Nhi sinh ra vốn đã bất hạnh khi không còn cha, người mẹ lại bị bệnh tật hành hạ. Thương mẹ, anh trai của Nhi dù mới ít tuổi nhưng vì miếng cơm manh áo phải lênh đênh trên biển bươn chải xứ người.
Số phận một lần nữa như trêu ngươi khi đã cướp đi người mẹ yêu quý để lại cô bé nhỏ mồ côi bơ vơ trong ngôi nhà lạnh lẽo không có ai nương tựa.
“... Từ khi mẹ rời con ra đi, đêm nào con cũng nhớ mẹ nhiều lắm mẹ à. Giá như con có một điều ước, con sẽ mong mẹ được trở về sinh sống cùng con thôi...”. Đó là những dòng thư “gửi mẹ” đã khuất đầy cảm động của cô bé 9 tuổi Vân Thị Hoài Nhi (SN 2005) trú tại xóm 5, xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc (Nghệ An).
Phận đời nghiệt ngã của người mẹ tàn tật
Căn nhà nhỏ vốn đã ít tiếng cười nói nay lại càng trở nên lạnh lẽo và u buồn hơn bởi chị Nguyễn Thị Xuân (52 tuổi), mẹ của bé Hoài Nhi vừa mới mất cách đây gần hai tháng. Thấy chúng tôi đến nhà, bà con lối xóm cũng sang nhà Nhi chia sẻ cùng cuộc đời lắm gian truân, cơ cực của mẹ con chị Xuân.
Chị Nguyễn Thị Xuân là con thứ 6 trong gia đình có 8 anh chị em. Nhà đông con, chồng lại mất sớm để lại gánh nặng mưu sinh trên vai mẹ chị Xuân. Vì cả gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào đất ngập mặn nên dù có làm quần quật quanh năm nhưng cái đói, cái nghèo cứ bám riết lấy gia đình này.
Như bao cô gái trẻ khác, khi tròn 18 tuổi, chị Xuân cũng mơ ước có một tình yêu và một gia đình hạnh phúc với tiếng cười trẻ thơ. Thế nhưng, hạnh phúc nhỏ nhoi đã không chịu mỉm cười với những mảnh đời bất hạnh như chị.
Dường như, mọi người đều xa lánh một người tàn tật như chị, không một ai chịu lắng nghe những nỗi niềm, suy nghĩ và mơ ước của chị.
“Nhiều người nhìn nó bằng con mắt miệt thị, nụ cười chế giễu vì ngoại hình xấu xí. Thương nó, nhưng tôi cũng chỉ biết động viên, an ủi những lúc nó buồn thôi”, bà Nguyễn Thị Tỏ (64 tuổi) chị gái người phụ nữ bất hạnh tâm sự.
Sống trong cảnh “chăn đơn, gối chiếc” thiếu thốn tình cảm, nhưng niềm khao khát làm mẹ vẫn nồng cháy trong người phụ nữ bất hạnh này. Vậy nên, vào năm 1994, chị đã làm một việc mà thời đó bị dư luận lên án mạnh mẽ là có thai với một người đàn ông trong làng.
Bỏ qua những lời đàm tiếu của người đời, chị vẫn lặng lẽ chịu mọi nỗi đau về thể xác và tinh thần để giữ cái thai. Rồi vào một ngày cuối năm, người phụ nữ ấy đã vượt cạn một mình trong đau đớn.
May thay, đứa trẻ đó rất khỏe mạnh, bụ bẫm và được đặt tên Nguyễn Văn Yên. Đến năm 2005, chị Xuân “xin” thêm bé Hoài Nhi để cho có anh, có em.
Cuộc sống vốn đã khó khăn, nay còn thêm miệng ăn khiến gia đình càng vất vả hơn. Đã thế những cơn đau khớp, đau thần kinh lại thường xuyên hành hạ chị. Thương đứa con gái bệnh tật, người mẹ già đã cất cho một mảnh đất nhỏ trong vườn, chị Xuân dựng chiếc lều tạm bợ cho ba mẹ con có chỗ chui ra chui vào tránh mưa nắng.
Cuộc sống ba mẹ con chị phụ thuộc vào hai sào ruộng khoán, mùa được mùa mất nên nghèo khó cứ bủa vây lấy gia đình chị. Nuôi con ăn học vất vả, căn bệnh cũ tái phát nặng hơn và thêm một số bệnh như viêm đa khớp, lao phổi nên sức khỏe của chị ngày một suy kiệt dần.
Những ngày đi viện của chị tính ra còn nhiều hơn những ngày ở nhà. Thương mẹ, cậu con trai đầu Nguyễn Văn Yên phải bỏ học giữa chừng từ năm lớp 9 theo đám trai tráng trong làng đi biển làm thuê cho người ta kiếm tiền lo thuốc men cho mẹ và em gái còn thơ dại.
Chứng kiến đứa con nhỏ quần quật làm việc mà thu nhập chẳng bao nhiêu khi bệnh tình của mình ngày càng nặng dần, gần Tết Giáp Ngọ vừa rồi chị Xuân làm liều cầm cố sổ đỏ, vay mượn 20 triệu đồng cho con trai đi xuất khẩu lao động đánh bắt cá ở Đài Loan với hy vọng cuộc đời đỡ vất vả hơn.
