Bức thư "bạn tù tri kỷ" gửi ngày ông Chấn rời trại giam

Ngày 12/09/2014 17:51 PM (GMT+7)

“Ông có biết không, hôm nay là ngày công dân thứ 90 triệu của Việt Nam chào đời. Thực ra tôi không muốn nói đến câu chuyện dân số, nhưng tôi muốn nói rằng, ông như được sinh ra lần nữa. Thật mừng cho ông, vui cùng gia đình ông...", "bạn tù tri kỷ" của ông Chấn viết trong thư.

Tâm sự với chúng tôi về kỷ niệm 10 năm ngồi tù oan, ông Nguyễn Thanh Chấn (thôn Me, Nghĩa Chung, Việt Yên, Bắc Giang) cho biết, một trong những người bạn tù thân thiết nhất của ông khi bị giam ở Trại giam Vĩnh Quang (xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) là ông Đỗ Văn Toản, quê ở Phú Thọ.

Ông Chấn kể rằng, ông và ông Toản sinh cùng năm 1961, cầm tinh con trâu, gặp nhau trong trại giam, hai người cảm thấy rất tâm đầu ý hợp, như là tri kỷ. Qua những tâm sự của ông Chấn về cuộc đời và vụ án khiến ông bị đẩy vào vòng lao lý, người bạn tù Đỗ Văn Toản dần dần tin rằng ông Chấn thực sự là một trường hợp oan sai và tin tưởng rằng sẽ có ngày ông Chấn được minh oan, đoàn viên cùng gia đình.

Niềm tin của ông Toản đã không đặt nhầm chỗ, sáng 4/11/2013, tại Trại giam Vĩnh Quang, ông Chấn được trả tự do trở về với gia đình. Trong giây phút hạnh phúc khi được trả tự do, ông Chấn nhận được cái ôm siết chặt của ông Đỗ Văn Toản và một lá thư đầy xúc động.

Bức thư quot;bạn tù tri kỷquot; gửi ngày ông Chấn rời trại giam - 1

Ông Chấn đã thuộc lòng những dòng tâm sự của "bạn tù tri kỷ" Đỗ Văn Toản viết trong thư gửi ông lúc ông được trả tự do.

Lá thư do ông Đỗ Văn Toản viết gửi ông Chấn được mở đầu bằng dòng chữ: Vĩnh Quang: “Khoảnh khắc không tưởng”, dòng chữ được ông Toản viết rất to.

Trong lá thư, ông Toản tâm sự với ông Chấn: “Ông có biết không, hôm nay là ngày công dân thứ 90 triệu của Việt Nam chào đời. Thực ra tôi không muốn nói đến câu chuyện dân số, nhưng tôi muốn nói rằng, ông như được sinh ra lần nữa. Thật mừng cho ông, vui cùng gia đình ông, ngày mai là cuộc đoàn tụ không tưởng của gia đình ông. Có lẽ vong linh của bố ông – một anh hùng liệt sĩ đã thấu hiểu điều đó.

Có thể ngày mai tôi – ông không còn câu chuyện thì thầm to nhỏ nữa, nhưng ký ức về ông, con người ông vẫn còn mãi. Tôi vẫn ở chặng đường còn lại. Giờ thì tôi có thể nói một câu rằng, chúc mừng ông, chúc mừng sự đoàn viên. Nếu có thể, ông thắp giúp tôi một nén nhang lên bàn thờ của bố ông, người Anh hùng đã hy sinh vì Tổ quốc.

Ông à, nếu có thể tôi sẽ viết về con người ông, cuộc đời ông thành một tiểu thuyết. Cho dù có thế nào đi nữa thì ông cũng phải bình tĩnh, bước qua khó khăn và hãy tin vào công lý. Còn người vợ ông hơn 10 năm khổ cực, vất vả, thật là một sự tìm kiếm có một không hai. Rồi những người cố tình gán ghép tội ác cho ông sẽ phải trả giá. Muốn nói với ông nhiều lắm, sau này nếu có ngày gặp lại, chúng ta sẽ tâm sự nhiều hơn...”.

Cuối lá thư ông Toản ký rất to tên của mình: “Đỗ Văn Toản” và con giáp năm ông Toản, ông Chấn sinh ra: “Trâu Trắng”.

Những dòng tâm sự của ông Toản được viết vội với những nét chữ nguệch ngoạc, nhưng chan chứa tình cảm với người bạn tù Nguyễn Thanh Chấn.

“Mỗi khi nhớ tới người bạn tù, tôi lại lấy thư của ông Toản ra đọc. Đến nay tôi có thể đọc thuộc lòng. Tôi còn nhớ, ông ấy hứa, lúc nào ra trại sẽ viết cho tôi một quyển sách về những tháng ngày chúng tôi ở cùng nhau. Ông ấy văn hay chữ tốt, tôi tin là ông ấy hoàn toàn có thể làm được việc đó. Tôi rất muốn trở lại Vĩnh Quang để thăm hỏi động viên ông ấy, cầu mong ông ấy khỏe mạnh để tiếp tục cải tạo, sớm về với gia đình”, ông Chấn tâm sự với chúng tôi ngày 9/9.

Theo Xuân Lực (Dân Việt)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot