Tại Trung Quốc, mỗi ngày đều có ca bệnh nhiễm H7N9 trên người phát sinh. Cứ 4 người nhiễm thì 1 người tử vong. Cúm gia cầm H5N1 cũng đã được phát hiện tại 6 tỉnh. Nguy cơ xâm nhập cúm H7N9 vào Việt Nam được cảnh báo ở mức độ cao.
Việt Nam nằm trong Top nguy cơ cao nhất
Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y thông báo, tính đến ngày 13-2, Trung Quốc đã có 337 ca nhiễm bệnh trên người, trong đó 66 người tử vong, bao gồm cả Hồng Kông, Đài Loan, đặc biệt, tỉnh Quảng Tây, tiếp giáp đường biên với 4 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam cũng đã có 3 ca nhiễm trên người.
Đáng lưu ý, tại Malaysia cũng vừa phát hiện trường hợp một bệnh nhân nhiễm cúm H7N9. Dịch cúm H7N9 tại Trung Quốc đến thời điểm này đã gây thiệt hại 26 tỷ USD.
“Tại các chợ gia cầm của Trung Quốc, tỷ lệ mẫu gà dương tính virus cúm A/H7N9 nhiều hơn các chủng virus cúm khác. Đồng thời, nhiều mẫu môi trường như phân, chất thải, nước thải… cũng phát hiện virus này. Ngoài ra, có một lượng mẫu nhỏ ở vịt, chim bồ câu dương tính”, ông Phạm Văn Đông cho hay.
Để khoanh vùng, giảm bớt sự lây lan của đại dịch cúm H7N9, Trung Quốc đã phải triển khai một loạt các biện pháp như giám sát các chợ gia cầm sống có sự hiện diện của virus H7N9; đóng cửa tạm thời các chợ buôn bán gia cầm có phát hiện mẫu gà, vịt dương tính trong vòng 10 tuần.
Gia cầm lậu, không rõ nguồn gốc có nguy cơ lây nhiễm H7N9 rât cao
Theo đánh giá từ phía các cơ quan Y tế, thú y thế giới, ở những nơi có ca bệnh trên người, việc đóng cửa các chợ có hiệu quả ngay lập tức. Đồng thời áp dụng truy xuất nguồn gốc toàn bộ gia cầm bán tại chợ; thiết lập lưu trữ hồ sơ mua bán gia cầm;..
Cục trưởng Cục Thú y nhận định, nguy cơ virus này xâm nhập vào Việt Nam trong thời gian tới là rất cao, nhất là các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh có liên quan đến hoạt động buôn bán, tiêu thụ gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. FAO cảnh báo, Việt Nam, Lào và Myanmar là ba nước có nguy cơ cao nhất lây nhiễm với virus này.
Chưa có vaccine phòng chống H7N9
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho hay, tại Trung Quốc, số người nhiễm cúm gia cầm H7N9 tăng nhanh theo từng ngày, cứ 4 người mắc thì có 1 người tử vong. Điều này chứng tỏ virus H7N9 có độc lực cao. Hơn nữa, thế giới chưa có vaccine phòng chống.
Trong khi, muốn biết sự tồn tại của loại virus này trên gia cầm phải lấy mẫu xét nghiệm. “Nguy cơ xâm nhập vào nước ta đang hiện hữu hàng ngày, hàng giờ. Bản thân tôi đã rất sốt ruột. Chúng ta phải nỗ lực, cố gắng bằng mọi biện pháp cao nhất ngăn không cho virus này xâm nhập vào Việt Nam”.
Để làm được điều này, ông Phát đề nghị tất cả các địa phương tạm dừng nhập khẩu các loại gia cầm giống và sản phẩm gia cầm sống chưa qua xử ly nhiệt từ Trung Quốc vào Việt Nam.
“Phải ngăn chặn bằng được sự xâm nhập của virus cúm H7N9 thông qua buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới, cấm tuyệt đối việc vận chuyển các loại gia cầm dưới mọi hình thức qua biên giới”, ông Phát bày tỏ.
Bên cạnh đó, cần phải lưu ý, virus cúm này không chỉ lây lan qua gia cầm mà còn nhiều con đường khác như phương tiện giao thông, chim di trú, vì vậy phải làm tốt công tác giám sát, phát hiện ngay từ bước đầu nếu có sự xâm nhập.
Bộ NN&PTNT đã cử 9 đoàn công tác đến 9 tỉnh biên giới, “nằm vùng”, mỗi tuần 2 lần lấy mẫu tại 60 chợ trên địa bàn để kiểm tra sự xâm nhập của virus H7N9.
Đại diện tổ chức FAO cũng lưu ý, để nâng cao ý thức phòng, chống của người dân thì cần phải có những đợt diễn tập từ cấp Trung ương tới địa phương. Ngoài ra, công tác tiêu độc, khử trùng, vệ sinh tại các chợ cũng cần phải đặc biệt quan tâm.
Hành động khẩn ứng phó khẩn cấp
Hôm nay 14-2, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống cúm gia cầm ban hành Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với các chủng virus cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây lan sang người.
Kế hoạch đề ra mục tiêu chủ động phát hiện và ứng phó nhằm giảm thiệu sự xâm nhập của virus H7N9vào Việt Nam. Giảm thiểu nguy cơ virus cúm H7N9 xâm nhập Việt Nam thông qua hoạt động buôn bán, vận chuyển gia cầm bất hợp pháp; giảm thiểu nguy cơ virus lây nhiễm cho đàn gia cầm và người; giảm thiểu tác động tiêu cực cho nền kinh tế và xã hội, sức khỏe con người.
Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp nêu ra 4 tình huống về diễn biến cúm H7N9 tại Việt Nam. Cụ thể, tình huống 1: Chưa phát hiện virus cúm trên gia cầm và người; tình huống 2: chưa phát hiện virus trên gia cầm, môi trường nhưng có người mắc bệnh; tình huống 3: phát hiện virus trên gia cầm và môi trường nhưng chưa có người mắc bệnh và tình huống 4: phát hiện virus cúm trên gia cầm hoặc môi trường và người cũng mắc bệnh. Đây là tình huống xấu nhất.
Các biện pháp triển khai sẽ tùy theo từng tình huống. Trong đó, nếu phát hiện virus cúm gia cầm H7N9 trên gia cầm, sẽ phân công đội ứng phó nhanh trực tiếp xuống địa bàn để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch. Huy động tối đa nguồn lực từ các cơ quan thú y Trung ương giám sát dịch tễ…
Trường hợp phát hiện virus cúm trên các mẫu lấy tại chợ sẽ cấm tạm thời việc bán gia cầm sống đối với chợ đó trong khoảng thời gian tối thiểu 7 ngày để phục vụ công tác điều tra dịch tễ, xác minh nguồn gốc của virus lưu hành.
Nếu phát hiện virus từ các trại chăn nuôi sẽ truy xuất ngược và xuôi đối với trang trại như gia cầm đã mua hoặc bán đến đâu, ở đâu. Tiêu hủy gia cầm trong trang trại, đóng chửa trang trại trong 21 ngày, tiêu độc khử trùng…
Nếu virus phát hiện tại nông hộ sẽ tổ chức tiêu độc, tạm dừng vận chuyển gia cầm trong thôn bản…