Bộ Y tế đề xuất cho phép kết hôn đồng tính vì nó là quyền được sống thực với những gì mình có - đó là quyền con người.
Trong bài tham luận gửi về Bộ Tư pháp để phục vụ cho buổi họp trực tuyến tổng kết 13 năm thi hành Luật Hôn nhân-Gia đình năm 2000 sẽ tổ chức vào ngày mai (16/4), PGS-TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế đã thay mặt bộ này đề xuất cho phép kết hôn đồng tính.
Người đồng tính cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc
Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình quy định những trường hợp cấm kết hôn, trong đó khoản 5 quy định cấm kết hôn "giữa những người cùng giới tính".
Lý giải tại sao pháp luật lại quy định như vậy, ông Tiến cho rằng theo quan điểm trước đây những người cùng giới tính kết hôn với nhau thì đi ngược lại truyền thống đạo đức, trái với tự nhiên, không phù hợp với chức năng của gia đình là duy trì nòi giống hay vì lo ngại rằng nếu pháp luật cho phép kết hôn đồng tính có thể kéo theo nhiều hệ lụy, như việc nhận con nuôi của các cặp đồng tính. Việc được nuôi dưỡng bởi hai người đồng tính có thể ảnh hưởng đến nhận thức, tâm sinh lý của đứa trẻ được nhận nuôi . Hôn nhân đồng giới sẽ dẫn đến nhiều thay đổi như sự biến mất của định nghĩa “cha”, “mẹ” trong luật dân sự, sẽ kích thích các cặp đồng tính sử dụng phương pháp mang thai hộ (phương pháp này bị pháp luật Việt Nam cấm).
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho biết, bắt đầu từ năm 1990, Tổ chức Y tế thế giới đã loại bỏ đồng tính ra khỏi danh sách bệnh tâm thần. Ở Việt Nam, không có cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào chữa bệnh đồng tính. Đứng ở góc độ y tế thì đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới (gọi chung là người đồng tính) không phải là một loại bệnh. Vì vậy, y học không thể can thiệp, cũng không thể chữa khỏi.
Ông Tiến cũng cho rằng, đứng ở góc độ quyền con người thì người đồng tính cũng có quyền sống, quyền ăn, ở, mặc, quyền được yêu thương và mưu cầu hạnh phúc. Đứng ở góc độ quyền công dân, họ được lao động, học tập, khám bệnh, chữa bệnh, khai sinh, khai tử, kết hôn…. có quyền và thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước và xã hội.
Hiện nay chưa có nghiên cứu chính xác về số lượng người đồng tính tại Việt Nam. Đồng tính vẫn chưa được xã hội và pháp luật Việt Nam thừa nhận. Do vậy, rất nhiều người đồng tính thường không công khai giới tính thực của mình vì họ sợ sự kỳ thị, xa lánh từ người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Nhiều người đồng tính sống dưới một vỏ bọc khác, không sống thật với giới tính của mình. Sự lừa dối này gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho những người trong cuộc.
Theo một nghiên cứu của Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (ISEE) về người đồng tính nam, 90% người đồng tính cảm thấy xã hội có thái độ tiêu cực với người đồng tính, từ đó có đến 86% trong số họ phải che giấu chuyện tính dục của mình với mọi người xung quanh. Hầu hết họ gặp phải sự định kiến và kỳ thị của gia đình và bạn bè. Trong 1800 người tham gia trả lời, vì việc họ đồng tính mà có 20% số người đó nói họ đã mất bạn, 15% bị gia đình la mắng, 6.5% mất việc, 4.5% bị đánh và 4.1% bị đuổi ra khỏi nhà. Ngoài ra, họ còn có thể bị bạo lực thể xác, bạo lực tâm lý, bạo lực tình dục và các hình thức ép người đồng tính đi chữa bệnh tâm thần.
