Bộ Y tế lên tiếng về việc uống thuốc chống phơi nhiễm HIV phải trả tiền ở Kon Tum

Ngày 03/07/2017 17:33 PM (GMT+7)

Phía Bộ Y tế xác nhận tất cả những người bị phơi nhiễm HIV trong khi cứu người bị tai nạn giao thông ở Kom Tum đã được điều trị bằng thuốc ARV miễn phí hoàn toàn.

Liên quan đến sự việc người dân tham gia cấp cứu người nhiễm HIV bị tai nạn giao thông ở Kon Tum, nhưng sau đó họ phải trả tiền mới được sử dụng thuốc ARV (thuốc kháng virus HIV), ngày 3/7 TS Hoàng Đình Cảnh – Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS đã chính thức lên tiếng về vấn đề này.

Theo TS Cảnh, hiện nay theo quy định về chế độ đối với người bị phơi nhiễm do tai nạn rủi ro nghề nghiệp, thì thuốc ARV dùng điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV chỉ được cấp miễn phí cho những người bị phơi nhiễm do nghề nghiệp như cán bộ y tế, cán bộ lực lượng vũ trang, tổ công tác cai nghiện... bị phơi nhiễm khi đang làm nhiệm vụ.

Đối với sự việc xảy ra ở Kom Tum, có 7 người dân tích cực tham gia cấp cứu người bị nạn đã bị phơi nhiễm HIV. Do vậy, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã chỉ đạo Sở Y tế Kon Tum tiến hành cấp miễn phí thuốc ARV để điều trị dự phòng cho cán bộ y tế và cả 7 người dân tham gia cấp cứu, có tiếp xúc trực tiếp với máu của nạn nhân này.

Bộ Y tế lên tiếng về việc uống thuốc chống phơi nhiễm HIV phải trả tiền ở Kon Tum - 1

TS Hoàng Đình Cảnh - Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS.

“Đến nay, tất cả 17 cán bộ Y tế và 7 người dân bị phơi nhiễm HIV khi tham gia cấp cứu nạn nhân đã được tư vấn, xét nghiệm sàng lọc HIV và cấp thuốc ARV để điều trị dự phòng sau phơi nhiễm kịp thời”, ông Cảnh cho hay.

Ngoài vấn đề trên, không ít người cho rằng, nạn nhân tử vong nhiễm HIV mới điều trị ARV từ tháng 5 vừa rồi. Như vậy, khả năng lây nhiễm đối với những người tiếp xúc trong vụ tai nạn sẽ rất cao? Trước thắc mắc trên, ông Cảnh cho rằng, qua xác minh từ Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Kon Tum thì nạn nhân này đã điều trị ARV nhiều năm về trước.

Bởi vậy, về mặt khoa học, khi người nhiễm HIV đã được điều trị ARV từ 6 tháng trở lên thì nồng độ vi rút HIV trong máu ở mức rất thấp, nên khả năng lây truyền sang những người khác thấp.

“Mặt khác 24 người này lại được điều trị dự phòng phơi nhiễm ngay. Do vậy hy vọng những người tiếp xúc trực tiếp với máu nạn nhân này sẽ không ai nhiễm HIV”, ông Cảnh chia sẻ.

Trước đó, chiều ngày 30/6 tại Km 1522, đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Đắc Hrinh, huyện Đắc Hà, Kon Tum xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến 16 người thương vong. Trong số các nạn nhân tử vong, có trường hợp bệnh nhân Trần Thị M., 51 tuổi, trú tại huyện Ngọc Hồi là bệnh nhân nhiễm HIV đang điều trị ARV ngoại trú tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum.

Tuy nhiên, khi tham gia cứu hộ, giúp đỡ các nạn nhân vụ tai nạn, người dân cũng như lực lượng y bác sĩ không hề biết nạn nhân nhiễm HIV.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề HIV/AIDS