Câu chuyện '10 giây cứu người chết đuối' khiến không ít người phải tự nhìn lại mình

Ngày 19/08/2016 17:27 PM (GMT+7)

Câu chuyện chỉ xảy ra vọn vẹn trong vòng 10 đến 13 giây, nhưng kết quả không chỉ cứu được một người chết đuối mà còn khiến cho nhiều người phải suy nghĩ.

Đó là câu chuyện được anh Lê Bình Nguyên chia sẻ trên trang cá nhân của mình, khi anh chính là “người hùng” cứu sống một người phụ nữ có ý định tự tử tại hồ Võ Thị Sáu, trên đường Võ Thị Sáu (Hà Nội). Theo chia sẻ của anh Bình Nguyên, câu chuyện xảy ra khoảng 9 giờ sáng, ngày 19/8 và kết quả là anh đã cứu được người phụ nữ kia, nếu không có hành động quyết đoán của anh thì chắc hẳn người phụ nữ sẽ bị đuối nước dẫn đến tử vong.

Khi đọc hết câu chuyện mà anh Bình Nguyên chia sẻ, rất nhiều người đã bình luận và cho rằng hành động này cần phải được nhân rộng, đồng thời nhiều người cũng tỏ lòng khâm phục trước sự dũng cảm của chàng thanh niên này.

Tuy nhiên, nếu ngẫm nghĩ kỹ những tình huống, chi tiết trong câu chuyện trên và nhìn lại những sự việc đã từng xảy ra, không ít người sẽ cảm thấy mình thật “xấu hổ”.

Bởi trước sự sống và cái chết của một người xa lạ, không phải ai cũng đủ can đảm để làm vậy, ngay trong trường hợp này cũng vậy, dù lúc đó trên bờ có khoảng 20-30 người nhìn thấy cô gái lội ra ngoài hồ nước, nhưng không một ai kéo cô ấy lại, khi cô ấy “giã gạo” sắp chết cũng không ai ra cứu cô gái ấy.

Phải chăng do hồ nước quá bẩn (có nhiều xác động vật chết) hay lòng can đảm của họ chưa đủ lớn để làm điều đó, cũng có thể những người đó không biết bơi...Tuy nhiên, nếu muốn cứu thì không thiếu cách. Vậy, phải chăng đó chính là sự vô cảm giữa con người với con người.

Câu chuyện #039;10 giây cứu người chết đuối#039; khiến không ít người phải tự nhìn lại mình - 1

Câu chuyện được anh Bình Nguyên chia sẻ trên trang facebook cá nhân.

Được sự đồng ý của anh Lê Bình Nguyên, chúng tôi đăng tải lại nguyên văn câu chuyện mà anh đã chia sẻ trên mạng xã hội:

Sáng nay có một chuyện bất ngờ xảy ra với tôi, vì nó liên quan đến sự sống, cái chết cũng như hành xử của con người với con người nên tôi kể lại trên này cho ai quan tâm thì quan tâm bởi những tình huống như tôi gặp phải giờ rất phổ biến.

- Hiểu một cách đơn giản: Đó là việc nhìn thấy người đang chết thì hãy cứu, đừng phân biệt họ là ai.

- Chi tiết thì như thế này:

Sáng nay do không biết cơ quan cho anh em làm online vì mưa bão lớn, sau 2 tiếng lóp ngóp đến nơi, lúc này khoảng 9 giờ, vừa dựng xe xong tôi nghe thấy nhiều tiếng hét thất thanh "Này...này, quay lại, đừng! quay lại, không việc gì phải chết"... ở phía góc hồ cách chỗ tôi đứng khoảng 100 mét.

Theo phản xạ nghề nghiệp, dù chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra nhưng chắc đang có biến rồi, tôi liền móc điện thoại ra ngay, không quay video thì ghi âm (trong đầu nghĩ thế).

