Mặc dù là một phiên tòa ly hôn nhưng cả hai vợ chồng đều dành cho nhau những lời tốt đẹp.
Người cha tốt
Bình thường, các cặp đôi khi ra tòa ly dị đều đổ lỗi cho nhau. Thế nhưng, trong phiên tòa phúc thẩm xử một vụ ly hôn mới đây ở TAND TP.HCM lại khác hoàn toàn. Đứng trước phiên tòa, cặp vợ chồng này vẫn dành cho nhau những lời “có cánh” và không một tiếng nặng lời dành cho người đối diện.
Khi được mời lên thẩm vấn, anh Trương Văn Thịnh trình bày, trước đây, hai vợ chồng đến với nhau bằng tình yêu, có quá trình tìm hiểu lâu dài. Trước ngày cưới, hai người đã suy nghĩ rất kĩ. Sau khi cưới chừng một năm, vợ anh là chị Nguyễn Thị Thân mang thai và sinh hạ một cô con gái xinh xắn.
Trong xã hội, cả anh lẫn chị đều là người thành đạt. Mỗi tháng, lương thu nhập của anh trên 50 triệu đồng, có nhà cửa đàng hoàng. Ở trong gia đình, anh là một người chồng, người cha tốt. Do có con là con gái, anh thường mua sách tâm lý làm cha về đọc. Rảnh rỗi, anh lại lên mạng đọc thông tin về việc nuôi con.
Hình minh họa
Hôm nào cũng vậy, sáng sớm, anh dậy sớm, chuẩn bị cho con đi học. Buổi chiều, dù chưa xong việc, anh gác lại để đến trường đón con. Cứ cuối tuần, anh bỏ qua thú nhậu nhẹt cùng bạn bè để dẫn con đi chơi…
Tình cảm vợ chồng của anh cũng khá mặn nồng. Chỉ riêng, việc nuôi dạy con của hai người không giống nhau nên thường xảy ra bất đồng quan điểm. Anh bảo, ngay từ đầu đã không muốn ly dị. Khi vợ viết đơn, anh dùng lời lẽ nhẹ nhàng để khuyên nhủ nhưng không được. Cuối cùng, anh đành ký vào đơn và chấp nhận ra tòa.
Lúc ở phiên tòa sơ thẩm, anh nghĩ, mình đã chấp nhận “xuống nước” ký đơn thì quyền nuôi con sẽ thuộc về mình. Thế nhưng, kết thúc phiên tòa ấy, chủ tọa tuyên quyền nuôi con thuộc về người vợ. “Tôi không nghĩ, một người cha thì không nuôi con tốt. Tôi đề nghị Tòa thay đổi quyền người nuôi con. Tôi sẽ không đòi tiền chu cấp hàng tháng cho con. Tôi chỉ cần được sống bên cạnh con của mình”, anh nói.
Đường cùng?
Chị Thân đứng dậy bắt đầu với lời nói: “Tôi không bác bỏ những lời của anh Thịnh. Quả thật, anh ấy là một người chồng, người cha tốt. Tôi cũng đồng ý, anh ấy lo cho con từng li, từng tí một. Tuy nhiên, cách dạy dỗ con của tôi lại khác hoàn toàn của anh”.
Theo chị Thân, nếu chồng chăm con theo kiểu lắng nghe, thấu hiểu thì chị lại muốn tạo tính tự lập cho con ngay từ khi còn bé. Chị cũng biết tâm lý của con nhưng chỉ thỉnh thoảng mới hỏi những việc con phải làm. Thay vào đó, chị quan sát từ xa, thấy con có gì chưa đúng là khuyên thay đổi.
Chị cũng cho hay, thu nhập, kinh tế của hai vợ chồng là tương đồng nhau. Chị thừa nhận, trước đây, có khoảng thời gian dài đi công tác ở nước ngoài, phải để chồng lo cho con. Tuy nhiên, mỗi ngày, chị vẫn gọi điện về thăm hỏi, nắm tình hình của chồng con.
Chị khẳng định, là một người mẹ, trong khi đó con là bé gái nên sau này, có nhiều chuyện thầm kín dễ tâm sự với nhau hơn. Chị biết, con có cả cha lẫn mẹ chăm sóc thì vẫn tốt hơn, nhưng khi không thể sống tiếp với nhau thì việc con phải ở với bố hoặc mẹ là điều chắn chắn phải chọn. Đây cũng là điều khiến chị phải đau đầu suy nghĩ.
Chị hứa, khi mình tiếp tục được quyền nuôi con sẽ không tìm cách ngăn cản anh đến thăm bé. Thậm chí, chị sẽ tạo mọi điều kiện để hai cha con có thời gian gặp gỡ, trò chuyện. Chị cũng khẳng định sẽ không yêu cầu tiền cấp dưỡng nuôi con hàng tháng.
Sau khi lắng nghe lời trình bày, đối đáp của hai bên, vị chủ tọa nhẹ nhàng phân tích: “Hiện tại, cháu bé chỉ mới 8 tuổi. Việc để cháu sống với mẹ là điều cần thiết. Do đó, Tòa bác đơn kháng cáo của anh Thịnh. Tuy nhiên, khi cháu bé được 9 tuổi, thấy chị Thân chăm sóc con không tốt thì anh có quyền đề nghị thay đổi quyền nuôi con. Lúc đó, phán quyết của Tòa sẽ dựa vào tình hình thực tế đồng thời ý kiến của cháu bé”.
Phiên tòa kết thúc, anh Thịnh buồn bã, cúi đầu cố bước thật nhanh, nuốt vội nỗi buồn vào trong. Riêng chị Thân, bước đi từ tốn phía sau chồng. Chị chia sẻ: “Ly hôn là điều không ai muốn và cả tôi cũng như thế. Tuy nhiên, vợ chồng tôi quá khác biệt trong quan điểm dạy dỗ con cái. Đây cũng là đường cùng rồi”.
* Tên nhân vật đã được thay đổi.