Người ta tin rằng việc chạm vào hoặc chụp ảnh cùng con sư tử đá này sẽ đem lại vận xui.
Tử Cấm Thành là nơi sinh sống của rất nhiều đời vua chúa trong lịch sử Trung Quốc, hiện nay là một trong những di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh nổi tiếng, biểu tượng của Trung Quốc. Công trình này rộng 720.000 mét vuông có hình thế nhìn sông (sông Kim Thủy), dựa núi (núi Vạn Niên). Những người từng đặt chân đến Tử Cấm Thành đều phải ngạc nhiên trước sự uy nghiêm, hoành tráng của nó.
Trải qua hàng nghìn năm, các nhà khảo cổ học, sử học và kiến trúc sư vẫn chưa bao giờ bị thôi cuốn hút bởi công trình kỳ vĩ ẩn chứa nhiều bí mật này. Tử Cấm Thành ẩn chứa nhiều bí mật về cuộc sống của các bậc đế vương và hậu cung. Không những vậy, một số địa điểm trong hoàng cung tráng lệ này gắn liền với những điều kỳ bí, khó lý giải.
Trong số này có việc bên trong Tử Cấm Thành có một cây cầu vòm bắc qua sông Kim Thủy có tên Đoạn Hồng Kiều. Cây cầu được xây bằng đá gây ấn tượng với du khách với những hoa văn trang trí tinh xảo và cầu kỳ. Đặc biệt, 2 bên thành của cây cầu được trang trí bằng 34 con sử tử đá.
Mỗi con sư tử đá đều được chế tác công phu và có hình dáng khác nhau. Điều này khiến du khách vô cùng thích thú và muốn tìm hiểu về chúng. Tuy nhiên, điều kỳ lạ và bất ngờ là mỗi khi du khách tới đây, những người hướng dẫn viên du lịch luôn khuyên rằng đừng đứng quá gần hoặc chụp ảnh với những con sư tử đá này bởi vì nó có thể đem lại vận xui.
Tương truyền, con sư tử đá được cho mang đến xui xẻo là con được tạc với tư thế đứng thẳng trên thành cầu bằng 2 chân sau. Một chân khác của nó ôm lấy đầu trong khi chân còn lại ôm hạ bộ. Trên gương mặt của con sư tử này dường như cho thấy nó đang phải chịu đựng một nỗi đau đớn khủng khiếp.
Theo các ghi chép dã sử, con sư tử đá đặc biệt trên cầu Đoạn Hồng Kiều có liên quan đến vua Thanh Tuyên Tông (1782 - 1850), niên hiệu Đạo Quang, vị hoàng đế thứ 8 của triều đại nhà Thanh.
Lúc sinh thời, Hoàng đế Đạo Quang có một người con trai rất thông minh là Hoàng tử Dịch Vĩ. Tuy Thanh Tuyên Tông rất yêu quý và đặt nhiều kỳ vọng vào con trai nhưng Hoàng tử Dịch Vĩ vốn yêu thích tự do, không chịu gò mình vào kỷ luật nên luôn thể hiện sự ngang ngạnh, ương bướng.
Khi người thầy dạy học khuyên hoàng tử nên chăm đọc sách để sau này trở thành vị vua anh minh, Hoàng tử Dịch Vĩ đã ngang ngược tuyên bố: "Khi ta trở thành hoàng đế, ta sẽ xử tử ngươi đầu tiên".
Câu nói này nhanh chóng truyền đến tai Hoàng đế Đạo Quang khiến ông vô cùng tức giận bởi bản thân ông còn sống sờ sờ mà con trai đã muốn lên làm hoàng đế là phạm tội bất hiếu, lại còn đòi giết thầy giáo là phạm tội bất nghĩa. Trong cơn nóng giận, Hoàng đế Đạo Quang đã lấy chân đá mạnh vào người con trai. Chẳng ngờ vài ngày sau, vết thương trở nặng khiến Hoàng tử Dịch Vĩ qua đời.
Cái chết của người con trai khiến Thanh Tuyên Tông vô cùng hối hận, tiếc nuối. Tương truyền không lâu sau, ông đi ngang qua cầu Đoạn Hồng Kiều, nhìn thấy con sư tử đá trên cầu có tư thế thê thảm giống hệt hoàng tử Dịch Vĩ trước lúc chết lại càng thêm đau lòng và sợ hãi, vì vậy đã lệnh trùm một tấm vải đỏ lên con sư tử đá này để không ai còn nhìn thấy nó nữa. Cũng từ đó, con sư tử đá này bị coi là điềm xui xẻo, không ai dám lại gần.
Qua nhiều năm, truyền thuyết về con sư tử đá gây ra điềm xui trong Tử Cấm Thành vẫn được người đời truyền lại. Dù không có căn cứ hay cơ sở nào nhưng nhiều người vẫn tin rằng con sư tử đá này thực sự gây ra vận xui cho ai lại gần hoặc chụp ảnh cùng nó.
Khi đến thăm Tử Cấm Thành, hầu hết người dân Trung Quốc không ai muốn chạm vào con sư tử đá này, trong khi những du khách nước ngoài cũng được khuyên không nên chụp ảnh cùng nó. Dù không được xác nhận nhưng những truyền thuyết "nửa thật nửa ảo" như thế này mỗi năm vẫn đang giúp thu hút hàng triệu lượt khách du lịch tới tham quan và chiêm ngưỡng khu phức hợp cung điện Tử Cấm Thành.