Tuy nhiên, khi hướng mắt về phía âm thanh, tôi mới phát hiện có hai bóng người một hối hả chạy theo can ngăn, một cứ lừ lừ lao đầu xuống hồ rồi chìm nghỉm. Người lao xuống hồ là nữ, người can có lẽ là một anh xe ôm, họ cũng chả quen nhau.

Ngay lúc đó mọi người đã xúm đông bên một góc hồ, người thi hô hoán, người thì quay phim, người thì bảo "con này chán sống rồi", "tự tử đấy, nó tự tử đấy".

Ngay lập tức tôi phi ra, thực tình thì chỉ nghĩ là lao ra để chứng kiến một vụ việc từ xưa đến nay tôi mới gặp gần này là lần thứ hai, hơn nữa, việc này đang diễn ra ngay trước mắt, trong vài tích tắc tôi cho rằng chắc chắn những người đang đứng ngay gần bờ sẽ lao ra lôi cô gái vào.

Tuy nhiên, điều tôi nghĩ đã không xảy ra, không ai có ý định nhảy xuống cứu cô gái dù lúc đó đã có khoảng 25 - 30 đứng xung quanh.

Trong khoảng 2 tích tắc suy nghĩ, tôi quyết đoán phải hành động, ngay lập tức tụt balô, ném vào góc đường, trong bụng vẫn "nghĩ không ai cứu rồi, mình nhảy xuống cứu được thì cứu khổ thân người ta, chắc gia đình người này có vấn đề gì hay bị kích động ghê gớm lắm họ mới nghĩ đến chuyện chết, thôi cứ cứu đã".

Chân chạy, đầu nghĩ, hình dung mấy kịch bản khi mình phi ra đến chỗ nạn nhân. Mấy bác trên bờ thấy chắc chắn mình đang lao xuống liền hô to, "tụt quần ra", mình cũng định thò tay định tháo thắt lưng nhưng quên mất sáng nay mặc có 2 quần, mà tháo xong thì chắc chị kia cũng chết.

Cứ thế lao xuống, chắc chỉ mất độ 5,6 giây là mình ra tới chỗ chị gái định quyên sinh này. Lúc tới chị này đăng "giã gạo", mắt trợn ngược lên vì sặc nước do không biết bơi, chắc chỉ độ 2 lần "giã gạo" nữa là chị này khó sống.

Khi hai tay tôi quờ được vào người nạn nhân, phản ứng của chị này đúng như mô tả trong câu "đuối nước túm được cọc". Biết lúc này nạn nhân gần như mất nhận thức tôi vẫn cố nói động viên rất to rằng "không việc gì phải chết, chị nghe em không chết, không chết".

Lúc này tôi chỉ thấy ánh mắt của chị ấy đang trợn ngược lên vì sặc nước bỗng chớp xuống một cách rất yếu ớt như gia hiệu cho tôi "không chết" (đó là tôi nghĩ vậy).

Vì đã nắm qua được kỹ thuật cứu người đuối nước khi còn huấn luyện cơ bản trên Sơn Tây (lúc đó tôi khoảng 19 tuổi) nên việc kéo chị này vào bờ khá dễ dàng (tôi dùng kỹ thuật kẹp nách) bởi đây là hồ, nước không quá sâu, hơn nữa chị này khá nhẹ, chỉ khoảng gần 50 kg.

Lúc đang lôi chị này vào đến gần bờ xi măng thì chân tôi dẫm phải một vật vì đó khá cứng và sắc. Tôi đoán là bát hương hay vỏ chai gì đó. Khi ấy mình lạnh người, bắt đầu nghĩ đến kim tiêm, mảnh sành gì gì đó vì khi bé bị quả tai nạn khi lội ao bắt cá bị mảnh chai cứa đứt nửa ngón cái đến giờ vẫn kinh. Rút chân lên hóa ra không phải, cũng may cho tôi vì nước hồ rất bẩn.

