Ca ghép thận đầu tiên ở Bệnh viện Trung ương Huế năm 2001, các bác sĩ đã phải thức trắng đêm ngồi đếm từng giọt nước tiểu của bệnh nhân.
Trong những năm qua, ngành ghép tạng Việt Nam đã có nhiều tiến bộ vượt bậc ngang tầm khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn vô vàn những khó khăn thách thức, trong đó nguồn tạng là vấn đề nan giải nhất.
Hãy biến khó khăn thành cơ hội
Đó là chia sẻ của GS.TS Bùi Hữu Phú – GĐ Bệnh viện Trung ương Huế, khi trao đổi về vấn đề ghép tạng tại bệnh viện này. GS Phú cho biết, Bệnh viện đã thực hiện ghép tạng trong nhiều năm qua.
“Trong quá trình thực hiện, có rất nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen lẫn nhau. Bởi vậy nếu cơ hội đến thì cần phải nhanh chóng nắm bắt lấy, còn khi gặp những khó khăn, thách thức thì cần kiên trì, nỗ lực để biến nó thành cơ hội”, GS Phú chia sẻ.
Theo GS Phú, từ khi Bộ Y tế lựa chọn BV Trung ương Huế là nơi thí điểm để ghép thận ở Việt Nam, bệnh viện đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng. “Tôi nhớ ngày 21/7/2001, ca ghép thận đầu tiên triển khai thành công tại bệnh viện. Ấn tượng tôi còn nhớ mãi, đó là trong một đêm tối, các mái đầu bạc của các thầy ngồi đếm từng giọt nước tiểu của bệnh nhân và người hiến.
Khó khăn lớn nhất hiện nay là khan hiếm nguồn tạng.
Chúng tôi nghĩ đó là y đức, đó là y học nằm ngay dưới chân giường của bệnh nhân. Điều này đã gây ấn tượng đối với chúng ta để tiếp tục sự nghiệp ghép tạng”, GS Phú nhớ lại.
GS Phú thông tin thêm, kể từ thời điểm năm 2001 đến nay, BV Trung ương Huế đã tiến hành ghép thận cho 250 ca với tỷ lệ thành công 99,6 %. “Đó là minh chứng, chứng tỏ chúng ta đang rút ngắn khoảng cách với thế giới và khu vực trong lĩnh vực ghép tạng”.
Khi chia sẻ những khó khăn khi hiến và ghép tạng, GS Phú cho biết, khó khắn lớn nhất đó chính là tâm lý của người dân dẫn đến tỉ lệ người hiện tạng ở Việt Nam còn thấp. Ở châu Âu và Bắc Mỹ tỷ lệ người chết não cho tạng chiếm phần rất lớn, nhưng ở Việt Nam tỷ lệ người cho tạng chủ yếu là người còn sống.
Hướng đi nào cho ghép tạng Việt Nam?
Chia sẻ về như cầu hiến ghép mô, tạng ở Việt Nam hiện nay GS.TS Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện nay nhu cầu ghép mô, tạng ở Việt Nam rất nhiều, tuy nhiên nguồn cung và cầu đang còn chênh lệch nhau rất xa. Đối với những người cần ghép các bộ phận như gan, thận, giác mạc, tim…thì rất là nhiều. Tuy nhiên, nguồn hiến từ người sống và người chết não thì chưa thể đáp ứng được.
“Trước những thách thức lớn như vậy, Bộ Y tế đã có những chủ trương, chính sách sao cho phù hợp với tình hình ở Việt Nam. Trước hết phải xây dựng hoàn chỉnh hệ thống pháp luật cũng như là chuyên môn, để làm sao chúng ta triển khai thật tốt, cũng như đảm bảo quyền lợi của những Trung tâm thực hiện ghép tạng, cũng như người hiến và người nhận”, Thứ trưởng tiến cho hay.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, tới đây sẽ thành lập Trung tâm điều phối ở khu vực miền Trung và miền Nam.
Theo GS Tiến, ở nước ta hiện nay đã có Trung tâm Điều phối Quốc gia về hiến, ghép bộ phận cơ thể người, Trung tâm này điều phối trên toàn quốc. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chúng ta cần phải xây dựng mạng lưới nhằm thu nhận tạng một các khoa học, bài bản. Bởi các tạng này rất là hiếm, nên nếu không có các trung tâm điều phối thì việc thu nhận sẽ rất khó khăn.
“Trong thời gian tới, có thể 1 năm, 2 năm, 3 năm để thu nhận tạng được tốt thì ngoài Trung tâm Quốc gia, chúng ta cần xây dựng một Trung tâm điều phối ở miền Trung và miền Nam. Để thực hiện được điều đó thì chúng ta cần phải có nguồn lực cả về con người và vật chất”, GS Tiến thông tin.
Ngoài ra, vấn đề thường xuyên tổ chức tuyên truyền vận động sâu rộng cũng vô cùng quan trọng, muốn làm được điều đó thì phải có sự vào cuộc của chính quyền, cấp ủy đảng và tôn giáo... để nhân dân hiểu về những lợi ích cũng như quyền lợi khi hiến và ghép tạng.
Cuối cùng, GS Tiến cho biết, ghép tạng là một lĩnh vực chuyên sâu nên cần phải có chiến lược dài hơi, hơn nữa cần phải có sự giao lưu với các nhà khoa học trên thế giới để đẩy ngành ghép tạng đi lên.