Theo Bộ Y tế, nếu cho phép tràn lan trong việc thụ tinh trong ống nghiệm thì có thể để lại các biến tướng khôn lường.
Chỉ nên cho ba bệnh viện thực hiện
Thời gian qua, việc sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ được dư luận khá quan tâm. Nhiều cặp vợ chồng không có khả năng sinh con tự nhiên vẫn còn băn khoăn về điều kiện có thể thuê người mang thai hộ để thực hiện ước mơ có con.
Vào sáng 14/10/2014, vấn đề nóng này đã được đưa ra bàn luận trong hội thảo góp ý của Bộ Y tế và Vụ Pháp chế Bộ Y tế và Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM. Bộ Y tế cho rằng, hiện nay, việc mang thai hộ ở nước ta vẫn còn khá nhạy cảm và mới, do đó, không nên cho phép tất cả các bệnh viện có thể thực hiện.
Việc sinh thai hộ sẽ tạo được niềm vui cho nhiều cặp vợ chồng
Bộ đề nghị chỉ nên cho phép ba cơ sở y tế thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ đại diện ở ba khu vực. Tại miền Bắc là bệnh viện Phụ Sản Trung ương, ở miền Trung là bệnh viện Trung ương Huế và ở miền Nam là bệnh viện Từ Dũ.
Giải thích về đề nghị này, Bộ Y tế cho rằng, việc mang thai hộ liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của nhiều người như đứa trẻ, người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ. Đối với đứa trẻ được sinh ra bằng phương thức này, nếu không quy định kỹ lưỡng thì có thể để lại nhiều hệ lụy về sau. Đặc biệt là các vấn đề liên quan đến huyết thống, tình cảm và các mối quan hệ.
Không chỉ thế, phía Bộ cũng khẳng định, hiện nay, nhu cầu mang thai hộ là không nhiều. Do đó, việc qui định ba cơ sở cho phép được thực hiện mang thai hộ là phù hợp. Bởi, nếu cho phép tràn lan thì có thể để lại các biến tướng khôn lường. Vả lại, đây chỉ mới là giai đoạn thí điểm nên cần phải quy định rõ, thắt chặt các cơ sở để cơ quan quản lý có thể tổng kết, rút kinh nghiệm tốt hơn.
Nhiều ý kiến trái chiều
Khảo sát của chúng tôi tại bệnh viện Từ Dũ TP.HCM cho thấy, hiện nay có rất nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn đang muốn tìm cơ hội để có con. Anh Trương Thanh S. (34 tuổi, tỉnh Cần Thơ) chia sẻ: “Vợ chồng tôi cưới nhau gần 10 năm nhưng vẫn chưa có con. Hai vợ chồng đi khám thì được biết vợ tôi không có khả năng mang thai. Mặc dù vậy, khát khao có đứa con vẫn luôn trong tiềm thức. Bất kể nghe ở đâu có thầy chữa bệnh vô sinh giỏi là hai vợ chồng lại tìm đến. Tuy nhiên, đến nay, chúng tôi vẫn chưa thể thỏa nguyện”.
Anh Sang chia sẻ thêm, khi hay tin Bộ Y tế đang có dự thảo quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ thì rất mừng. Bởi, nếu dự thảo mới được chấp thuận thì vợ chồng anh có thể thuê người mang thai hộ. Tuy nhiên, điều anh cảm thấy trong dự thảo này vẫn còn đôi chút lấn cấn là nhiều chuyên gia nghiêng về hướng chỉ chấp thuận ba cơ sở đại diện ba khu vực Bắc, Trung, Nam được cho phép thực hiện.
Bệnh viện Từ Dũ là một trong ba nơi được đề nghị cho phép thực hiện mang thai hộ
Anh cho rằng, điều này sẽ khiến người dân vô cùng tốn kém. Bởi, chẳng hạn như vợ chồng anh ở tỉnh Cần Thơ. Nếu Bộ Y tế chấp thuận phương án cho các bệnh viện tỉnh, đủ điều kiện cơ sở vật chất thì có thể thực hiện sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, cho mang thai hộ thì có thể thực hiện ở bệnh viện Đa khoa tỉnh Cần Thơ. Như vậy, vợ chồng anh có thể tiết kiệm được một số chi phí, lớn khi phải lên TP.HCM.
Bên cạnh đó, nhiều cặp vợ chồng đang có nhu cầu sinh con trong ống nghiệm cũng có cùng ý kiến này. “Nếu có thể thực hiện ở bệnh viện tỉnh thì chúng tôi sẽ đỡ mất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc hơn. Bởi, địa điểm gần với nơi sinh sống” chị Nguyễn Thị Th. (36 tuổi, tỉnh Bình Thuận) chia sẻ.
Không chỉ thế, một số chuyên gia cũng cho rằng, nếu quy định chỉ chấp thuận ba cơ sở đại diện ba khu vực Bắc, Trung, Nam thì không công bằng giữa các cơ sở được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Bởi, các cơ sở đều có thể thực hiện kỹ thuật này. Không chỉ thế, nếu quy định này được đồng ý thì chắc chắn, dư luận sẽ có suy nghĩ là chỉ định không khách quan.