Ngay lúc đó có hai bác, chắc xe ôm đầu ngõ 40 Võ Thị Sáu giúp tôi đưa chị gái đang bất tỉnh này lên bờ cứu chữa, lúc đó rất đông người, tôi cũng không nghĩ gì nữa. Tự nhủ nhiệm vụ của mình đã xong, nhờ mọi người giúp đưa chị này về nhà, nghe vài bác nói oang oang là nhà chị này cũng ngay gần đó.

Chị gái này trông rất hiền lạnh, nhưng mặt đã trắng bệch ra rồi, tôi ước chừng chị từ 28 đến 32 gì đó, cỡ tuổi tôi hoặc ít hơn. Trên cổ có đeo một sợi dây chuyền nhỏ màu vàng, mặc bộ quần áo ở nhà có nhiều chấm...

Chuyện này xảy ra chỉ vỏn vẹn trong khoảng từ 10 đến 13 giây thôi. Lúc tôi lên bờ thì tất nhiên cũng ướt hết, thối hết vì xung quanh toàn chuột, mèo, chó, có cả con dê non chết trương, đầy giòi ở đó (có thể đây cũng là lý do mấy bác xe ôm không nhảy xuống cứu).

Vì mới qua ngày Cô Hồn, Rằm Tháng Bảy nên cái hồ này thôi thì đủ thứ từ bát hương, vàng mã, động vật chết, rác thải đều có cả. Lúc viết kể lại thế này tôi đã tắm 3 lần vẫn thấy mùi thối, tôi vốn rất sợ những thứ này, thậm chí có thể nôn ngay khi ngửi phải, nhưng không hiểu sao lúc đó lại lao xuống hồ không đắn đo. Chắc có ai sai khiến?

Hồ Võ Thị Sáu, thực ra tôi cũng không biết có phải tên thật hay không, người thì bảo là hồ Quang Trung, người thì bảo "chả có tên gì hết" năm ngay đầu đường cùng tên, ngay cạnh cơ quan tôi đang làm việc.

Ven hồ có một cái điện rất to, hương khói nghi ngút, cách đó khoảng 70 mét có 2 cây đa có tán lớn và đẹp - chỗ tôi từng ngồi nói chuyện với một bác đại tá về hưu cách đây không lâu khi ông cụ đang ngồi câu cá.

- Suy nghĩ: Trên đường về thay quần áo, tôi cứ nghĩ mãi trong đầu rằng mình đã được một việc thiện cứu người hay thực chất là bắt chị gái này "phải sống" để tiếp tục hứng chịu cái mà chị ấy đang muốn chấm dứt vì chị ấy đã chán đến mức phải quyên sinh kia mà.

Trước đây tôi luôn nghĩ trong đầu rằng mình ra đường là phải mặc 3 cái quần để nhỡ trên đường có người tai nạn dưới nước thì nhanh chóng nhảy xuống cứu, trong balô của tôi lúc nào cũng có 1 chiếc móc và 1 cuộn dây dù để xử lý các tình huống cần dùng đến nó. Trường hợp này thì không cần bởi nó là hồ nhân tạo, dễ cứu, dễ vớt.

Việc cứu người của tôi ở dưới nước trước đây cũng có nguyên tắc: Tôi chỉ cứu người già, phụ nữ và trẻ em, động vật còn đàn ông tôi không cứu (tôi có lý do của tôi). Tuy nhiên, nguyên tắc của tôi sẽ thay đổi - tôi sẽ cứu tất cả những người đang gặp nạn (dưới nước) và sẽ linh hoạt và quyết đoán hơn ngay từ đầu.

Tôi chợt nhận ra việc cứu người đôi khi lại dễ hơn cứu động vật. Tôi thấy hối hận vì cách đây không lau tôi đã không giữ được mạng sống cho hai con mèo con lạc mẹ vì thiếu kỹ năng. Suy nghĩ nhiều lắm!”.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự