Chủ nhân làm ra chiếc vòng nguyệt quế đã chia sẻ toàn bộ về ý tưởng, quá trình chế tác sau 4 tháng thực hiện và trải qua nhiều công đoạn.
Bác Tề chia sẻ lý do làm vòng nguyệt quế tặng chương trình
Trận chung kết đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20 đã khép lại, người giành được vòng nguyệt quế là em Nguyễn Thị Thu Hằng - Trường THPT Kim Sơn A, tỉnh Ninh Bình với số điểm giành được là 235, vượt xa 3 thí sinh còn lại.
Trong buổi tường thuật trực tiếp cuối trận chung kết, rất nhiều người quan tâm đến chiếc vòng nguyệt quế được đặt tại sân khấu chính của chương trình. Khác hoàn toàn so với các vòng nguyệt quế trong các trận chung kết những năm trước, năm nay chiếc vòng giành cho người chiến thắng được chuẩn bị công phu, hình thức bắt mắt.
Thu Hằng vô địch Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20.
Theo tiết lộ của MC Diệp Chi, đây là món quà của một khán giả rất yêu thích chương trình Đường lên đỉnh Olympia giành tặng, đặc biệt hơn chiếc vòng nguyệt quế này còn được dát vàng 9999 nên nó không chỉ có giá trị tinh thần, mà còn có giá trị về mặt vật chất.
Tâm huyết của cả gia đình dành tặng cho chương trình sau 20 năm lên sóng
Người đã tặng chiếc vòng nguyệt quế đặc biệt cho chương trình là bác Trần Đình Tề (75 tuổi, ở xóm Thượng, xã Sơn Đồng, Hoài Đức, Hà Nội), một cán bộ hưu trí và gia đình có nghề truyền thống làm mộc, sơn son thếp vàng.
Bác Tề chia sẻ việc tặng chương trình chiếc vòng nguyệt quế xuất phát hoàn toàn từ trong tâm và sự yêu thích chương trình của cá nhân ông, chứ không phải tặng để muốn được nổi tiếng. “20 năm qua tôi dường như không bỏ một buổi phát sóng nào của chương trình. Tôi thấy vòng nguyệt quế giành cho người chiến thắng ở cuộc thi tuần, tháng, quý như hiện nay là tạm chấp nhận được.
Tuy nhiên chiếc vòng giành cho trận chung kết mọi năm vẫn sử dụng tôi thấy nó chưa xứng tầm, nhất là năm nay kỷ niệm 20 năm chương trình lên sóng, vì thế tôi đã viết thư gửi cho chương trình về mong muốn của mình.
Lá thư bác Tề gửi cho chương trình về ý định làm chiếc vòng nguyệt quế.
Ban đầu tôi chỉ đề đạt nguyện vọng tặng cho chương trình, còn chương trình muốn sử dụng ra sao là quyền của họ. Cuối cùng họ đã quyết định trao cho người thắng cuộc trong trận chung kết, tôi cho rằng đó là quyết định hợp lý”, bác Tề kể.
Bác Tề cũng chia sẻ, quê hương bác có nghề truyền thống làm sơn son, thiếp vàng nên việc thực hiện ý tưởng cũng thuận tiện hơn. Không phải sắp đến ngày diễn ra trận chung kết bác Tề mới nảy ra ý tưởng này, mà ngay từ đầu năm 2020, bác đã chia sẻ với người thân trong gia đình và được mọi người ủng hộ.
Tất cả con trai, con gái, con dâu, con rể, rồi cả các cháu…mỗi người đều đóng góp một ý tưởng để hoàn thiện chiếc vòng nguyệt quế dành tặng cho chương trình. “Tôi là người lên ý tưởng, con dâu tôi thì góp ý nên cho thêm bông hoa cho chiếc vòng mềm mại, cháu tôi thì có ý tưởng để chữ 20 năm, con trai, con rể là người chế tác và sơn son, thếp vàng… Cuối cùng chiếc vòng đã hoàn thành trước 15 ngày khi trận chung kết diễn ra”, bác Tề kể.
Chiếc vòng nguyệt quế là tâm huyết của cả gia đình dành tặng cho chương trình.
Chất liệu chuyên làm mũ quan, 2 lần “đập đi” làm lại
Dù đã hơn 4 tháng kể từ ngày bắt tay vào làm chiếc vòng nguyệt quế nhưng giờ đây khi kể lại bác Tề vẫn nhớ tới từng chi tiết nhỏ. Bác kể rằng, ngoài vấn đề về thẩm mỹ thì chiếc vòng phải đảm bảo có ý nghĩa, ai cũng có thể đội được vì thế chọn chất liệt là rất quan trọng.
