“Học không chỉ là để làm ông này bà kia, mà học để chúng ta có thể thêm hiểu biết về thế giới rộng lớn này và làm chủ bản thân mình” - hai vợ chồng thầy May luôn truyền đạt cảm hứng cho các em học sinh mỗi ngày đến trường bằng những lời khuyên.
“Nơi đâu có tình yêu thì ở đó có sự sống”
Trước ngày mở đường, điểm trường tiểu học Thăm Thẩm (đóng trên địa bàn xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương, Nghệ An) được xem là một trong những nơi khó khăn nhất của huyện Tương Dương.
Một lúc phụ trách 3 lớp, cô Minh phải đi dạy kèm từng em một (ảnh: N.Hoa)
Điểm trường vọn vẹn chỉ có một dãy hai phòng học tạm bợ được dân bản chung sức dựng lên, nên từ những ván gỗ tạm bợ nay đã xuống cấp, nằm chênh vênh trên đỉnh núi.
Đã gần 1 thập kỷ cắm bản dạy học tại điểm trường này, thế nhưng hai vợ chồng cô Kim Thị Minh (36 tuổi) và thầy Kha Văn May (38 tuổi) vẫn chưa thích nghi hết với khí hậu tại đây. Cô Minh nói: “Ở đây thời tiết thay đổi thất thường đến chóng mặt” và cho biết luôn phải mang theo bên mình một chiếc áo khoác dù trời nắng đến gần 40 độ C để kịp thích ứng với thời tiết thay đổi.
Tranh thủ quét dọn lại phòng học, cô Minh nhanh chóng đi lấy nước tưới cho bồn hoa nhỏ nhắn trước điểm trường.
Cô Minh kể, sau khi tốt nghiệp đại học, cô theo tiếng gọi của tình yêu cô lên làm dâu và cùng chồng giảng dạy tại Trường tiểu học Nhôn Mai. Cách đây 8 năm, hai vợ chồng cô được phân công về điểm trường tiểu học Thăm Thẩm cắm bản, “cõng” con chữ đến với các em học sinh.
Những ngày đầu mới lên đây công tác, cô không khỏi rùng mình. Nhiều lần bật khóc khi phải vượt qua những con đường mòn vắt ngược lên đỉnh núi, “bò” men theo khe núi đá bên bờ vực sâu cực kỳ hiểm trở để đến với điểm trường.
Thời tiết thay đổi thất thường, hai vợ chồng thầy May phải mặc thêm áo ấm để dạy trong mùa hè (ảnh: N.Hoa)
“Thời đó khó khăn lắm, không có đường như bây giờ, trường còn đóng ở phía trong, mưa là bị ngập. Muốn đến điểm trường, hai vợ chồng tôi chỉ có nước lội bộ thôi. Bây giờ thì đường sá đi lại thuận tiện hơn, hai vợ chồng cũng chuyển ra dựng lán ở ngay gần trường để tiện đi lại và thăm hỏi các em học sinh luôn”, thầy May tâm sự.
Suốt nhiều năm liền hai vợ chồng cùng nhau vượt qua trăm ngàn khó khăn để gieo con chữ tại điểm trường từng được xem là khó khăn nhất của huyện Tương Dương. Nói về những vất vả trong công việc cô Minh chỉ mỉm cười và nói “Nơi nào có tình yêu thì nơi đó sẽ có sự sống thôi”.
Việc được phân công cùng chồng “cắm” tại một điểm trường đầy gian nan nhưng đối với cô giáo trẻ này đó lại là một thuận lợi. Bởi nếu ngày ấy, chỉ một mình cô vào điểm trường này thì có lẽ cô đã không trụ nổi. Nhưng có người chồng bên cạnh, những khó khăn dường như không còn, trên gương mặt cô lúc nào cũng nở nụ cười.
“Nói thật là ngày đó nếu không có chồng ở bên cùng hỗ trợ, động viên thì tôi chắc gì đã bám trụ lại được ở đây. Khó khăn là vậy nhưng cứ nghĩ đến hình ảnh mấy đứa trẻ mới mấy tuổi đầu đã phải bỏ học theo bố mẹ vào rẫy thì tôi lại thấy xót, và thương cho tương lai của các em. Cứ như vậy, thế hệ này đến thế hệ kia chỉ biết bám vào nương rẫy thì khi nào mới thay đổi được”, cô Minh cho biết.
Gieo tư tưởng cũng quan trọng như dạy chữ
Hiện tại điểm trường này có 5 lớp với 25 học sinh, người vợ phụ trách lớp 1, 2, 3 còn chồng là thầy May phụ trách hai lớp 4 và 5. Nhắc đến các em học sinh của mình, thầy May hồ hởi cho biết, đến thời điểm hiện tại, học sinh trong vùng đã không còn tình trạng bỏ học để đi làm rẫy. Một con đường thảm nhựa cũng vừa mới được làm đi ngang qua trường nên tạo điều kiện thuận lợi để các em học sinh tới trường hơn.
Để có được thành quả như ngày hôm nay, người thầy giáo 38 tuổi này đã phải cùng vợ mình dùng mọi phương án để vừa truyền đạt chữ, vừa truyền đạt tư tưởng cho các em. Theo thầy May, đối với học sinh vùng cao, việc học của các em chỉ thường dừng lại ở biết chữ.
Thậm chí nhiều em và gia đình chỉ quan tâm đến việc làm nương rẫy nên trước khi dạy chữ cho các em, hai vợ chồng thầy May luôn tâm sự, nói chuyện thật nhiều để các em biết được tầm quan trọng của việc học.
Điểm trường Thăm Thẩm (ảnh: N.Hoa)
“Chúng tôi luôn nói với các em, học không chỉ là để làm ông nọ bà kia mà là để có thể làm chủ bản thân, nâng cao kiến thức để hiểu biết thêm về thế giới. Vì vậy mà suốt 3 năm qua, ở điểm trường này đã không còn tình trạng các em bỏ học, nghỉ học đi làm rẫy. Các em trong độ tuổi cũng đến trường đầy đủ”, thầy May vui vẻ cho biết.
Lớp học tại đây cũng thật đặc biệt, khi người giáo viên một lúc phải phụ trách 3 lớp dù số lượng học sinh rất ít. Trong mỗi phòng học, mỗi lớp được xếp bàn hướng về một phía khác nhau. Trong cùng một buổi dạy, thầy, cô liên tục thay đổi vị trí để thực hiện những giáo trình khác nhau đối với mỗi lớp học.
“Hiện tại điều kiện cơ sở vật chất của điểm trường này vẫn còn rất nhiều khó khăn, chúng tôi cũng mong các cấp tạo điều kiện hỗ trợ hơn nữa để khắc phục giúp công tác dạy và học được tốt hơn”, cô Minh chia sẻ.