Biết gia đình bạn của mẹ thường gặp chuyện không may và mê tín dị đoan, Lộc đề nghị được cúng giải hạn để lừa đảo.
Chuyện thật như đùa
Sáng sớm ngày 12/6/2014, bà Nguyễn Thị Tuyết Vân thức dậy khá sớm, gọi con trai là Phan Tấn Lộc (SN 1996, huyện Hóc Môn) đến TAND TP.HCM tham dự phiên tòa phúc thẩm. Cả hai mẹ con trầy trật mãi mới có thể bắt xe buýt từ huyện Hóc Môn lên trụ sở Tòa. Khi đến trước cổng, cả hai rụt chân, sợ hãi không dám bước vào. Đứng trong thoáng chốc, cả hai bình tĩnh mới có thể rảo bước tìm đến phòng xét xử.
Mẹ con bà Vân lặng im, ngồi run rẩy chờ phiên tòa bắt đầu. Chợt, cả hai giật mình khi vị chủ tọa gọi tên Lộc. Lộc lơ ngơ đứng dậy. Vị chủ tọa chưa kịp hỏi câu nào, mẹ con Lộc đã vội khóc. Nước mắt giàn giụa. Vị chủ tọa dùng lời lẽ nhẹ nhàng khuyên nhủ, cả hai mới ngưng khóc, nhưng tiếng nấc thỉnh thoảng vẫn vang lên.
Hai mẹ con Lộc trong phiên tòa phúc thẩm
Giọng lý nhí, Lộc khai nhận, mẹ mình và bà Nguyễn Đình Liên là bạn bè. Thỉnh thoảng, hai người phụ nữ vẫn thường tâm sự cùng nhau. Trong những cuộc chuyện trò, bà Liên cho hay, thời gian gần đây gia đình gặp chuyện không vui. Bên cạnh đó, bà Liên cũng hay nhắc đến những câu chuyện mê tín dị đoan.
Khoảng tháng 9/2013, Lộc bảo với bà Liên, có một hồn ma tên Tú nhập vào người của Lộc nên biết có một hồn ma khác nhập vào hồn ma của chồng bà Liên. Lộc còn nói, mình có thể lên đồng, cúng giải hạn. Bà Liên tưởng thật nên gật đầu đồng ý. Bà Liên đưa cho Lộc nhiều lần từ 300 nghìn đồng đến 3 triệu đồng. Tổng cộng, Lộc lấy của bà Liên 32,3 triệu đồng.
Lộc thừa nhận, tất cả số tiền lừa của bà Liên đều sử dụng vào cá độ và tiêu xài cá nhân. Riêng 2,5 triệu đồng cuối cùng, Lộc lấy vào ngày 13/10/2013 thì đưa cho bà Vân giữ. Do sợ bị phát hiện nên bà Vân đã trả lại số tiền cho bà Liên. Sau đó, bà Liên đến công an xã Xuân Thới Thượng trình báo sự việc.
Khi được mời lên, bà Vân thừa nhận có chứng kiến việc con trai đặt vấn đề lên đồng cầu hồn trừ ma giải hạn cho bà Liên. Tuy nhiên, trong suốt quá trình Lộc lừa đảo, bà không tham gia.
Đôi mắt đỏ au, Lộc nắm hai tay nắm vào vành móng ngựa làm điểm tựa run run nói lời sau cùng: “Con còn nhỏ. Con lỡ dại. Mong HĐXX cho con được hưởng án treo để về đi làm nuôi mẹ và trả tiền cho bị hại”.
Tâm sự đắng lòng
Giờ nghị án, bà Vân khắc khoải hỏi quanh các phóng viên: “Có cách nào để giúp Lộc hả mấy cháu? Cô chỉ có một mình thằng Lộc. Nó vào tù cô phải làm sao?”. Sau một hồi động viên, bà lấy lại bình tĩnh, nhìn vào lưng Lộc than trách: “Sao dại vậy con ơi! Giờ sao đây?”. Thỉnh thoảng, bà chắp hai tay vào nhau khấn vọng: “Mong cho con tôi được tù treo”
Lau vội dòng nước mắt, bà Vân chia sẻ, quê gốc ở Chợ Lớn. Cách đây chừng 20 năm, bà yêu và quyết định dọn về sống gần nhà chồng tại huyện Hóc Môn. Cuộc sống khó khăn nhưng gia đình hạnh phúc. Đặc biệt, ngày Lộc ra đời, cả hai vợ chồng mừng mửng, tủi tủi cười hoài không ngớt. Bà từng mong, gia đình nhỏ của mình sẽ mãi giữ được êm ấm.
Mẹ con Lộc buồn bã, vội vã bước về để kịp tuyến xe buýt
Mặc dù vậy, do hoàn cảnh quá khó khăn nên chồng bà khuyên: “Giờ không có tiền. Chừng vài năm, con lớn rồi hãy làm giấy khai sinh”. Bà thấy chồng nói cũng có lý nên đồng ý. Cuộc đời vốn lắm đổi thay, lời nói ấy chưa trọn một năm, ông đã đi theo người phụ nữ khác. “Ngày ông ấy bỏ đi, không nói với mẹ con tôi một lời, tôi như người mất hồn. Suốt ngày, tôi ngồi ôm con mà khóc”, bà rầu rầu kể.
Bà con hàng xóm khuyên nhủ, bỏ qua mọi chuyện để làm lại cuộc đời. Thương con, bà gắng gượng vực dậy, làm thuê, làm mướn để nuôi con. Bà bảo, gần hai mươi năm qua, bà trải qua không biết bao nhiêu là nghề để nuôi giọt máu của mình. Nhiều người đàn ông thấy bà côi cút cũng muốn chắp nối nhưng bà quyết từ chối.
“Chừng ấy năm ông ấy bỏ là tôi sống trọn cho con trai. Ông ấy không một lần quay về để xem mẹ con tôi sống như thế nào. Lúc trước, tôi còn trách chồng, nhưng thời gian quá lâu, tôi đã lấy lại được tinh thần và cảm thấy mọi chuyện quá bình thường rồi”, bà nói.
Điều bà luôn trăn trở là vì Lộc không có giấy khai sinh và gia đình quá nghèo nên chưa được một lần đến trường. Lúc xảy ra sự việc, Lộc chỉ biết lăn tay vào các tờ khai thay bằng ký tên. “Tôi biết, Lộc như hiện nay một phần là do tôi mải miết kiếm tiền lo cho cuộc sống mà không cận kề, dạy dỗ con”, bà hối hận.
“Hai mẹ con thuê một căn trọ nhỏ, mỗi tháng cũng mất 1,2 triệu đồng. Tôi đi giúp việc nhà cho người khác. Vài năm trở lại đây, tuổi già, sức yếu, tôi bị khớp, tiền công chỉ đủ tiền thuốc. Trước đây, Lộc đi làm thợ dệt, mỗi tháng cũng được 1,5 triệu đồng. Với số tiền này, Lộc có thể tự lo cho mình. Từ khi xảy ra vụ án, Lộc không được rời khỏi địa phương nên không đi làm được. Do đó, cuộc sống mẹ con tôi thêm phần khó khăn. Tôi chỉ mong, hôm nay, Lộc được giảm án để về sống cùng mình”, người mẹ nức nở.
Giờ nghị án kết thúc, HĐXX nhận định, hành vi của Lộc là nguy hiểm cho xã hội, không những xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác mà còn làm mất an ninh trật tự tại địa phương, gây dư luận xấu trong nhân dân. Tòa xét thấy, 1 năm tù giam đối với hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Lộc là đúng người, đúng tội nên bác đơn kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm.