“Đứng trên lợi ích của trẻ và lợi ích của việc được tiếp xúc, học ngoại ngữ sớm, theo tôi, việc cấm dạy ngoại ngữ cho trẻ trong các trường mầm non rất cần được xem xét lại”, ThS. Lê Thị Lan Anh – Phó Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt chia sẻ.
Bộ GD-ĐT vừa có công văn yêu cầu tuyệt đối không tổ chức dạy thêm ngoại ngữ cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non để tránh ảnh hưởng tới việc học tập sau này của trẻ. Thông tin này được ban hành đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ phía dư luận.Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ThS. Lê Thị Lan Anh – Phó Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt để nhìn nhận rõ hơn về việc dạy ngoại ngữ ở độ tuổi mầm non.
- Là một nhà nghiên cứu giáo dục và phát triển trí tuệ trẻ em, bà đánh giá thế nào về lợi ích của việc cho trẻ mầm non học ngoại ngữ, cụ thể hiện nay là môn tiếng Anh?
Tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế, là ngôn ngữ giúp cho chúng ta tiếp cận với tri thức nhân loại, mở ra các cơ hội lớn hơn trong cuộc sống. Biết thêm một ngôn ngữ, trẻ sẽ tự tin hơn khi bước vào guồng quay hội nhập trong thế giới phẳng này. Xét về bản chất, học Tiếng Anh chính là học ngôn ngữ thứ 2 ngoài ngôn ngữ mẹ đẻ.
Cần đứng trên lợi ích của trẻ khi cấm dạy ngoại ngữ (Ảnh minh họa)
Với ngôn ngữ, trẻ được tiếp cận càng sớm, học càng sớm càng tốt. Ngày nay, các phương pháp giáo dục sớm đang rất được coi trọng trên thế giới, các nhà khoa học khuyến khích dạy trẻ học đọc, nhận biết mặt chữ, nhận biết về thế giới xung quanh, học số…từ khi trẻ còn trong bụng mẹ. Ngôn ngữ là một vùng quan trọng trọng não bộ của trẻ, vùng não bộ đó càng được kích thích trẻ càng có cơ hội khai mở và kích hoạt nó phát triển tốt hơn. Mầm non là độ tuổi vàng để kích hoạt các vũng tư duy ngôn ngữ nói riêng và các vùng tư duy khác như âm nhạc, hình khối, màu sắc, trí tưởng trượng…phát triển.
- Bộ GD-ĐT vừa có công có công văn yêu cầu tuyệt đối không tổ chức dạy thêm ngoại ngữ cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non để tránh ảnh hưởng tới việc học tập sau này của trẻ. Ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?
Đứng trên lợi ích của trẻ và lợi ích của việc được tiếp xúc, học ngoại ngữ sớm, theo tôi, việc cấm dạy ngoại ngữ cho trẻ trong các trường mầm non rất cần xem xét lại ở nhiều khía cạnh.Trước mắt, Bộ nên đưa ra quy chuẩn và yêu cầu bắt buộc khi các trường muốn dạy ngoại ngữ trong giờ học cho trẻ.
Đối chiếu vào quy chuẩn đó, những trường nào không đáp ứng được sẽ không được phép giảng dạy và ngược lại, những trường hội đủ quy chuẩn nên được khuyến khích phát triển. Về lâu dài, cần có chiến lược bài bản, khoa học để Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 ở Việt Nam.
Điều này, ở Hồng Kông, Singapore đã làm rất thành công. Tiếng mẹ đẻ để giao tiếp trong nội bộ gia đình, hàng xóm, bạn hữu; tiếng Anh để giao thương, kinh doanh, buôn bán với thế giới. Và để sử dụng song song 2 ngôn ngữ, trẻ cần có môi trường học, môi trường nói, môi trường phát huy từ nhỏ.
- Theo bà, cần hội đủ những yếu tố nào để trường mầm non dạy Tiếng Anh cho trẻ tốt nhất?
Có nhiều yếu tố giúp trẻ học Tiếng Anh tốt, tôi chỉ đề cập đến 4 khía cạnh chính là giáo trình, chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất và phương pháp giảng dạy. Về giáo trình: cần phù hợp với trẻ mầm non, có tính hệ thống, xuyên suốt và đặc biệt phải đặc biệt hấp dẫn về màu sắc, hình ảnh, âm thanh.
ThS. Lê Thị Lan Anh – Phó Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt.
Chất lượng giáo viên mang tính quyết định đến sự thành bại trong mọi loại hình giáo dục, trong mọi môn học. Với giáo viên Tiếng Anh, yêu cầu này lại càng khắt khe. Giáo viên bên cạnh kiến thức nền tảng vững chắc thì cần phát âm chuẩn Anh – Anh hoặc chuẩn Anh – Mỹ.
Nếu giáo viên phát âm sai, trẻ tiếp nhận sai thì nguy cơ “lỗi hệ thống” là rất lớn, sai một li đi vạn dặm. Lỗi phát âm sai về sau rất khó sửa. Cơ sở vật chất để trẻ học Tiếng Anh cần phòng học riêng biệt, có hệ thống âm thanh để trẻ nghe và nói theo, có giáo cụ trực quan, sinh động...
Trong thực tế, nhiều trường mầm non, nhóm lớp cho trẻ học Tiếng Anh trong chính lớp học của trẻ, trang thiết bị sơ sài, cơ sở vật chất thiếu thốn không đảm bảo yêu cầu tối thiểu cho một lớp dạy ngoại ngữ.
Thực trạng này cũng ảnh hưởng khá lớn đến chất lượng dạy của cô, chất lượng học của trò. Về phương pháp giảng dạy, ở góc độ chuyên môn, tôi đánh giá rất cao phương pháp, cách thức truyền đạt kiến thức đến học trò. Giáo trình cho dù rất hay, rất khoa học; giáo viên giỏi Tiếng Anh; phòng học đẹp nhưng phương pháp truyền đạt không hấp dẫn, không sinh động, không tạo ra hứng thú cho học trò thì cũng phản tác dụng.
- Xin trân trọng cảm ơn bà!
Quý độc giả có thể tìm đọc toàn bộ loạt bài bàn về vấn đề dạy về việc Cấm dạy ngoại ngữ cho trẻ mầm non: Kỳ 1: Bé mầm non học ngoại ngữ có thật sự chất lượng? Kỳ 2: Liên kết dạy ngoại ngữ cho bé, chất lượng mặc bay? Kỳ 3: Ý kiến trái chiều quanh việc cấm trẻ mầm non học ngoại ngữ Kỳ 4: Cấm trẻ học ngoại ngữ: Chuyên gia giáo dục lên tiếng Để tham gia đóng góp ý kiến về vấn đề này, quý độc giả hãy gửi thông tin về email: tintuceva@24h.com.vn |