Ngay dưới chân cầu Long Biên (Hà Nội) tồn tại hai khu dân cư, một trên bờ, một dưới nước ven bờ sông Hồng được mệnh danh là khu ổ chuột, xóm liều giữa lòng Hà Nội.
Những căn nhà xiêu vẹo, nhỏ thó, thiếu ánh sáng mặt trời nằm ngay sát chân cầu Long Biên (phường Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội) là nơi sinh sống của những người lao động nghèo ngoại tỉnh. Nhiều người gọi đó là khu ổ chuột, xóm liều giữa Thủ đô.
Cách đó không xa, ở bãi giữa sông Hồng là những lán trại, nhà phao của gần 30 hộ dân. Các hộ dân sinh sống ở đây đều đến từ các địa phương khác. Nhiều gia đình đã sống ở đây được 3 thế hệ. Trai tráng xóm ngụ cư này thường ngồi ở chợ đêm Long Biên, ai thuê việc gì làm việc ấy. Phụ nữ bán hàng nước, gánh hàng thuê. Nhiều cụ già sống bằng nghề nhặt rác. Đêm đêm họ lang thang khắp thành phố Hà Nội nhặt giấy vụn, chai lọ... đến khi chân mỏi mới trở về lều bên sông nghỉ ngơi.
hìn từ cầu Long Biên, trên nóc những ngôi nhà chỉ cao quá đầu người này là những thùng xốp, chăn chiếu cũ để chống nóng vào mùa hè. Đây là nơi sinh sống của hàng trăm lao động ngoại tỉnh.
Lối vào các dãy phòng trọ chỉ rộng khoảng một mét và treo lủng lẳng quần áo, chất đầy đồ đạc…
Căn phòng tuềnh toàng này là nơi ở trụ của người phụ nữ làm nghề gánh hoa quả thuê ở chợ đầu mối Long Biên
Căn phòng chưa đến 6m2 nhưng có giá 1,2 triệu đồng/tháng. Hầu hết khu ổ chuột thuê ở đa số là phụ nữ, ngày ngủ đêm đi trở hàng thuê
Khu “ổ chuột” nằm sát mương nước thải. Những chiếc xe kéo này, ban ngày để phơi quần áo, ban đêm là phương tiện mưu sinh
Cách đó không xa là bãi giữa sông Hồng, nơi sinh sống của nhiều lao động nghèo.
Bãi giữa sông Hồng trước đây là làng Trung Hà nhưng do một trận lũ lớn năm 1971, người dân làng này chuyển vào bờ sinh sống. Vùng đất này nay thuộc phường Ngọc Thuỵ, quận Long Biên, thành phố Hà Nội.
Hiện nay tại bãi giữa sông Hồng có gần 30 hộ dân sinh sống đến từ nhiều vùng khác nhau và không ai có hộ khẩu
Ông Nguyễn Đăng Được (trưởng xóm) cho biết: "Hầu hết người lớn trong xóm đều không có giấy tờ tuỳ thân".
Hầu hết người dân trong xóm đều sống trên các “ngôi nhà phao" dập dềnh theo con nước.
Trước đây, người dân trong xóm không có điện và nước sạch để sử dụng. Khoảng 2 năm nay, các tổ chức, cá nhân thiện nguyện tặng những tấm pin năng lượng mặt trời đặt trên mái nhà nên họ có điện sử dụng, còn nước sinh hoạt được bơm từ các giếng khoan lên, đổ vào các thùng lọc nước do sinh viên trường y giúp đỡ kinh phí và công sức
Vì không có giấy tờ tùy thân, người dân bãi giữa hoàn toàn không được hưởng các dịch vụ y tế cũng như không có bảo hiểm y tế. Khi có bệnh thì phải bỏ tiền túi ra chữa bệnh.
Ông Được cũng cho biết, dù là xóm ngụ cư nhưng người dân sống chấp hành tốt theo pháp luật, không phạm pháp.
Lãnh đạo phường Phúc Xá cho biết: "Trên địa bàn phường thường xuyên có 2.000 - 3.000 người dân ngoại tỉnh tá túc, mưu sinh ở chợ Long Biên và các địa bàn lân cận. Nếu không quản lý chặt chẽ sẽ có nhiều tệ nạn chính vì vậy chúng tôi quyết liệt chỉ đạo cùng với công an phường, cảnh sát khu vực giám sát chặt chẽ không để bùng phát tệ nạn xã hội". |