Giờ đây, anh Thợi và chị Lả luôn tự trách bản thân, vì nghèo đói mà đã gửi con lại ở quê, đi làm ăn xa nên mới dẫn đến cơ sự như ngày hôm nay.
Chị Lả thường xuyên túc trực, chăm sóc cho T. từ khi xảy ra sự việc đau lòng
Giao tiếp qua cử chỉ và tin nhắn
Liên quan đến sự việc cháu Lò Thị T. (14 tuổi ở xã Mường Kim, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu) bị nam thiếu niên Hà Văn Nhượng (13 tuổi, cùng địa phương) cưỡng hiếp, sau đó cứa cổ, hiện gia đình đã đưa cháu T. xuống Hà Nội để tiếp tục điều trị.
Đang nằm điều trị tại khoa Cấp cứu (BV Tai Mũi Họng Trung ương), cháu T. vẫn rất đau đớn khi vừa trải qua một ca phẫu thuật vào ngày 1/11. Những vết thương trên cổ và hai cổ tay cháu T. đang được băng bó cẩn thận. Hiện cháu T. vẫn chưa thể nói.
Hiện cháu T, vẫn chưa nói được.
Ngồi bên cạnh con gái, chị Lò Thị Lả liên tục xoa bóp lên cánh tay và bắp chân con gái, chị cho biết, dù sự việc đã xảy ra 1 tuần nhưng tinh thần con gái chị vẫn chưa được ổn định, buổi tối ngủ hay giật mình.
Do cháu T. không nói được nên mọi giao tiếp đều phải viết qua tin nhắn điện thoại, hoặc thông qua những cử chỉ tay chân, ánh mắt. Chỉ cho chúng tôi những vết thương trên cơ thể con gái, chị Lả vô cùng xót xa: “Nó (nghi phạm) dùng liềm cắt cổ con tôi, rồi có cả vết cắt xuống tận ngực, hai bàn tay con cũng bị thương rất sâu…Tôi nhìn con mà đau xót vô cùng”.
Cháu T. luôn có mẹ túc trực ở bên.
Người mẹ này cũng cho biết, ngày xảy ra sự việc hai vợ chồng chị đang cùng nhau đi làm phụ hồ ở tận Bắc Ninh. Khi mọi người thông báo con bị nạn, cả hai tức tốc về quê, lúc đó cháu đã được chuyển ra bệnh viện tỉnh để điều trị.
Kể từ đó đến nay, phía gia đình nhà nghi phạm gây án thường xuyên túc trực cùng gia đình để chăm lo cho cháu T.. Cả khi cháu được chuyển xuống Hà Nội điều trị, cũng có người đi theo để cùng gia đình lo việc.
Phía ngoài hành lang bệnh viện, anh Lò Văn Thợi (bố cháu T.) đứng ngồi không yên, anh cho biết con gái vừa trải qua ca phẫu thuật, không biết tình trạng ra sao. “Con tôi rất muốn nói chuyện nhưng cháu chẳng nói được. Mỗi khi muốn nói gì, tôi hoặc vợ lại giữ điện thoại để cháu ghi nội dung vào phần tin nhắn”, anh Thợi tâm sự.
Anh Thợi luôn trách bản thân chưa chăm lo con chu đáo.
Theo đó, từ khi xảy ra sự việc cháu T. chỉ hay nhắn tin về với bác cả (người cháu ở cùng khi bố mẹ đi làm) và một số bạn bè cùng lớp. Dù trải qua nhiều đau đớn về thể xác lẫn tinh thần, nhưng khi gửi tin nhắn về cho mọi người, T. vẫn động viên mọi người yên tâm.
Bố mẹ ân hận khi không chăm con tốt
Hai vợ chồng anh Thới có tất cả 3 người con, trong đó T. là chị cả. Do gia đình nghèo nên hai vợ chồng phải tha phương đi làm thuê kiếm sống và tỉnh thoảng vẫn về quê thăm các con, lần gần nhất là vào Rằm tháng 7.
Anh Thợi cũng cho biết, đầu năm 2 vợ chồng đi làm cũng rất lo lắng vì con gái đã 14-15 tuổi và trong suy nghĩ người bố này cũng sợ con gái ở nhà bị kẻ xấu giở trò đồi bại. Chính vì thế, trước khi đi làm hai vợ chồng đã gửi con cho bác cả (anh trai ruột của bố) nhờ chăm sóc và hàng tháng gửi tiền về lo cho con ăn học.
Hai vợ chồng chị Lả đau xót khi con gặp nạn.
