Chồng đi làm về, thấy tin nhắn trong điện thoại của vợ với những lời ngon ngọt cùng người đàn ông khác. Chồng giận, tát tai vợ hai cái. Người vợ tức, đòi ly hôn.
Những tin nhắn tai hại
Ngay từ sáng sớm, chị Nguyễn Thị Thanh đã đến TAND TP.HCM tham dự phiên tòa phúc thẩm yêu cầu được ly hôn mà chính mình là nguyên đơn. Chồng chị, anh Trương Văn Minh đến chỉ sau vài phút. Anh đến gần, định nói câu gì đó, chị lảng tránh, bước đi. Chuông reo, hai người vội vàng vào phòng xử. Họ ngồi trên cùng một băng ghế dài nhưng chỉ có anh nhìn, còn chị không một lần liếc sang người bên cạnh.
Chị Thanh đứng dậy, giọng bức xúc cho biết, cách đây 20 năm, chị và anh cưới nhau vì tình yêu. Trong khoảng thời gian sống chung, hai người có một đứa con gái, năm nay đang là học sinh lớp 12, chuẩn bị thi đại học. Đã mấy năm nay, anh làm lái xe đường dài, đi cả tuần liền mới về nhà không lo lắng gì cho gia đình. Chị ở nhà chăm lo nhà cửa, con cái và rất thương chồng.
Cách đây không lâu, một cô bạn của chị mượn điện thoại nhắn tin với chồng. Sau đó, người chồng này nhắn tin lại vào điện thoại của chị. Hai người có những câu nói khá tình cảm. Chị cũng không để ý nhiều, vô tư để những tin nhắn ấy trong điện thoại.
Hình minh họa
Cuối tuần, anh Minh về. Trong lúc mượn điện thoại của vợ để gọi điện, anh vô tình nhấn vào phần tin nhắn và đọc được những lời ngọt ngào. Cơn ghen nổi, anh kéo chị ra chửi mắng. Mặc dù chị cố gắng giải thích, những tin nhắn đó không phải của mình nhưng chồng không nghe. Trong lúc tức giận, anh dùng tay tát vào má vợ hai cái. “Tôi không chịu đựng được khi bị chồng tát”, chị nói.
Ngay sau đó, chị lồng lộn “đáp trả” chồng bằng những câu đầy tính xúc phạm. Chị quyết định dọn ra ngoài, thuê phòng trọ sống riêng. Chị chờ lúc nào chồng đi vắng thì mới chịu về nhà chăm lo cho đứa con gái. Chị cũng lẳng lặng gửi đơn xin ly hôn ra tòa.
Đứng trước vành móng ngựa, chị Thanh khẳng định mình không hề ngoại tình vì từ trước đến nay vẫn còn thương chồng. Tuy nhiên, từ nhỏ đến lớn, chị là lá ngọc cành vàng, thế nhưng, chỉ vì những tin nhắn vô căn cứ, chồng lại dám tát tai mình. Chị nhắc đi nhắc lại: “Tôi muốn ly hôn. Tôi không chấp nhận được cảnh chồng tát tai mình”.
Hạnh phúc không nên đạp đổ
Ngược với thái độ của chị, anh Minh từ tốn, giọng nhỏ nhẹ cho biết, mình yêu thương vợ con thật lòng. Anh làm nghề tài xế đường dài nhưng chưa bao giờ lỗi đạo vợ chồng. Anh đi làm vất vả, nhưng khi nhận được tiền là đưa hết cho vợ. “Tôi lái xe, có chủ lo tiền cơm nước rồi. Tôi cũng không tiêu pha nhiều nên đưa tiền cho vợ mà không chút suy nghĩ”, anh nói.
Anh không hề biết vợ muốn ly hôn từ lâu. Một lần, đi xe về, anh nhận được giấy thông báo triệu tập của tòa án. Từ trước đến nay, anh chưa bao giờ có gì liên quan đến pháp luật, do đó, khi nhận được giấy triệu tập của tòa thì rất sợ bị ở tù nên nhờ đến luật sư bào chữa cho mình.
