Nhà nước đã chuẩn bị 30 tỷ đồng để phòng và chống sởi. Hiện nay, đã chi 10 tỷ đồng, còn 20 tỷ sẽ dùng để mua sắm trang thiết bị và thuốc phòng, chữa sởi.
Ngày 28/4/2014, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có chuyến thị sát bệnh sởi tại hai bệnh viện Nhi Đồng 1 và bệnh viện quận Bình Tân (TP.HCM). Ngay sau đó, bà Tuyến đã có cuộc gặp gỡ với báo giới.
Bà Tiến nhận định, tình trạng tiêm ngừa sởi tại TP.HCM hiện nay vẫn chưa được tốt. Trong quá trình tiếp xúc, bà có trò chuyện với một số bà mẹ và được biết, các trẻ mắc bệnh là do chưa tiêm chủng được. Ngày tiêm chủng thì bé lại đau không tiêm được. Khi bé hết ốm thì đã qua ngày tiêm. Để khắc phục điều này, bà đề nghị ngày chích ngừa phải tăng lên. “Như ở Hà Nội, hiện nay, chích ngừa dường như diễn ra hàng ngày”, bà nói.
Bà Tiến thị sát bệnh sởi tại TP.HCM
Ngoài ra, bà Tiến cho rằng, bất kể ai cũng có thể bị nhiễm sởi, đặc biệt là những bà mẹ đang chăm con bị bệnh. Những bà mẹ này trước đây đã từng tiêm vacxin ngừa sởi, nhưng thời gian lâu, kháng thể có thể giảm và vẫn có thể bị nhiễm. Do đó, bà đề nghị, đối với những trường hợp như thế này cũng cần được tiêm ngừa.
Bà Tiến nhận định, hiện nay, vẫn còn tình trạng các trẻ chỉ mắc sởi nhẹ nhưng phụ huynh vẫn yêu cầu nằm nhập viện. Bà yêu cầu các bệnh viện phải mạnh tay ngay trong khâu khám bệnh. Đối với những bệnh nhân chỉ mắc sởi nhẹ có thể chuyển đến các bệnh viện tuyến dưới để chữa trị. Riêng các trường hợp không chịu về thì phải phân tuyến phù hợp. “Đặc biệt, với tình trạng bệnh sởi như hiện nay thì không được để cho các bệnh nhân bị sởi nằm ghép”, bà nhấn mạnh.
Tại buổi gặp gỡ, Cục trưởng cục khám và chữa bệnh, ông Lương Ngọc Khuê cho biết, từ đầu năm đến nay đã chuẩn bị 30 tỷ đồng để phòng và chống sởi. Hiện nay, số tiền đã chi ra là 10 tỷ, còn 20 tỷ nữa sẽ dùng để mua sắm trang thiết bị và thuốc phòng, chữa sởi. Cục trưởng cũng có lời khen ngợi đối với bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) vì đã tổ chức được các buổi tập huấn về phòng và tránh sởi cho các bệnh viện tuyến dưới.
Đặc biệt, ông Khuê nhận định: “Chỉ cần đi qua đầu giường là có thể bị nhiễm sởi”. Cục trưởng nói như vậy để khẳng định bệnh sởi rất dễ lây nhiễm, cả bác sĩ, y tá lẫn các phụ huynh, bệnh nhân đều cần chú ý trong phòng và trị bệnh.
TP.HCM đến nay vẫn chưa có bệnh nhân nào tử vong do sởi
Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết, từ đầu năm số bệnh nhân nhiễm sởi tăng. Tuy nhiên, đến tháng 4 thì số bệnh nhân nhiễm sởi đang chững lại. Đến nay, tại TP.HCM vẫn chưa có trường hợp nhiễm sởi nào tử vong. Tính từ đầu năm 2014 đến nay, thành phố có gần 1.500 trường hợp mắc sởi được điều trị, trong khi cả năm 2013 chỉ ghi nhận hơn 400 ca. Trung bình mỗi tuần có 120 ca sởi nhập viện, trong đó 90% là trẻ dưới 10 tuổi. Đáng lưu ý, nhiều người lớn cũng mắc sởi. Tuy nhiên, chủ yếu những ca mắc chỉ là sởi bình thường. Còn số ca bị biến chứng đang giảm dần, từ 31,6% vào tháng 1/2014 đến nay chỉ còn khoảng 24,1%.
Tính đến ngày 27/4/2014, cả nước ghi nhận thêm 32 ca sởi mới, nâng tổng số ca từ đầu năm đến nay lên 3.716 ca tại 32 tỉnh, thành. Số bệnh nhân nặng phải thở máy ở các bệnh viện tuyến Trung ương còn cao, tiềm ẩn nguy cơ tử vong. Số người mắc sởi tại các địa phương đã bắt đầu giảm. Do trẻ dưới 9 tháng tuổi chưa được tiêm vắc xin nên nguy cơ mắc bệnh ở nhóm này khó giảm.