Chỉ vì vài lời phàn nàn trên facebook cá nhân về đồng phục nhà trường mà một học sinh lớp 2 đã bị buộc thôi học.
Chị Nguyễn Thanh Hiếu (Q.2, TPHCM) không giấu được bức xúc phản ánh: Chỉ vì vài lời chị phàn nàn trên trang cá nhân về đồng phục nhà trường mà con trai chị là bé Lê Quang Minh H. (sinh năm 2007) đã bị Trường quốc tế VStar buộc thôi học.
Chị Hiếu cho biết: "Vào ngày 20/5/2015 tôi có viết một đoạn chia sẻ trên facebook cá nhân về đồng phục của con mình, điển hình là chiếc cà vạt 2 dây. Vì gia đình tôi thường hay bận vào buổi sáng, nhưng con của tôi thì không biết cách thắt cà vạt, nhiều lúc vội, tôi thường thắt sai, có khi thắt làm mối không rút được".
Chiếc cà vạt 2 dây trong đồng phục của trường VStar
Chị có so sánh cà vạt của trường VStar và cà vạt của một trường tiểu học ở Hàn Quốc. Theo đó, mẫu cà vạt của trường Hàn Quốc được may cố định, cho vào máy giặt quay điên đảo cũng không bung bét ra mất form, học sinh sáng ra đi học mắt nhắm mắt mở cũng có thể cài lên cổ một cách tươm tất. Còn mẫu cà vạt của trường VStar là 2 cọng dây vải, phải khéo léo thắt vào nhau mới thành hình cái cà vạt.
Theo chị, chiếc cà vạt trong bộ đồng phục tại trường VStar (Q.7, TPHCM) rất khó đeo với học sinh tiểu học, giữ cho 2 dây không thất lạc nhau đối với các em đã là một chuyện không dễ.
Theo chị Hiếu, ngay cả người lớn cũng rất khó khăn để thắt được cà vạt ngay ngắn cho bé.
Chị Hiếu cho biết, sau khi chia sẻ trên mạng xã hội thì đến ngày 20/6/2015 giáo viên chủ nhiệm của bé Minh H. có điện thoại cho chị mời lên trường để gặp Ban giám hiệu. Lúc này chị Hiếu đang đưa con đi nghỉ hè tại Hà Nội nên đã nói với cô giáo của bé H. nếu có việc gì cấp thiết thì gửi nội dung mà trường cần thông tin cho chị thông qua email cá nhân. Tuy nhiên sau đó chị không nhận được bất cứ thông tin nào từ phía nhà trường.
Chị cũng cẩn thận hỏi lại cô giáo của bé Minh H. về thời gian nhập học vì bé không kịp dự kỳ thi tiếng Anh xếp lớp, cô giáo cho biết khoảng 15/8 sẽ học chính thức, vì thế chị rất yên tâm cho con nghỉ hè. Đến ngày 3/8, thấy cháu bé nhà hàng xóm đi học chị mới tá hỏa khi biết nhà trường đã bắt đầu năm học mới, chị lập tức vào trường thì được thông báo: Con chị không được tiếp tục theo học tại trường.
Chị Hiếu chia sẻ: “Tôi gặp ông Huỳnh Châu Lộc (phụ trách văn thể mỹ của trường) thì được ông Lộc trả lời rằng, môi trường giáo dục của nhà trường không phù hợp với gia đình nên trường quyết định không tiếp tục cho bé học nữa. Ông Lộc còn nói rằng, chuyện cà vạt xấu không phải là lỗi của trường VStar. Có một chút xíu như thế mà nói nặng, nói nhẹ. Tụi tôi không chịu được với những lời lẽ ảnh hưởng tới nhà trường. Nếu thông tin này nhiều hơn thế thì sẽ như thế nào?!”. Thậm chí, ông Lộc còn khẳng định: Nếu một chiếc cà vạt chị cũng không thắt được cho con mình thì chị không có kỹ năng làm mẹ (!).
Vô cùng bức xúc trước cách hành xử này của trường, chị Hiếu đã yêu cầu phía nhà trường phải đưa ra văn bản nêu rõ lý do chính đáng vì sao con chị không được tiếp tục theo học. Chị cho biết: “Trước ngày 3/8, tôi vẫn nhận được các thông báo của trường qua email về các hoạt động như học hè, ngoại khóa… thế nhưng lại không có bất kỳ thông báo nào về việc con tôi bị buộc nghỉ học. Nếu như có cuộc họp của Hội đồng nhà trường về việc của con tôi thì cũng cần phải cung cấp cho tôi biên bản cuộc họp đó. Tuy nhiên, ông Lộc từ chối và cho rằng, đó chỉ là cuộc trao đổi miệng mà không có biên bản(!)”.
Chị Hiếu thừa nhận những từ ngữ trong đoạn chia sẻ là có thể hơi quá, thế nhưng chỉ là chị muốn góp ý về chiếc cà vạt, chứ không mang danh tiếng trường để nói trên mạng xã hội và chỉ vì những lời lẽ cá nhân này mà nhà trường đuổi học bé là một điều hoàn toàn vô lý.
Chị Hiếu cho biết, từ khi trường trả học bạ buộc con chị thôi học đến nay chị không nhận được thêm bất kỳ phản hồi nào về lý do chính thức từ nhà trường. Hiện bé Minh H. đã được chuyển sang học tại một trường khác.
Phía nhà trường từ chối gặp mặt báo chí và cho rằng, đây là việc giữa nhà trường và phụ huynh, trường đang tổ chức cuộc họp về việc này, khi nào có thông tin chính thức, trường sẽ liên hệ với phụ huynh để làm việc.