Anh thừa nhận, hôm đọc được tin nhắn trong điện thoại của vợ thì rất tức giận. Anh đi làm trong khoảng thời gian dài, đọc được những tin nhắn ấy thì nghĩ chắc chắn vợ ngoại tình. Cũng vì điều này mới tát vợ hai cái. “Tôi biết, hành động của mình là sai nên xin lỗi cô ấy nhiều lần nhưng không được chấp nhận. Cô ấy một đòi ly hôn, hai đòi ly hôn hoài”, anh buồn bã.
Chủ tọa lắng nghe rồi hỏi chị: “Những tin nhắn đó là của chị hay của bạn chị?”. Chị Thanh ngước đầu lên: “Là của bạn tôi”. Chủ tọa hỏi tiếp: “Sao khi mâu thuẫn xảy ra, chị không nhờ bạn mình đến làm chứng, giảng hòa giữa hai vợ chồng. Hay tin nhắn đó là của người đàn ông khác nhắn cho chị?”. Chị cúi đầu im lặng. Chủ tọa nói tiếp: “Hay chị có tình cảm với người đàn ông khác?”. Chị cũng không lên tiếng.
Hình minh họa
Chủ tọa quay sang hỏi đứa con. Cô bé để tóc dài ngang vai, đôi mắt ươn ướt: “Con không muốn cha mẹ ly dị. Cha yêu thương hai mẹ con lắm. Cha đi làm, ngày nào cũng gọi điện về hỏi thăm. Còn mẹ không có việc làm, suốt ngày tụ tập, đi chơi với bạn bè. Năm nay con thi đại học, mẹ cứ đòi ly hôn với cha, con buồn không ôn tập bài vở được”.
Chủ tọa phân tích: “Cuộc sống vợ chồng thường có những mâu thuẫn, sóng gió, quan trọng là người trong cuộc phải biết kìm chế, giải quyết một cách ổn thỏa. Chị là phụ nữ có tuổi, nên chú ý, phải có chuẩn mực trong các mối quan hệ để đảm bảo hạnh phúc gia đình. Còn anh, dù làm được nhiều tiền nhưng chừng đó là vẫn chưa đủ, phải có sự quan tâm đến gia đình”.
Chủ tọa ngước nhìn về phí cô con gái nói tiếp: “Anh chị sống với nhau đã 20 năm, có biết bao tình cảm. Trong chuyện này, tôi nghĩ, mỗi người đều tự biết lỗi của mình đến đâu. Trong khi đó, anh chị phải nghĩ đến con gái mình chứ. Năm nay là năm thi đại học, quyết định tương lai của cháu, anh chị mâu thuẫn như thế này, cháu biết làm sao?”.
Chủ tọa vừa dứt lời cũng là lúc cô con gái xin được nói: “Con không muốn cha mẹ chia tay. Nếu cha mẹ chia tay con cũng không thiết sống nữa”. Cả anh và chị đều rơi nước mắt, vội vàng chạy đến ôm con.
Sau cùng, chủ tọa nhận thấy mâu thuẫn trong giữa hai vợ chồng vẫn chưa thật sự trầm trọng, vẫn còn có thể níu vãn nên tuyên hủy đơn kháng cáo, không chấp nhận ly hôn. Chị bước ra khỏi phòng xử khá nhanh. Anh chạy theo, níu tay lại. Chị vùng vằng, bỏ đi tiếp. Cô con gái đứng đằng xa, nhìn thấy cảnh này ứa nước mắt. Cô bé cất lời kêu mẹ. Đến lúc này, chị mới chịu dừng lại. Hy vọng rằng, cô bé sẽ là chất xúc tác khiến vợ chồng chị gắn kết trở lại.
Tên nhân vật đã được thay đổi.