Bạo hành gia đình ở Trung Quốc giống như một “dịch bệnh tiềm ẩn”, một tội ác bị coi nhẹ hoặc che đậy
Gần 3 tháng sau khi Lý Hồng Hạ, 24 tuổi, bị sát hại, quan tài của cô vẫn được đặt tại nhà 2 vợ chồng. Người chồng Trương Á Chu bị cáo buộc giết vợ. Trong lúc đó, gia đình chồng sống cùng nhà đã rời khỏi địa phương (một ngôi làng tại huyện Lộc Ấp, thuộc tỉnh Hà Nam - Trung Quốc) do sợ bị trả thù.
Cái chết bi thảm
Những gì xảy ra với cô Lý khiến không ít người bị sốc. Hồi tháng 2-2016, người mẹ một con này nhập viện vì bị chồng dùng ghế phang vào đầu. Đến ngày 25-2, cô nhắn tin cho chồng nói mình thấy đói bụng.
Theo hình ảnh được camera giám sát, Trương Á Chu đã đến bệnh viện vào chiều cùng ngày trước khi người vợ bị bóp cổ đến chết. Cảnh sát đã bắt giữ người chồng nhưng từ chối bình luận về vụ việc. Trong cuộc trả lời phỏng vấn gần đây với một đài truyền hình địa phương, Trương thừa nhận có đánh đập vợ nhưng cho biết mình chỉ lỡ tay giết cô trong lúc hai bên xô xát.
Quan tài của Lý Hồng Hạ được đặt tại nhà chồng từ cuối tháng 2. Bên phải là ảnh chụp nạn nhân và chồng năm 2013Ảnh: The Washington Post
Trong khi đó, gia đình nghi phạm đã trở về làng sau gần 2 tháng bỏ đi và tìm cách dàn xếp vụ việc với người nhà nạn nhân nhưng chưa thành công. Cha mẹ Lý không chịu chôn cất con gái nhằm nhắc nhở chính quyền địa phương và cộng đồng về nạn bạo hành gia đình đáng báo động tại quốc gia đông dân nhất thế giới này. Họ không tin rằng sẽ có công lý cho người bị bạo hành, nhất là khi xã hội Trung Quốc vẫn còn thờ ơ với vấn đề này.
Theo ước tính, cứ 4 phụ nữ Trung Quốc thì có 1 người bị đánh đập. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng con số thực tế còn cao hơn nhiều và nhấn mạnh con số thống kê của chính quyền thường bỏ qua những hình thức bạo hành khác. Tờ The Washington Post mô tả bạo hành gia đình ở Trung Quốc giống như một “bệnh dịch tiềm ẩn”, một tội ác bị coi nhẹ hoặc che đậy.
Áp lực duy trì hôn nhân
Kể từ khi lên nắm quyền năm 2012, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xem vấn đề bạo hành gia đình là trọng tâm của chính sách xã hội. Đạo luật đầu tiên về bạo hành gia đình chính thức có hiệu lực vào đầu tháng 3-2016. Một số biện pháp, như lệnh cấm lại gần, có thể đã cứu được tính mạng cô gái xấu số nêu trên nếu được thực thi sớm hơn.
Trong năm cuối đời, Lý không ít lần tìm kiếm sự giúp đỡ nhưng cô chỉ nhận được lời khuyên nên quay về với chồng. Thậm chí, người dân trong làng cũng nói rằng bạo hành gia đình là chuyện “thường ngày” nên không ai quan tâm đến hoàn cảnh của cô.
Không biết chia sẻ cùng ai, Lý tâm sự với mẹ chuyện bị chồng đánh nhưng cô cũng chỉ được nhận được lời khuyên “vợ chồng nên đóng cửa bảo nhau”. Bà Đoan Lưu Chi, mẹ của Lý, không ủng hộ con gái ly dị vì sợ bị hàng xóm chê cười. Chịu hết nổi, Lý chia sẻ chuyện bị chồng đánh lên mạng xã hội. Bạn bè cô bày tỏ sự ủng hộ và có người còn nhắc đến luật mới nêu trên.
Tuy nhiên, nhiều người khuyên cô nên hòa giải với chồng vì đứa con. “Đừng ly hôn dễ dàng, hãy nghĩ nhiều hơn đến những gì xảy ra với con cái. Hãy suy nghĩ tích cực và bạn sẽ vượt qua mọi chuyện” - một người bình luận về câu chuyện của Lý.
Đối với những nạn nhân của bạo hành gia đình ở Trung Quốc, đây là câu nói họ thường nghe. Dù tỉ lệ ly hôn ở Trung Quốc đang tăng nhưng phụ nữ nước này vẫn đang đối mặt nhiều áp lực từ việc kết hôn và duy trì cuộc hôn nhân.
Bà Quách Nghiêm Phương, người đứng đầu văn phòng của Liên đoàn Phụ nữ toàn Trung Quốc - một tổ chức ủng hộ quyền phụ nữ - tại huyện Lộc Ấp, cho biết tổ chức này khuyến khích các cặp vợ chồng hòa giải trong hầu hết vụ bạo hành gia đình. “Nếu người chồng chịu sửa sai, mọi thứ sẽ ổn” - bà lập luận. Tuy nhiên, theo bà, liên đoàn này đang đẩy mạnh tuyên truyền về luật chống bạo hành gia đình mới và khuyến khích các nạn nhân tìm kiếm sự giúp đỡ.