Thời gian qua, tại TP. HCM và các tỉnh phía Nam nắng gay gắt khiến số lượng trẻ bị bệnh nhập viện điều trị tăng cao. Làm sao để phòng bệnh cho trẻ là câu hỏi đặt ra khiến các bậc phụ huynh lo lắng.
Để giúp phụ huynh yên tâm chăm sóc, phòng bệnh cho con trong mùa nắng nóng, PV đã phỏng vấn bác sĩ Phạm Văn Hoàng – Trưởng khoa Khám bệnh, bệnh viện Nhi đồng 1, TP. HCM để có lời khuyên đúng đắn.
Theo bác sĩ Hoàng, do thời tiết nắng nóng nhiều qua tại TP. HCM và các tỉnh phía Nam nên lượng bệnh nhi đến khám và điều trị tăng rất cao. Cụ thể, mỗi ngày khoa Khám bệnh tiếp nhận từ 5.000 đến 6.000 trẻ, đỉnh điểm cao nhất đến 7.000 trẻ khám bệnh.
So với tuần trước (từ ngày 18 đến ngày 24/4) thì những ngày đầu tuần này lượng bệnh nhi đến khám giảm hơn, tuy nhiên dự đoán những ngày tới, trúng dịp lễ sẽ tăng cao hơn nữa nên phụ huynh cần quan tâm chăm sóc trẻ nhiều hơn.
Bác sĩ bệnh viện Nhi đồng 1, TP. HCM khám bệnh cho trẻ - Ảnh. Văn Luận
Hiện tại, trẻ được khoa Khám bệnh tiếp nhận điều trị chủ yếu bị bệnh về hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản; bệnh tiêu hóa như tiêu chảy cấp, rối loạn tiêu hóa và bệnh tay chân miệng.
Nguyên nhân bị bệnh là do thời tiết thay đổi đột ngột, nắng nóng gay gắt những ngày qua khiến sức đề kháng của trẻ yếu đi, dễ bị bệnh. Ăn uống thực phẩm bẩn, hay trời nóng làm thức ăn mau hư, dễ bị ôi thiu nên ăn vào bị bệnh tiêu hóa. Đi ra ngoài nắng trẻ không được đeo kính râm, mũ rộng vành, mặc áo dài tay nên nắng chiếu vào người làm mất nước, khô da, rôm sảy, bỏng da…
Triệu chứng khi cơ thể trẻ bị thiếu nước do thời tiết nắng nóng là trẻ tỏ ra mệt mỏi, khó chịu, quấy khóc nhiều, môi khô, sờ vào da thấy khô ráp, tiểu ít và sậm màu. Nếu tiếp xúc với nắng nóng lâu, trẻ có thể bị sảng nhiệt với các biểu hiện nhức đầu, chóng mặt, đau cơ, tụt huyết áp, ngất xỉu ... Nặng nhất là sốc nhiệt: sốt cao, co giật, lơ mơ ..
Cho trẻ ăn nhiều trái cây để bổ sung chất dinh dưỡng mùa nắng nóng - Ảnh: Văn Luận
Để phòng chống cho trẻ không bị bệnh thì giữ trẻ ăn chơi, học tập ở nơi có bóng mát trong nhà hoặc cây xanh, tránh ánh nắng chiếu vào. Cho trẻ uống nhiều nước để bù vào lượng nước mất đi khi vui chơi trong thời tiết nóng. Hãy cho trẻ ăn trái cây như dưa hấu, thơm, cà chua, chuối…tươi ngon để bổ sung chất dinh dưỡng mùa nắng.
Tập cho trẻ rửa tay, chân với xà phòng trước và sau khi ăn cơm để tránh bị bệnh tay, chân, miệng. Đồ ăn để lâu trong thời tiết nắng nóng dễ bị hư, ôi thiu tuyệt đối không cho trẻ ăn bởi dễ bị bệnh về đường tiêu hóa.
Thời tiết nắng nóng, nếu đưa trẻ ra ngoài thì tránh đi vào khung giờ từ 10 giờ trưa đến 2 giờ chiều bởi nắng rất mạnh dễ bị bệnh. Nếu đi thì mặc áo dài tay, đeo mũ rộng vành, đeo kính râm cho trẻ để chống nắng. Đặc biệt, sau khi cho trẻ ra nắng về nhà thì đừng vội cho vào ngồi máy lạnh ngay, bởi do thay đổi đột ngột về nhiệt độ dễ khiến trẻ bị bệnh cảm cúm. Máy lạnh cũng nên mở từ 28 đến 30 độ C.