Có những phụ nữ chân yếu tay mềm lại không sợ chết, thậm chí còn dám bắt chết cả con mình đẻ ra. Như thế là dũng cảm hay yếu đuối, là đáng thương hay dã man?
Tại sao có chị em chỉ vì giận chồng, mâu thuẫn gia đình mà muốn chết được nhỉ, có ai giải thích giúp đi.
Trên đời này, sống là quý nhất, chết là sợ nhất rồi, thế mà có những phụ nữ chân yếu tay mềm lại muốn chết, không sợ chết, thậm chí còn dám bắt chết cả con mình đẻ ra. Như thế là dũng cảm hay yếu đuối, là đáng thương hay dã man?
Xin hãy đừng vội đánh giá đạo đức hay phân tích về bệnh lý trầm cảm sau sinh, tôi chỉ muốn hiểu vì sao, cùng là phụ nữ nhưng ở phương Tây ít nghe thấy chuyện những người vợ, người mẹ đã liều mạng quyên sinh chỉ vì mâu thuẫn với chồng hay gia đình.
Ở nước ngoài, tôi cũng ít thấy mô típ những người vợ người mẹ "hy sinh cả đời mình" để nhường nhịn chăm sóc chồng con được ca ngợi như là tấm gương để noi theo, một kiểu "đóng đinh" người phụ nữ trên thập giá danh dự.
Một vườn cao su tại Đồng Nai, nơi người mẹ nhẫn tâm tưới xăng tự tử, giết chết cả con gái 2 tuổi nhưng bản thân lại được cứu sống
Nếu có ai làm như thế chăng nữa, thì đấy cũng là sự lựa chọn cá nhân, không ai khen ngợi hoặc đánh giá nếu người khác lại chọn con đường khác. Mỗi người chỉ có một lần sống, sống sao cho hạnh phúc cũng là có trách nhiệm với bản thân.
Người phương Tây được giáo dục trân trọng cuộc sống, yêu bản thân, sống tự chủ nên nếu chẳng may người bạn đời có phản bội, gia đình bất hoà hay ly dị thì dù đau khổ nhưng phương án giải quyết sẽ nhẹ nhàng và bớt tiêu cực hơn rất nhiều, ít nhất về mặt tinh thần.
Ngược lại, do "đức hy sinh", sự toàn tâm toàn ý của người phụ nữ Việt Nam cho chồng con, gia đình đến mức quên cả bản thân, khi xảy ra điều không như ý dễ dẫn đến mất thăng bằng tâm lý, kiệt quệ cả về thể xác lẫn tâm hồn, đánh mất cả lý trí.
Sống phụ thuộc về tinh thần đôi khi còn nguy hiểm hơn cả phụ thuộc về kinh tế, khi xảy ra những sự cố lớn trong đời, nhiều chị em mất luôn cả sinh lực và niềm vui sống. Một số ít rối loạn tâm lý vượt ngưỡng họ có thể chịu đựng, tâm trí chỉ toàn tư tưởng tiêu cực, muốn dùng cái chết để quên, để dằn vặt, để trả thù người sống.
Tại phiên tòa, người mẹ giết con kể đã tâm sự với con trai trước lúc ra tay do nhà nợ nần nhiều, muốn ba mẹ con sẽ cùng chết.
Người phụ nữ, bên cạnh thiên chức chăm sóc gia đình vẫn không quên chăm chút cho mình được xinh đẹp, vui vẻ, khỏe mạnh thì cũng sẽ làm chồng con được hưởng năng lượng sống tích cực từ người mẹ, người vợ. Một người hạnh phúc sẽ làm cho mọi người xung quanh hạnh phúc.
Ngược lại người phụ nữ chịu cực một mình, không biết giải tỏa bằng các hoạt động xã hội, các mối quan hệ bạn bè, bằng công việc hay sở thích cá nhân lành mạnh, lâu ngày sẽ dẫn đến kiệt quệ, quá sức chịu đựng. Đến lúc đó sẽ nảy sinh các hệ lụy cả về tinh thần lẫn sức khỏe.
Xã hội dù chưa bớt định kiến nhưng người phụ nữ vẫn có thể tự giải thoát cho mình, điều tiết năng lượng các mối quan hệ trong gia đình, họ hàng, công việc.
Nếu không thể vừa lòng tất cả mọi người thì nên biết ngưỡng chịu đựng, để nếu cần vứt bỏ những rào cản vô hình, những thị phi đàm tiếu, vì chẳng ai có thể sống thay ai cả. Và hơn hết, cuộc sống đáng trân quý vô cùng.