“Các con ở nhà với bác cả, hai vợ chồng tôi rất yên tâm. Tôi không ngờ người gây ra chuyện lại là đứa cháu họ mới 13 tuổi. Bình thường Nhượng (nghi phạm) rất ngoan và nghe lời, vậy nên xảy ra chuyện không chỉ tôi mà ai cũng bất ngờ”, anh Thợi cho hay.
Đến thời điểm này, phía gia đình anh Thợi cũng chưa nghĩ đến bước xử lý tiếp theo mà chỉ mong tập trung cứu chữa cho con gái. “Nói gì thì nói, trách nhiệm và lỗi lầm trước hết thuộc về chúng tôi, vì nghèo đói phải đi làm ăn xa, không ở gần bảo ban, chăm chút cho các con nên mới xảy ra cơ sự này. Thật sự tôi rất ân hận và đau xót”, anh Thợi nghẹn lòng.
Hiện cháu T. đã trải qua ca phẫu thuật, có ổn định hơn nhưng cần phải theo dõi thêm.
Trao đổi với chúng tôi về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân Lò Thị T., Ths.BS Trần Hữu Thắng – Trưởng khoa Cấp cứu (BV Tai Mũi Họng Trung ương) cho biết, theo như hồ sơ bệnh án, cháu T. được cấp cứu tại bệnh viện tuyến dưới trong tình trạng bị lưỡi liềm rạch đứt đôi cổ gây tổn thương sâu chia đôi thành sau họng, lộ mặt trước đốt sống cổ, tổn thương thành bên hạ họng, xoang lê và thanh quản trái, rách niêm mạc ở thành sau miệng thực quản.
Ngoài ra Cháu còn bị rạch một đường giữa ngực dài khoảng 15 cm và may mắn là chưa tổn thương vào sâu trong phổi nếu không tình trạng sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn nữa, đe dọa tính mạng. Không dừng lại ở đó hung thủ còn dùng liềm cắt nhiều nhát vào tay và chân nạn nhân ….
Tại BV Đa khoa Lai Châu, bệnh nhân T. bị sốc mất máu nên các bác sĩ tại đây đã phải truyền tới 1400ml máu cho cháu bé để hồi sức, đồng thời các bác sĩ đã xử lý và mổ cấp cứu cho bệnh nhân T.. sau đó chuyển lên Viện Tai Mũi Họng TƯ để xử trí tổn thương theo đúng chuyên khoa.
Tại Bệnh viện TMH Trung ương, sau khi nhập viện ngày 31/10, qua thăm khám các bác sĩ phát hiện vùng cổ chỗ vết thương của cháu T. bị rò mủ từ trong họng ra ngoài và vùng họng miệng bị tổn thương nhiều nên đã tiến hành mở lại vết thương để kiểm tra.
Ca mổ được thực hiện vào ngày 1/11, trong ca mổ, các bác sĩ đã nhận định tổn thương vùng họng miệng và thanh quản Trái của cháu bị rách nát niêm mạc toàn bộ, may mắn là miệng thực quản không bị tổn thương nhiều nên khả năng nuốt của cháu vẫn được đảm bảo, thanh quản bị tổn thương hoàn toàn bên T nhưng nguy cơ sẹo hẹp toàn bộ là không cao, cháu vẫn có thể thở được nhưng khả năng nói có thể sẽ khó hồi phục. Kíp mổ đã tiến hành khâu phục hồi niêm mạc trong họng, khâu vết thương vùng cổ, ngực, thay ống thở và đặt xông dạ dày.
Khi các vết thương vùng cổ ngực đã được các chuyên gia khâu phục hồi thì cháu bé lại phải đối mặt với tình trạng sang chấn tâm lý nặng nề, các bác sỹ, điều dưỡng gần như không tiếp xúc được với cháu mà chỉ giao tiếp qua mẹ. Nhưng rất may mắn là sau 3 ngày điều trị, đến sáng 2/11 khi đi buồng đã thấy cháu cầm được đồ chơi là một chú ngựa nhỏ mầu đỏ .
“Hiện bệnh nhân đã tạm ổn định về mặt tâm lý, đã có thể chơi được đồ chơi. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cần phải hội chẩn thêm với chuyên khoa tâm thần để xác định mực độ ảnh hưởng”, BS Thắng cho hay.
Cùng với sự phối hợp nhanh chóng của các Bác sỹ phẫu thuật còn có sự chỉ đạo sát sao của GS.TS Phạm Tuấn Cảnh - Giám đốc BV Tai Mũi Họng TƯ, ngay khi được biết bệnh nhân T.. nhập viện, ông đã trực tiếp xuống chỉ đạo Khoa cấp cứu thực hiện ca mổ và điều trị với phương châm thực hiện mọi biện pháp tốt nhất có thể và đặc biệt chăm sóc để cháu có thể sớm xuất viện và trở lại với cuộc sống bình thường…