6 đứa trẻ đã bị sát hại dã man chỉ trong một đêm và mẹ của chúng cũng bị thương rất nặng. Hung thủ gây ra vụ án khiến tất cả mọi người thật sự bàng hoàng.
Căn nhà tràn ngập máu
Vào lúc 6h45 sáng thứ 7 ngày 10/6/1854, trên đường đi làm, Henry Woolgar - một công nhân tại thị trấn Esher thuộc Surrey, phát hiện một vật lạ treo lủng lẳng trên ban công một căn nhà. Anh lại gần và phát hiện đó là một cái gối nhuốm máu. Henry liền nhấn chuông cửa nhưng không thấy ai trả lời.
Những người hàng xóm bắt đầu tụ tập bàn tán vì không biết chuyện gì xảy ra. Henry tìm một cái thang để trèo lên ban công ngôi nhà. Lúc đầu, anh không thấy ai cả. Nhưng sau đó, một cảnh tượng kinh hoàng xuất hiện. Anh thấy một người phụ nữ xõa tóc và người bê bết máu. Trên cổ họng cô ta có vết cắt sâu và âm thanh phát ra từ vết thương nghe như tiếng huýt sáo. Đó là Mary Ann Brough.
Hung thủ từng là lính canh tại dinh thự Claremont, gần thị trấn Esher, một trong những dinh thự yêu thích của Nữ hoàng
Quá hoảng sợ, Henry leo xuống gọi cảnh sát và bác sĩ tới hỗ trợ. Khi cảnh sát cùng vài người hàng xóm xông vào nhà, họ đã không thể tin vào cảnh tượng kinh dị trước mắt mình.
Mary Ann đang nằm trên giường, dưới sàn nhà là cậu con trai William với vết cắt ở cổ họng. Người ta cũng tìm thấy ở các phòng khác là thi thể 5 đứa trẻ với vết thương tương tự. Cả căn nhà như tràn ngập máu.
Nạn nhân bao gồm Georgiana 11 tuổi, William 8 tuổi, Carry 7 tuổi, cặp song sinh vừa tròn 4 tuổi Harriet và Henry cùng với bé George chỉ mới 1 tuổi. Ngoài ra, mẹ của chúng Mary Ann bị thương khá nặng ở cổ. Tất cả mọi người đều vô cùng bàng hoàng và tự hỏi, ai đã ra tay sát hại tàn bạo 6 đứa trẻ nhỏ như vậy.
Kẻ sát nhân lộ diện, là người từng làm việc cho Nữ hoàng Anh
Ngày 9/11/1841, Nữ hoàng Anh chuẩn bị lâm bồn nên đã cho gọi Mary Ann vào cung điện để làm vú nuôi cho Hoàng tử sắp sinh Bertie - Hoàng tử xứ Wales, con trai cả của Nữ hoàng Victoria và là người kế vị ngai vàng. Trong thời gian này, Mary Ann cũng hạ sinh đứa con đầu tiên. Tuy nhiên, sau 8 tháng làm việc, Mary Ann bị sa thải mà không ai rõ lý do vì sao.
Sau khi nghỉ việc, Mary Ann chuyển về sinh sống cùng chồng ở một ngôi nhà nhỏ nằm ở phía tây Esher và lần lượt hạ sinh 6 đứa trẻ. Nhưng sau khi đứa con thứ 7 ra đời vào tháng 9/1852, cô trải qua một cơn bạo bệnh. Theo như lời bác sĩ Izod, não của cô bị tổn thương gây ra liệt nửa người bên trái, lời nói trở nên khó hiểu và cơ mặt bị cứng đờ, biến dạng.
Sau một thời gian chữa trị, Mary Ann hồi phục phần nào. Sau đó chồng cô phát hiện cô đã tới London để gặp gỡ một người đàn ông đã có gia đình. Thứ ba ngày 6/6/1854, anh quyết định bỏ vợ, giành quyền nuôi con và định sẽ mang giấy tờ hợp pháp đến cho Mary Ann ký vào hôm thứ bảy.
Trong những ngày đó, các con của họ bị mắc bệnh sởi. Mary Ann phải chăm sóc các con nên không còn thời gian nghỉ ngơi và bị đau đầu. Cô đến gặp bác sĩ Izod để xin thuốc nhưng không được đáp ứng.
Thế rồi bi kịch xảy ra. Đêm thứ 6 ngày 9/6, Mary Ann vào phòng chồng tìm một lưỡi dao cạo. Tiếp đến, cô ta dùng lưỡi dao ấy cắt cổ từng đứa con của mình. Sau đó, cô cũng tự kết liễu đời mình.
Một lúc sau, Mary Ann tỉnh dậy và thấy những đứa con mình nằm trong vũng máu. Không thể hét lên để tìm sự trợ giúp vì khí quản đã bị tổn thương trầm trọng, Mary Ann treo một cái gối đẫm máu nơi cửa sổ để gây chú ý.
Thảm kịch giết con do bệnh tật hay sự toan tính từ trước?
Tháng 8/1854, phiên tòa xét xử vụ án diễn ra. Bác sĩ tâm lý đưa ra khả năng Mary Ann bị tổn thương não bộ và ảnh hưởng tâm lý khi sắp ly hôn và xa các con, nên đã gây ra sự việc đau lòng mà không kiểm soát được bản thân.
Tuy nhiên, công tố viên không chấp nhận điều này. Vì chỉ vài giờ trước khi thảm kịch xảy ra, Mary Ann đã gom hết nữ trang và đồ vật quý giá đưa cho đứa con gái đầu lòng. Họ cho rằng, đây là hành động có chủ đích và toan tính, vì Mary Ann sợ phải chia cắt với các con. Đó là sự ghen ghét và trả thù.
Tuy nhiên, các bác sĩ tâm lý đã giúp Mary Ann trắng án. Cô được tòa phán xét vô tội vì lý do tâm thần.
Mary Ann sống hết quãng đời còn lại của mình tại bệnh viện tâm thần Bethlehem, London. Cuối cùng, cô bị bệnh bại liệt và mất năm 1861.
Hơn 20 năm sau khi thảm kịch giết con xảy ra, câu chuyện thỉnh thoảng vẫn được người ta nhắc lại bởi sự đáng sợ và kinh hoàng của nó. Ngôi nhà của Mary Ann cũng trở thành địa điểm du lịch hút khách với những câu chuyện kinh dị. Tại bảo tàng sáp Birmingham, người ta cũng dựng lại thảm kịch với 6 bức tượng sáp người con có vết cắt nơi cổ họng đầy máu.