Kịch đồng tính nữ “Được là chính mình” của đạo diễn Bùi Như Lai (ảnh minh họa)
Nhiều quốc gia cho phép kết hôn đồng giới
Trong khi đó, tính đến ngày 15/6/2012, trên thế giới đã có 11 quốc gia, 10 vùng lãnh thổ hợp thức hóa hôn nhân đồng giới, 21 quốc gia, 19 lãnh thổ thừa nhận kết hợp dân sự giữa những người đồng tính và 3 quốc gia công nhận việc chung sống không đăng ký giữa những người cùng giới tính.
Hầu hết quốc gia thừa nhận hôn nhân đồng tính đều có quy định quá độ trong luật pháp, ban đầu là thừa nhận quyền của người đồng tính, tiếp đó là việc chung sống như vợ chồng của người đồng tính rồi mới quy định về thừa nhận hôn nhân đồng tính. Hà Lan quy định về đăng ký kết hôn dân sự giữa những người giới tính vào năm 1998, nhưng đến năm 2001 mới thừa nhận chính thức hôn nhân hợp pháp giữa người cùng giới. Canada thừa nhận quyền chung sống của người đồng tính vào năm 1999, đến năm 2005 mới thừa nhận hôn nhân đồng giới và quyền xin con nuôi. Bỉ cho phép hôn nhân đồng giới vào năm 2003. Cặp đôi đồng giới có các quyền lợi như cặp đôi khác giới tính, riêng quyền xin con nuôi chỉ được cho phép vào năm 2006.
Tháng 7/2005, Tây Ban Nha cho phép hôn nhân đồng giới và quyền xin con nuôi. Tháng 11/2006, Nam Phi là nước Châu Phi đầu tiên cho phép hôn nhân đồng giới và quyền xin con nuôi. Tháng 1/2009, Na Uy cho phép các cặp đôi đồng giới được quyền kết hôn, xin con nuôi và thụ tinh nhân tạo. Tại Bồ Đào Nha, đạo luật ngày 1/6/2010 thay đổi định nghĩa của hôn nhân bằng sự xóa bỏ việc chỉ dành cho “người khác giới tính” nhưng không cho phép cặp đôi đồng tính nhận con nuôi. Arhentina trở thành nước đầu tiên tại Châu Mỹ La tinh cho phép hôn nhân đồng giới ngày 15/7/2010. Cặp đôi đồng giới hưởng tất cả các quyền lợi như cặp đôi khác giới tính và có quyền xin con nuôi.
Hai nước chỉ cho phép hôn nhân đồng giới ở một số vùng lãnh thổ là: Mỹ (Washington, Maryland, Connecticut, Iowa, Massachusetts, New Hampshire, Vermont, New York ) và Mêhicô ( thủ đô Mêhicô).
Một số quốc gia đã ban hành các quy định về việc chung sống giữa hai người đồng giới với việc mở rộng các quyền lợi cho người đồng tính, như Đan Mạch (1989), Pháp (1999), Đức (2001), Phần Lan (2002), Nouvelle-Zélande (2004), Anh (2005), Cộng hòa Séc (2006), Thụy Sĩ (2007), Uruguay, Colombie, Irlande (2011).
Tại châu Á, Trung Quốc và Ấn Độ không thừa nhận hôn nhân đồng tính, nhưng đã hợp pháp hóa quan hệ đồng tính vào năm 1997 (Trung Quốc), 2009 (Ấn Độ).
Thứ trưởng Tiến cho rằng, vấn đề kết hôn giữa những người đồng tính là một vấn đề thực tế diễn ra phổ biến, công khai hiện nay. Việc quy định cho phép kết hôn hay không cần phải được tiến hành điều tra, phân tích, đánh giá, cân nhắc để có đủ cơ sở khoa học khi đưa vào luật. Bên cạnh đó, cũng cần cân nhắc, đánh giá các yếu tố xã hội khi quy định nội dung này vào trong luật. Chính vì thế, Bộ Y tế đề xuất cho phép kết hôn đồng tính vì nó là quyền được sống thực với gì mình có - đó là quyền con người.