Khi con đến tuổi đi học, các bậc phụ huynh luôn có rất nhiều điều băn khoăn, lo lắng. Bộ giáo dục Hoa Kỳ đã tiến hành một nghiên cứu để giải đáp những thắc mắc thường gặp của phụ huynh về việc học tập và rèn luyện của con ở trường cũng như ở nhà.
Ở bậc học thấp nhất, giáo viên mầm non sẽ mong muốn con tôi làm được những gì ở trường?
Kỳ vọng này có thể khác nhau giữa các giáo viên và các nhà trường. Tuy nhiên, mong muốn sau đây của giáo viên mầm non là phổ biến nhất:
- Con sẽ tuân theo các quy tắc đơn giản và làm theo những hướng dẫn của các cô ở trường.
- Con có thể tập trung vào một nhiệm vụ nhỏ trong một khoảng thời gian từ 10 đến 20 phút.
- Con có một số kỹ năng xã hội như biết chia sẻ, đối thoại và có thể kiểm soát bản thân. Những kỹ năng này sẽ giúp con bắt nhịp tốt cùng với giáo viên và những học sinh khác.
- Con có thể tự làm một số công việc cá nhân đơn giản, chẳng hạn như biết tự quản lý đồ dùng cá nhân của mình, treo quần áo đúng vị trí, biết tự cất bút chì màu và giấy sau khi sử dụng.
Các bé đang chăm chú nghe cô dạy ở một lớp học mầm non (Ảnh minh họa - nguồn una.edu)
Tôi nên hỏi con như thế nào về việc học tập của con ở trường?
- Phụ huynh hãy hỏi về những việc mà con đã làm ở trường, kiểm tra điểm số và những đánh giá, nhận xét của giáo viên.
- Kiểm tra cẩn thận sổ đánh giá của mỗi môn học để xem mức độ hứng thú của con với từng môn học khác nhau. Hỏi giáo viên phụ trách lớp về những thành tích cũng như những lần phạm lỗi của con ở trường một cách thường xuyên.
- Tham dự các buổi hội nghị phụ huynh-giáo viên được nhà trường tổ chức. Phụ huynh hãy mạnh dạn đặt các câu hỏi về những vấn đề đang quan tâm, thắc mắc. Ngoài ra phụ huynh có thể yêu cầu nhà trường tổ chức một cuộc họp đặc biệt nếu thấy cần thiết. Các cuộc gọi điện thoại trao đổi thường xuyên cũng là một cách tốt để tăng cường thông tin chia sẻ giữa giáo viên và phụ huynh.
- Sử dụng các số liên lạc đường dây nóng để nắm được thông tin về các hoạt động chung của nhà trường.
- Hỏi về kết quả của các bạn cùng lớp để so sánh nó với kết quả học tập, rèn luyện của con ở trường. Lắng nghe ý kiến của giáo viên về những công việc mà con đã làm được và những lời khuyên của giáo viên để lần sau con làm tốt hơn. Ngoài ra, phụ huynh cũng cần phối hợp với giáo viên để vạch ra một kế hoạch giúp con tiến bộ nhanh hơn.
- Nếu phụ huynh nhận thấy con có một vấn đề nghiêm trọng nào đó, hãy nhờ giáo viên thông báo về sự tiến bộ của con em mình bằng tin nhắn hoặc điện thoại hàng tuần.
- Phụ huynh đừng bao giờ chỉ trích giáo viên ngay trước mặt con. Điều này sẽ làm giảm tinh thần trách nhiệm của trẻ về những hành hành động của chúng.
Không chỉ trích giáo viên trước mặt con (Ảnh minh họa- nguồn dailyparent.com)
Tôi phải làm thế nào để khuyến khích con đọc sách?
- Phụ huynh hãy gương mẫu đọc sách một cách thường xuyên. Khi thấy phụ huynh đọc báo hay lật những trang sách, con sẽ muốn làm theo bạn.
- Hãy duy trì thói quen đọc sách của trẻ hàng ngày. Nếu con chưa biết đọc, phụ huynh có thể đọc cho con nghe. Đọc sách là một kỹ năng. Nếu trẻ dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để đọc sách một cách vui vẻ, kỹ năng đọc sách của trẻ sẽ được phát triển rất nhanh.
- Duy trì thói quen đến thư viện. Hãy chắc chắn rằng tất cả mọi người trong gia đình đều có thẻ thư viện. Lập lịch để các thành viên cùng nhau đến thư viện thường xuyên.
- Hãy đọc sách thật to cho con nghe. Đây là điều quan trọng nhất để phụ huynh có thể giúp con có khả năng đọc tốt hơn. Bắt đầu đọc sách cho con nghe từ khi con còn nhỏ và duy trì cho đến khi con lớn và có thể tự đọc.
- Sử dụng chính tờ báo phụ huynh hay đọc để khuyến khích thói quen đọc sách cho con. Phụ huynh hãy đố con tìm thấy những điều đặc biệt trong bài báo như: hình bản đồ của Hoa Kỳ, bức hình chụp một vận động viên, ba từ bắt đầu bằng ký tự “s”.
- Tìm mua những cuốn sách hay làm quà tặng cho con. Dành những vị trí đặc biệt để con có thể cất giữ những cuốn sách làm thành thư viện riêng.