Nếu chọn gỗ hoặc các vật liệu khác như đồng, nhôm, nhựa vẫn có thể làm được nhưng sẽ nặng và sẽ rất thô, vì thế những phương án trên đều bị loại bỏ. Sau nhiều đêm suy nghĩ, bác Tề quyết định dùng một loại vật liệu tự nhiên, loại dây này (giống như cây sậy) chuyên được sử dụng để uốn tròn lại làm mũ cánh chuồn cho các quan ngày xưa.
Loại chất liệu làm vòng nguyệt quế chuyên để làm mũ cánh chuồn cho các quan, rất bền và nhẹ.
Loại dây này được đặt rồi ép lại với nhau thành một mảnh dài rất chắc chắn, sau đó uốn tròn lại và bắt đầu thêm các họa tiết xung quanh. Ưu điểm của vật liệu này là rất nhẹ, bền không lo bị mối mọt có thể trường tồn với thời gian.
Sau khi chọn xong vật liệu, bác Tề cùng các thành viên trong gia đình bắt tay vào thực hiện. Chiếc vòng đầu tiên bác Tế thiết kế đã xong, nhưng có nhiều người góp ý là không phù hợp vì hình tượng trưng là Văn Miếu Quốc tử giám ở Hà Nội. “Ý định ban đầu tôi muốn lấy hình tượng trưng là văn miếu vì đó là biểu tượng của Hà Nội, là nơi vinh danh những người tài, nhưng nhiều người góp ý không phù hợp nên tôi bỏ”, bác Tề kể lại.
Sau khi tiếp thu ý kiến của mọi người, bác Tề quyết định sẽ làm chiếc vòng với lá oliu bao xung quanh, biểu tượng sẽ là đỉnh Olympia và thêm chữ 20 năm phía trên. Chiếc vòng thiết kế thô xong đã nhận được nhiều sự ủng hộ của mọi người.
Bác Tề và những người thân đã phải bỏ đi, sửa lại 2 lần mới ra được sản phẩm hoàn thiện.
Thế nhưng, khi sơn son và thếp vàng bác Tề ban đầu chỉ dùng loại vàng thường, vì thế làm xong nhìn chiếc vòng màu không được sáng. “Khi làm xong rồi các con tôi góp ý rằng đã tặng chương trình thì phải làm sao cho thật đẹp và quyết định sẽ dùng vàng 9999 để mạ. Vậy là các con tôi lại cạo hết phần đã sơn đi, làm lại bằng vàng 9999 và sản phẩm cuối cùng chính là vòng nguyệt quế hôm trao cho nhà vô địch”, bà Tề chia sẻ.
Người ghi lại “lịch sử” Đường lên đỉnh Olympia
Không chỉ dành tặng cho chương trình món quà ý nghĩa trong trận chung kết năm thứ 20, bác Tề còn được ví như “người viết lịch sử” của chương trình này. Suốt 20 năm qua, kể cả khi còn công tác, bác Tề luôn dành thời gian vào các buổi chủ nhật để theo dõi chương trình.
Bác Tề ghi chép cẩn thận các trận thi đấu trong chương trình.
Từng trận thi đấu, những câu hỏi hay, nhưng người thắng cuộc đều được bác Tề ghi cẩn thận lại vào cuốn sổ tay và mới đây đã được gửi đến chương trình khiến cho không ít người bất ngờ. Đặc biệt những trận thi đấu căng thẳng như thi quý, trận chung kết người đàn ông này còn ghi lại những thời khắc kịch tính nhất, khi thí sinh này giành điểm của thí sinh kia…
Bác Tề cho rằng, Đường lên đỉnh Olympia là chương trình truyền hình thực tế có lẽ là tồn tại lâu nhất, và lượng kiến thức mang lại cũng rất nhiều, khi xem chương trình bản thân bác cũng học và cập nhật được nhiều kiến thức.
Từng chi tiết trong trận chung kết bác Tề đều ghi rất kỹ lưỡng, kể cả khi các thí sinh mất điểm.
Là khán giả trung thành của chương trình, bác Tề cũng thẳng thắn chia sẻ rằng, trong các câu hỏi cần lược ngắn gọn hơn nữa để tiết kiệm thời gian và nên thay đổi lịch phát sóng, vì khi phát vào khung 13 giờ rất nhiều người sẽ bỏ không xem.