Ở các trường mầm non, những đứa trẻ sau khi học tiếng Anh, có thể nói chuyện được bằng tiếng Anh, rất thuận lợi khi lên tiểu học, phụ huynh rất ủng hộ. Bộ ra quy định cấm dạy tiếng Anh như vậy sẽ kéo lùi sự phát triển...
Theo quy định mới của Bộ GD&ĐT, các cơ sở giáo dục mầm non trên cả nước không được tổ chức dạy thêm ngoại ngữ cho trẻ mầm non. Không quảng bá, tiếp thị các chương trình, phần mềm làm quen với ngoại ngữ chưa được Bộ GD&ĐT cho phép áp dụng. Quy định vấp phải sự không đồng tình không chỉ của phụ huynh mà chuyên gia giáo dục cũng lên tiếng.
Trao đổi với PV, PGS. TS Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT (PCT Hiệp hội các trường ĐH-CĐ NCL Việt Nam) cho biết:
“Chủ trương phổ cập tiếng Anh theo tôi phải dạy từ mầm non, chứ không thể dạy từ lớp 3. Lý do Bộ GD &ĐT đưa ra là rất chung chung là chưa có đủ điều kiện, tôi thấy không hợp lý… Theo tôi, Bộ GD&ĐT cấm liên kết chỉ những cơ sở, trung tâm tiếng Anh không đủ chất lượng, không đảm bảo các quy định.”
“Còn những cơ sở, trung tâm đảm bảo chất lượng, có đội ngũ dạy tiếng Anh tốt nên cho họ liên kết với các trường mầm non để dạy tiếng Anh cho trẻ. Vì đứa trẻ học hết mầm non là có thể nhớ được vài ngàn từ, có thể nói chuyện với nhau. Như vậy, đứa trẻ đó đã “ xóa mù” được tiếng Anh rồi, mà sao chúng ta cấm?
Ai cũng thừa nhận rằng, gia đoạn của trẻ từ 3 – 7 tuổi, học ngoại ngữ nhanh nhất. Chẳng hạn trẻ chỉ chơi một cái tranh với 30 -40 từ bằng tiếng Anh, trẻ chỉ tiếp xúc một hai lần là có thể nhớ hết và nhớ lâu. Còn khi càng lớn tuổi trí nhớ của trẻ sẽ càng chậm đi… việc học ngoại ngữ sẽ gặp khó khăn.
Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Bộ chỉ nên cấm các cơ sở dạy tiếng Anh kém chất lượng
Bên cạnh đó, khi ở mầm non đứa trẻ bập bẹ nói, không chỉ tiếng Anh mà tiếng Việt cũng là ngoại ngữ. Thậm chí có trẻ, gia đình có điều kiện có thể cho học tới 3 ngoại ngữ cùng một lúc. Cô giáo chỉ cho trẻ cái cốc thì là cái cốc, khi nó đọc tiếng Anh là cái cốc… và trẻ ghi nhớ trong đầu bằng hình ảnh. Khi vào tiểu học, viết chữ thì nhờ hình ảnh đó, trẻ sẽ viết ra rất dễ dàng.
Và việc cấm như vậy thì cả cơ sở dạy tiếng Anh tốt, xấu đều bị cấm hết, không biết đến bao giờ thì hết cấm. Nếu Bộ đưa ra chủ trương chỉ nên cấm những cơ sở xấu, đương nhiên những cơ sở này sẽ phấn đấu tốt hơn để đạt được tiêu chí của Bộ.
Tôi cũng được biết rằng, trên thực tế ở các trường mầm non những đứa trẻ sau khi học hết khóa, có thể nói chuyện được bằng tiếng Anh, như vậy sẽ rất thuận lợi khi lên tiểu học và phụ huynh rất ủng hộ. Nói hơi nặng lời một chút rằng: Bộ ra quy định như vậy sẽ kéo lùi sự phát triển của xã hội…
Theo chủ trương đường lối của Đảng là chúng ta phải hội nhập, nhưng hội nhập mà không biết ngoại ngữ thì làm sao hội nhập được. Trẻ đang ở độ tuổi hấp thụ ngoại ngữ tốt, mà lại đi cấm nó học thì đi ngược lại chủ trương đường lối hội nhập, nếu không hội nhập thì VN đi rất chậm chạp về mọi mặt… Trong vấn đề hội nhập có nhiều mặt, nhưng ngoại ngữ là hàng đầu, vì muốn hội nhập con người ta phải giao tiếp với nhau.
Anh bắt tôi hội nhập mà anh lại bắt tôi không học ngoại ngữ, thế thì anh bảo tôi làm đằng rồi cấm tôi một nẻo. Như vậy có mâu thuẫn không? Như các nước lân cận Malaisya, Phillipin, Singgapore… tiếng Anh họ rất phát triển, họ còn đi dạy các nước khác. Vậy, vì sao chúng ta không tự phát triển, không mở ra các trường song ngữ để phổ cập tiếng Anh?
Có người hỏi ông Lý Quang Diệu, Thủ tướng Cộng hòa Singgapore rằng: “Vì sao đất nước ông giàu thế”, ông đáp rằng: “Tôi dạy ngoại ngữ cho toàn dân, cho nên toàn dân đi khắp thế giới làm ăn và lấy tiền về đem xây dựng đất nước tôi. Và đồng thời mọi người đến đất nước tôi làm việc, chúng tôi lấy tiền trong túi họ ra để xây dựng đất nước tôi…”. Câu nói của ông rất đơn giản, nhưng có triết lý lớn lao.
Vấn đề phổ cập tiếng Anh, quan trọng là đội ngũ thầy cô giáo, chúng ta phải đào tạo để đáp ứng được việc phổ cập dạy tiếng Anh cho học sinh. Ngoài ra, một số nước xung quanh chúng ta như Singapore, Philippines… họ có tiếng Anh tương đối chuẩn, chúng ta có thể mời những giáo viên ở nước này sang giảng dạy, hỗ trợ đào tạo trong các trường học".
Quý độc giả có thể tìm đọc toàn bộ loạt bài bàn về vấn đề dạy về việc Cấm dạy ngoại ngữ cho trẻ mầm non: Kỳ 1: Bé mầm non học ngoại ngữ có thật sự chất lượng? Kỳ 2: Liên kết dạy ngoại ngữ cho bé, chất lượng mặc bay? Kỳ 3: Ý kiến trái chiều quanh việc cấm trẻ mầm non học ngoại ngữ Kỳ 4: Cấm trẻ học ngoại ngữ: Chuyên gia giáo dục lên tiếng Để tham gia đóng góp ý kiến về vấn đề này, quý độc giả hãy gửi thông tin về email: tintuceva@24h.com.vn |