Cần khuyến khích con đọc sách hàng ngày (Ảnh minh họa - nguồn lifeisunique.com)
Tôi có thể làm gì để giúp con thành công trong học tập?
- Phụ huynh hãy nhờ giáo viên cho ý tưởng về những vấn đề phụ huynh có thể giúp con tìm hiểu thêm tại nhà. Hãy thể hiện sự quan tâm của phụ huynh bằng cách tham dự những sự kiện đặc biệt cùng với con như hội thi khoa học, các buổi kịch ở trường, sự kiện âm nhạc, các chuyến đi của lớp hoặc các sự kiện thể thao.
- Hãy tỏ ra quan tâm đến những gì việc con đã hoàn thành ở trường mỗi ngày.
- Phụ huynh hãy giám sát việc xem phim ảnh và sử dụng internet của con một cách hợp lý. Nên hạn chế con xem phim ảnh dưới 2 giờ mỗi ngày.
- Nói với con rằng, bạn tin con có thể học tốt ở trường. Nhấn mạnh về các tấm gương các học sinh đạt thành tích học tập tốt bằng cách học hành chăm chỉ và không chỉ vì lý do quá thông minh. Nói những lời khen ngợi và khuyến khích kịp thời khi con đạt được thành tích và tiến bộ.
- Có thể đăng ký cho con một chương trình bổ trợ sau giờ học chính khóa với nội dung có kết nối với chương trình chính khóa.
- Thiết lập một thói quen hàng ngày của gia đình về khoảng thời gian dành cho các bữa ăn, thời gian để làm bài tập về nhà, thời gian làm các công việc vặt và thời gian đi ngủ.
- Hãy giám sát hoạt động của trẻ sau giờ học, các buổi tối và cuối tuần. Nhiều bậc cha mẹ bận rộn với công việc có thể sắp xếp và lên kế hoạch sau giờ học cùng với con qua điện thoại.
- Nói chuyện với con về những điều tích cực và cá tính của mọi người, chẳng hạn như tôn trọng bản thân và những người khác. Ngoài ra có thể cùng con bàn bạc để giải quyết những vấn đề khó khăn, trao đổi với con về vấn đề trách nhiệm. Phụ huynh hãy lấy chính mình ra để làm gương cho con.
Nếu phụ huynh cần giúp đỡ về một vấn đề liên quan đến nhà trường, hãy liên hệ với giáo viên của con hoặc các nhân viên của nhà trường.
Bao nhiêu bài tập về nhà cho con là đủ?
- Không có số liệu thống kê chính xác hoặc tốt nhất về lượng bài tập về nhà phù hợp cho trẻ. Tuy nhiên, nhiều trường đã đề nghị 15 đến 45 phút mỗi ngày cho học sinh từ lớp 3 đến 6, 45 đến 75 phút cho lớp 7 đến 9 và 75 đến 120 phút cho lớp 10 đến lớp 12.
- Duy trì thói quen làm bài tập về nhà của con hàng ngày bằng cách hỏi con về bài nào con sẽ học trên lớp và bài nào con cần làm ở nhà.
- Nếu con không có bài tập về nhà trong vài ngày liên tiếp, phụ huynh hãy liên lạc với giáo viên của con để hỏi.
Bao nhiêu bài tập về nhà là phù hợp với trẻ? (Ảnh minh họa – nguồn psu.edu)
Tôi có thể giúp con làm bài tập về nhà như thế nào?
- Cùng con lập thời gian biểu giành cho việc làm bài tập về nhà mỗi ngày.
- Khuyến khích con ngồi học nghiêm túc tại bàn học. Không để con nằm trên giường hoặc ngồi làm bài tập ở ghế sofa.
- Nếu con cảm thấy khó khăn để ngồi yên hoặc tập trung làm bài tập, phụ huynh có thể cho con nghỉ giải lao một thời gian ngắn. Trong thời gian đó khuyến khích con đi bộ bên ngoài hơn là chơi game trên điện thoại hay máy vi tính.
- Giảm âm lượng hoặc tắt ti vi, các thành viên khác trong gia đình hạn chế nói chuyện ồn ào khi con đang làm bài.
- Nếu con không biết nên bắt đầu từ đâu để làm được bài tập, phụ huynh hãy nói chuyện với con về các bài tập đó nhưng tuyệt đối không làm giúp con.
- Nếu phụ huynh không thể giúp con cùng giải quyết những bài tập khó, hãy nhờ đến giúp đỡ từ những người thân khác. Cũng có thể cho con tham gia một khóa học thêm được tổ chức sau giờ học. Khuyến khích con tham gia vào nhóm học tập với các bạn cùng lớp.
- Cung cấp cho con những dụng cụ hỗ trợ học tập cần thiết theo lứa tuổi như máy tính, từ điển, từ điển đồng nghĩa, hoặc bách khoa toàn thư. Dạy cho con cách sử dụng chúng một cách hiệu quả.
- Nếu trong gia đình có nhiều anh em, khuyến khích các con giúp đỡ lẫn nhau trong học tập. Trẻ lớn hơn thường có thể đóng vai như là giáo viên dạy kèm cho các em nhỏ hơn. Điều này làm các anh chị lớn có thể củng cố lại các kỹ năng trong khi những đứa nhỏ hơn có thể học hỏi.