Những con số thống kê về vấn đề xâm hại tình dục ở trẻ khiến nhiều người giật mình, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng con số đó chỉ là phần nổi trong tảng băng chìm.
Chiều ngày 14/3, tại Hà Nội đã diễn ra buổi Tọa đàm Nạn nhân xâm hại tình dục trẻ em: Im lặng hay lên tiếng. Tại cuộc Tọa đàm này, các chuyên gia đã đưa ra những con số xâm hại trẻ em khiến nhiều người phải giật mình.
Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, trung bình mỗi năm có 1.600-1.800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện.
Có 1.000 vụ xâm hại tình dục được phát hiện thì số trẻ em là nạn nhân chiếm đến 65%, đa số nạn nhân là nữ ở độ tuổi 12 đến 15, chiếm 57,46%. Tuy nhiên, số trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại là vấn đề rất đáng báo động, chiếm đến 13,2%.
(Ảnh minh họa)
Theo bà Nguyễn Vân Anh - Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA), con số trên chỉ là con số báo cáo, còn trên thực tế ngoài xã hội có thể cao hơn vì nhiều gia đình ngại không dám đề cập đến sự việc.
"Đó thực sự là một con số khủng khiếp, xâm hại tình dục để lại dấu ấn rất kinh khủng đối với tâm lý, thể xác của đứa trẻ và gia đình. Việc đặt ra quy trình xử lý vấn đề này phải nhanh chóng. Hiện trạng có rất nhiều trường hợp như thế nhưng không xử lý gì cả hoặc xử lý nửa chừng”, bà Vân Anh nói.
Theo bà Vân Anh, khó khăn trong việc đưa các đối tượng xâm hại tình dục trẻ em trước tiên do quan niệm của các gia đình có con em bị xâm hại tình dục. Thường trong những vụ này, gia đình nạn nhân chấp nhận thương lượng rồi im lắng.
Bên cạnh đó, tâm lý của người Việt nói chung rất ngại về vấn đề tình dục đối với cả con gái, quan niệm trinh tiết, trọng nam khinh nữ.
“Các cơ quan thực thi pháp luật rất lúng túng cho sự việc này vì tìm chứng cứ cho những sự vụ này. Nhiều người khi nhắc tới cưỡng hiếp thì xấu hổ không dám lên tiếng. Hành trình tìm đến công lý của các nạn nhân và gia đình rất khó khăn một phần vì định kiến, dư luận”, bà Vân Anh cho hay.