Công việc đánh cá lênh đênh trên biển, hiếm khi được vào đất liền nên từ lúc ra đi, Yên hầu như không liên lạc về với gia đình. Đau buồn vì nhớ con, cộng với bệnh tật giày vò càng khiến sức khỏe chị Xuân thêm suy kiệt.
Một mình chăm mẹ bệnh tật nên việc học của Nhi nhiều lúc cũng bị gián đoạn. ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” nhưng sau mỗi giờ lên lớp, em lại đạp xe hơn 4 cây số về nhà nấu cơm, giặt giũ giúp mẹ. Đối với cô bé 9 tuổi, những ngổn ngang công việc đó là quá sức đối với em.
Cách đây gần hai tháng, trong một đêm trời trở rét, sau những cơn ho ra máu dữ dội, chị Xuân ngã vật từ giường xuống nền nhà. Nghe tiếng kêu khóc thảm thiết của bé Nhi, hàng xóm chạy sang vội vàng đưa chị đi cấp cứu nhưng đã quá muộn.
Chị ra đi đột ngột không kịp để lại một lời trăng trối cho đứa con thơ dại. “Nghe người ta báo tin, chúng tôi vội chạy đến nhưng dì ấy đã ra đi. Nhìn con Nhi ôm mẹ mà khóc thét, mọi người cũng òa khóc theo. Đau thương quá cháu à...”, bà Tỏ cho biết.
Theo lời kể của người nhà, cho đến lúc chết chị cũng không có nổi chiếc quan tài vì quá nghèo. Không còn sự lựa chọn nào khác, họ đành “mượn” chiếc quan tài của mẹ chị năm nay đã gần 90 tuổi. Không những vậy, người phụ nữ quá cố này cũng không được khoác trên mình bộ quần áo mới vì quần áo đều đã cũ nát...
Người dì Nguyễn Thị Tỏ lo lắng cho tương lai của đứa cháu tội nghiệp.
Bức thư đẫm nước mắt gửi người mẹ đã khuất của đứa bé 9 tuổi
Từ ngày chị mất, thương bé Nhi sớm phải chịu cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ, bà con, xóm giềng thay phiên nhau cưu mang em qua bữa.
“Gần một tháng rồi mà nó cứ khóc suốt. Nhiều hôm nó chỉ ngồi lỳ trong nhà nhìn lên bàn thờ của mẹ. Khổ thân nó quá, từ nhỏ sống thiếu vắng bóng cha, mẹ thì bệnh tật. Giờ đây, mẹ cũng ra đi rồi, không biết cháu sẽ sống thế nào”, người hàng xóm Phan Thị Hương rớt nước mắt khi nói đến cô bé mồ côi.
Cùng chung tâm trạng đó, người dì ruột Nguyễn Thị Tỏ cũng đau lòng không kém. Thương đứa cháu nhỏ sớm chịu cảnh mồ côi, người dì này đã dang tay đón Nhi về cưu mang như một sự bù đắp với người em bất hạnh nơi chín suối.
“Em gái tôi sống cuộc đời bất hạnh, rồi ra đi trong đau đớn để lại hai đứa nhỏ. Tôi cũng chỉ biết đưa cháu về cưu mang, nuôi nấng thành người”, nói rồi bà lặng đi vì những tiếng nấc. Người dì này cũng cho biết thêm, cách đây khoảng một tuần, Yên đột nhiên liên lạc về với gia đình.
Không muốn em phải chịu cú sốc quá lớn khi mất đi người thân, nên khi Yên đòi gặp mẹ, bà đã dùng tay bịt mũi để nói chuyện giả vờ như giọng người mẹ. Bởi bà không muốn đứa cháu tội nghiệp suy sụp khi biết sự thật, nên cứ giấu được ngày nào hay ngày ấy.
Hoài Nhi bên bức thư “gửi mẹ”.
Hỏi chuyện cô bé Nhi, đôi mắt em đỏ hoe và chực trào nước mắt khi chúng tôi nhắc đến người mẹ. Trên bàn thờ chị Xuân ngoài mấy quả chuối, cánh hoa tươi là một bức thư mà bé Nhi viết gửi cho mẹ kể từ ngày mẹ mất.
Hoài Nhi bảo, bức thư này con viết để lên bàn thờ mẹ những mong một ngày nào đó, những lời con nói từ trong bức thư sẽ trở thành hiện thực, chỉ mong mẹ trở về với con thôi. Bức thư của cô bé 9 tuổi viết có đoạn: “... Mẹ ơi, từ lúc con lọt lòng, con đã không biết mặt cha, một mình mẹ khổ cực nuôi hai anh em con. Bây giờ mẹ đi rồi, con biết sống với ai hả mẹ. Đêm nào nằm ngủ con cũng nhớ mẹ nhiều lắm. Tuy mẹ không đẹp nhưng mẹ thật hiền hậu. Giá như cô tiên cho con một điều ước, con chỉ mong sao mẹ trở về với con thôi. Giờ mẹ đi rồi, anh Yên cũng ít liên lạc về. Con bơ vơ lắm mẹ ơi...”.
Những dòng chữ nắn nót, xúc động được viết cẩn thận trong bức thư “gửi mẹ” đẫm nước mắt đặt trên bàn thờ của cô bé học sinh lớp 3 khiến chúng tôi không thể cầm lòng.