Gặp nhau trong quán bar, hai người nhanh chóng quyết định tiến đến hôn nhân. Tuy nhiên, chỉ sau vài năm, họ kéo nhau ra tòa trong sự ngỡ ngàng của nhiều người.
Đắng đót cưới vợ trẻ
Ngay từ sáng sớm, ông J. (67 tuổi,quốc tịch Hoa Kỳ) lê từng bước nặng nề đến Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM để tham dự phiên tòa ly hôn mà mình chính là nguyên đơn. Trong khi đó, chị Mai Văn T. (23 tuổi, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), vợ của ông lại ăn mặc sành điệu, mặt được trang điểm kĩ càng bước vào khán phòng. Cả hai ngồi cùng một chiếc ghế gỗ nhưng mỗi người một đầu. Hôm đó, họ không một lần quay nhìn nhau.
Đầu tóc bạc, chân run run, không đứng vững, ông J. phải nắm tay tựa vào vành móng ngựa. Do ông là người nước ngoài nên hôm đó có một người phiên dịch. Giọng yếu ớt, ông J. cho biết, mình là người có trình độ. Vào tháng 8/2008, ông sang Việt Nam công tác. Một đêm, ông vào quán bar tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để vơi bớt nỗi buồn và quen biết với chị T.. Mặc dù chị T. không biết tiếng nước ngoài nhưng với vẻ đẹp mặn mà, trẻ đẹp nên ông vẫn bị hút hồn.
Hình minh họa
Chỉ sau một vài lần gặp gỡ, ông J. quyết định tiến đến hôn nhân với chị T.. Ông hiểu rõ, mình đã quá già nên khi có cô vợ non trẻ cần phải chiều chuộng. Do đó, tình cảm ban đầu của họ khá tốt. Ông quyết định mua một căn nhà cho chị T. ở. Sau khi cưới, mỗi năm, ông đi công tác vài tháng.
Tuy nhiên, theo ông J., tình cảm đó chẳng kéo dài được bao lâu. Bởi, chị T. không tôn trọng và hay nói dối, thường xuyên đi chơi về muộn. Chênh lệch về tuổi tác của hai người quá lớn, hai vợ chồng trò chuyện không hiểu nhau. Ông còn cho hay, chị T. thường xin tiền để tiêu xài cá nhân và phụ giúp gia đình. Mâu thuẫn kéo dài, những cuộc cải vã xảy ra liên miên. Đây cũng chính là những lý do ông đưa ra để quyết ly hôn vợ.
Ông J. nhận thấy mâu thuẫn giữa hai vợ chồng ngày càng trầm trọng, thực tế không còn chung sống với nhau. Vì vậy, ông yêu cầu được ly hôn với chị T., đồng thời yêu cầu được hưởng 80% giá trị tài sản là nhà đất. Đối với hai chiếc xe máy và các vật dụng khác, ông và chị T. tự thỏa thuận, không yêu cầu Tòa án giải quyết.
Những dấu lặng buồn
Trong khi đó, chị T. cho rằng, những điều ông J. nói không hoàn toàn là chính xác. Thực ra, hai người bắt đầu xảy ra mâu thuẫn từ khi ông J. nghỉ hưu vào tháng 7/2012. Ông yêu cầu bán căn nhà để mở nhà hàng. Tuy nhiên, chị T. không đồng ý vì: “Bất kể làm gì cũng cần có một nơi ở yên ổn”.
Chị T. cũng thừa nhận, việc đi chơi về khuya là có thực nhưng số lần không đáng kể. Trình độ tiếng Anh của chị quá tệ nên không thể tâm sự cùng ông. Ông giận chị, bỏ ra khách sạn sống từ tháng 3/2013. Chị bảo, mình vẫn còn rất thương ông và không hề muốn ly dị.
Ngoài ra, chị cũng cho biết, trước khi lấy ông làm chồng, chị tích cóp được một số tiền. Khi nghe chồng bảo mua nhà, chị đưa toàn bộ số tiền của mình cho ông. Do đó, căn nhà đang tranh chấp trong vụ ly hôn này là của hai vợ chồng chứ không phải của một mình ông.
Hình minh họa
Trước yêu cầu khởi kiện của ông J. chị T. không đồng ý ly hôn. Tuy nhiên, nếu có căn cứ cho ly hôn thì chị T. đề nghị Tòa án giải quyết chia tài sản theo qui định của pháp luật. Riêng đối với tài sản chung là hai chiếc xe và các tài sản khác, chị thống nhất ý kiến của ông J. để hai bên tự thỏa thuận, không yêu cầu Tòa giải quyết.
Sau khi xem xét lời khai của hai bên, HĐXX nhận định, ông J. và chị T. tiến đến hôn nhân trên tinh thần tự nguyện. Tuy nhiên, trong quá trình sinh sống, hai bên có quá nhiều mâu thuẫn không thể giải quyết. Chị T. xác định mâu thuẫn vợ chồng là có thật J. cũng không đưa ra biện pháp khắc phục để vợ chồng tiếp tục chung sống, đồng thời cho rằng ông J. phải có nghĩa vụ cung cấp tiền cho mình chi trả toàn bộ chi phí sinh hoạt gia đình vì chị không có công việc và thu nhập kể từ khi kết hôn với ông J.. Như vậy, cuộc sống chung của hai người không thể kéo dài, mục đích bổn phận không đạt được, vợ chồng đều không thật sự mong muốn xây dựng cuộc sống chung nên cần chấp nhận cho ông J. được ly hôn với chị T..
Bên cạnh đó, Tòa cũng xác định căn nhà tranh chấp là của cả hai người. Tuy nhiên, do số tiền ông J. góp nhiều hơn nên tuyên ông được nhận 7/10 giá trị và chị T. được nhận 3/10 giá trị. Do ông J. là người nước ngoài, không thể đứng tên sử dụng nên chị T. được nhận căn nhà, nhưng phải trả toàn bộ số tiền ông J. được hưởng. Trong trường hợp chị T. không có tiền trả cho ông J. thì căn nhà sẽ được phát mãi.
Phiên tòa kết thúc, ông J. lê từng bước nặng nề ra về. Chỉ vài phút trước, chị T. vẫn còn nối yêu thương ông, không muốn ly hôn nhưng chị bước vội qua một cách nhanh chóng không một lần quay lại nhìn.