Nạn nhân của những vụ xâm hại tình dục dù là ai thì cũng rất đáng thương, nhưng có lẽ với những người tâm thần bị xâm hại thì nỗi đau ấy sẽ tăng lên gấp bội.
Trong thời gian qua, vấn đề xâm hại tình dục trẻ nhỏ đang khiến dư luận vô cùng phẫn nộ và đã có nhiều việc làm thiết thực lên án hành vi của những kẻ đồi bại này. Thế nhưng, ở một “góc khuất” khác, có những nạn nhân của các vụ xâm hại tình dục, họ đang phải chấp nhận số phận nghiệt ngã của mình.
Sinh con khi đang điều trị tâm thần
Trao đổi với chúng tôi, TS.BS Tô Thanh Phương – Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương, cho biết thực tế những trường hợp bệnh nhân tâm thần bị xâm hại tình dục hoặc những phụ nữ bị xâm hại tình dục đến “phát điên” không phải là hiếm gặp.
TS Phương cho biết, trước đây ông đã từng tiếp nhập một bệnh nhân tên Tuyết ở Hưng Yên, do bị chồng phản bội nên đã phát điên. Điều đáng nói, sau khi phát bệnh, nữ bệnh nhân này đã bỏ nhà đi lang thang khắp nơi và trở thành nạn nhân của những kẻ đồi bại.
Đến khi người nhà tìm được, chị Tuyết đã có bầu. Cay nghiệt hơn, khi về nhà gia đình chồng đã ruồng bỏ, thậm chí còn đưa chị đi kiểm tra HIV, sau đó trả lại cho gia đình nhà ngoại.
Những bệnh nhân tâm thần họ chịu rất nhiều nỗi đau.
Sau khi nhận thêm một cú sốc tâm lý này, bệnh của chị Tuyết ngày càng trầm trọng hơn. Thấy vậy gia đình đã đưa chị vào Bệnh viện Tâm thần Trung ương điều trị. Tại đây, do bệnh nặng nên các bác sĩ có xin ý kiến gia đình về việc đình chỉ thai để tập trung điều trị bệnh. Tuy nhiên, mẹ đẻ của chị Tuyết đã từ chối và chấp nhận vừa điều trị, vừa đợi ngày sinh con.
Rồi cũng đến ngày chuyển dạ, chị Tuyết đã được các bác sĩ chuyển sang khoa sản Bệnh viện Đa khoa Thường Tín để sinh con, sau đó chị tiếp tục được đưa về Bệnh viện Tâm thần điều trị.
Dù sinh con trong hoàn cảnh mang bệnh tật, nhưng con chị Tuyết rất bụ bẫm, ai cũng yêu thương, quý mến. Thế nhưng, người mẹ do mắc bệnh trầm cảm nên luôn lạnh lùng, không chịu nhìn mặt con.
Lấy người xâm hại mình làm chồng và nỗi đau suốt 20 năm
Ngoài những trường hợp người bị tâm thần bị xâm hại tình dục, BV Tâm thần Trung ương I, cũng tiếp nhận không ít trường hợp nhập viện điều trị trong tình trạng hoảng loạn vì bị hãm hiếp.
TS Tô Thanh Phương cho hay, cách đây vài tháng, ông đã tiếp nhận một trường hợp nữ sinh cấp 3 phải nhập viện trong tình trạng rất nặng. Khai thác bệnh sử thì được biết, nhà nữ sinh này ở Hà Nội, sau khi cùng bạn lên Tuyên Quang chơi thì bị xâm hại tình dục.
TS Tô Thanh Phương - người cứu vớt những bệnh nhân trầm cảm.
Say khoảng 1 tuần, công an phát hiện cháu bé đi ngoài đường nên đã đưa về trụ sở, sau đó cháu bé đã được gia đình lên đón về. Khi về nhà, cháu bé vẫn hoảng loạn về mặt tâm lý và được gia đình đưa đến bệnh viện điều trị.
Tại đây, ngoài điều trị bằng thuốc, các bác sĩ áp dụng thêm cả liệu pháp tâm lý. Sau hơn 1 tháng điều trị bệnh nhân đã ổn định hơn, có thể nói chuyện một bình thường với người thân.
Hay như một trường hợp nữ bệnh nhân tên Hoa (40 tuổi, ở Bắc Ninh) cũng phải nhờ bác sĩ can thiệp vì luôn có ý định tự tử. Được biết, nữ bệnh nhân này cũng đã từng xâm hại tình dục cách đó 20 năm, đồng thời phải sống chung với chính người hãm hiếp mình.
“Khi đến với tôi, nữ bệnh nhân này chỉ muốn tâm sự riêng với bác sĩ, thậm chí con gái đi cùng cũng bắt ra ngoài. Đến khi nghe xong câu chuyện tôi mới hiểu lý do vì sao, nữ bệnh nhân này không muốn con nghe câu chuyện chất chứa trong lòng suốt hai chục năm qua”, TS Phương chia sẻ.
Nữ bệnh nhân tâm thần khi đi lang thang sẽ là đối tượng rất dễ bị xâm hại tình dục.
Cách đây 20 năm về trước, chị Hoa bị một người thanh niên cùng xóm xâm hại tình dục, sau khi xâm hại người thanh niên ấy còn đe dọa nếu kể cho ai biết thì sẽ giết chết.
Lo sợ, chị Hoa cũng không kể cho bất cứ ai, chỉ đến khi có bầu gia đình phát hiện thì sự thật mới được tiết lộ. Đáng nói là, sau khi 2 gia đình nói chuyện với nhau, họ đã đi đến thống nhất sẽ tổ chức đám cưới.
“Suốt 20 năm qua, người phụ nữ ấy phải sống trong cảnh “địa ngục trần gian” mà không biết phải kêu ai. Thậm chí có những lúc chị muốn tìm đến cái chết để giải thoát mình, nhưng chị không dám làm vì thương con, thương bố mẹ”, TS Phương kể lại.
Từ những trường hợp trên, TS Phương cho rằng các bệnh nhân nhập viện trong hoàn cảnh này đều mang trong mình căn bệnh trầm cảm tâm căn (xuất phát từ tâm lý). Vì thế khi điều trị, ngoài vấn đề thuốc thì các bác sĩ phải có những chia sẻ, tâm sự để bệnh nhân “giải thoát” được những suy nghĩ, uất ức ở trong lòng.
* Tên các bệnh nhân trong bài đã được thay đổi