh gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ nên hiện một giếng được xây thành cao lên. Một số nhà dân sinh sống quanh giếng vẫn sử dụng nước bơm từ giếng lên để sinh hoạt. Do giếng tự nhiên, mạch nước ngầm chắt ra từ phiến đá ong nên nước trong, mát và sạch sẽ.
Cách đó không xa là giếng xóm Chùa - giếng lớn nhất của làng Yên Trường. Đường kính giếng lên đến 4m, sâu khoảng 8m. Bà Nguyễn Thị Tiến (76 tuổi, người xóm Chùa) cho biết: "Giếng có từ bao giờ tôi cũng không biết. Người dân luôn giữ gìn, không làm bẩn và không thay đổi cảnh quan xung quanh giếng".
“Trước kia mạch nước chảy ngang, xuyên qua những lớp đá ong nên giếng lúc nào cũng có nước. Nhưng hiện tại giếng không có nước do người dân đào móng làm nhà, chặn mạch nước lại”, bà Tiến cho hay
Cũng theo bà Tiến, giếng bằng đá ong hình vòm. Trước kia miệng giếng rất bé do các hình vòm bằng đá ong chìa ra. Theo thời gian, người dân lấy nước làm sập hình vòm tạo lên các lối mòn khiến miệng giếng rộng hơn trước rất nhiều.
Miệng giếng hình thù như cửa hang động hay nhìn như vết chân ngựa.
Giếng nào cũng được người dân lập ban thờ thần giếng.
Với những chiếc giếng lớn, ngoài việc xây thành cao bằng đá, người dân còn quây thêm rào sắt, lập mái che, giữ gìn giếng sạch sẽ.
Mỗi giếng lại có hình thù kì lạ khác nhau.
Đối với người dân nơi đây, giếng cổ đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống. Cũng vì vậy, người dân trong làng luôn trân trọng, bảo tồn, giữ gìn những chiếc giếng còn sót lại.
Một số giếng được người dân che lại một nửa phần miệng giếng để lấy lối đi.
Bên dưới, lòng giếng vẫn giữ nguyên và được các gia đình lấy nước sử dụng bằng máy bơm.