Loại cây này được săn lùng vào mỗi dịp Tết Nguyên đán vì vừa đẹp vừa mang ý nghĩa phong thuỷ. Có những cây "khủng" với dáng thế đẹp mắt được bán cả trăm triệu đồng.
Cây quất đã trở nên vô cùng quen thuộc đối với người dân Việt Nam, đặc biệt là trong những dịp Tết đến Xuân về. Về mặt phong thuỷ, cây quất ngày tết tượng trưng cho một năm thuận buồm xuôi gió, sức khỏe dồi dào, mang lại sự sung túc, no đủ cho cả gia đình trong năm mới.
Cây quất có tên khoa học là Fortunella japonica, thuộc họ cam chanh, còn có tên gọi khác là cây tắc. Loài cây này vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc, sau này được trồng phổ biến tại Việt Nam và được nhiều người ưa thích cho đến ngày nay.
Hiện các nhà vườn đang chuẩn bị tung quất bonsai ra thị trường để phục vụ cho Tết Nguyên đán 2025
Cây quất là cây thân gỗ nhỏ, có chiều cao trung bình từ 1-2m, thân cây mềm và dẻo dai cho nên rất được ưa chuộng để trồng làm cây cảnh trong nhà, cây bonsai, cây trang trí ngày Tết. Vỏ cây sần sùi, nhiều nhánh mọc ra các hướng xung quanh cho nên rất sai quả. Lá và quả quất có chứa tinh dầu, toả ra mùi thơm đặc trưng.
Chính vì cây quất có nhiều cành lá sum suê, sai quả nên nó mang ý nghĩa tượng trưng cho sự sung túc, ấm no, tài lộc dồi dào của gia chủ. Trồng cây quất trong nhà vào dịp Tết sẽ giúp mang lại may mắn, thịnh vượng và thành công cho một năm tiếp theo.
Quất bonsai rất được ưa chuộng trên thị trường, tuỳ vào dáng thế mà giá thành các chậu bonsai khác nhau, dao động từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng. Thậm chí, có những cây giá tới cả trăm triệu đồng với dáng thế độc lạ.
Dịp Tết Nguyên đán 2024, quất cảnh ghép trên thân gỗ lũa tại nhà vườn ở làng quất Tứ Liên (quận Tây Hồ, Hà Nội) có giá tới trăm triệu đồng/chậu. Để tạo ra một cây quất ghép gỗ lũa đồ sộ, những nghệ nhân trồng quất của làng Tứ Liên phải mất trung bình 4 đến 6 năm để chăm sóc, tạo hình theo sự phát triển của cây mới cho ra được thế đẹp, độc lạ. Giá thành tùy vào tuổi cây, kích thước, dáng và chất lượng của khúc gỗ, cũng như tổng thể toàn bộ tác phẩm.
Những chậu quất trên thân gỗ lũa có giá cả trăm triệu đồng vẫn được các đại gia tìm mua
Anh Hằng (người trồng quất tại tại làng quất Tứ Liên) cho hay, quất ưa thích trồng trên những loại đất thịt, nhiều mùn và dinh dưỡng. Ngoài ra đất trồng cần đảm bảo thông thoáng, đủ độ tơi xốp và có độ pH từ 5-6, tốt nhất bạn nên lựa chọn loại đất pha lẫn mùn hoặc đất sét là lý tưởng nhất.
Người trồng sẽ lựa chọn trồng quất trong chum, vại, hay bình gốm. Để có cây quất đẹp thì việc chọn cây giống vô cùng quan trọng. Sau đó các nghệ nhân sẽ uốn nắn dựa trên dáng thế ban đầu của cây.
"Nhà vườn của tôi ưu tiên những cây giá vài trăm nghìn đồng để phục vụ đại đa số người dân chơi trong mùa Tết. Dựa vào linh vật của năm, nhà vườn sẽ tạo tác ra các tác phẩm phù hợp với năm đó. Ví dụ năm Nhâm Dần sẽ có Hổ vàng ôm quất, năm Giáp Thìn sẽ có cây quất hình rồng... Việc bắt kịp xu hướng sẽ khiến hàng bán ra nhanh hơn bởi người dân thường ưu tiên chọn cây theo ý nghĩa của năm.
Ngoài ra, trong vườn của tôi sẽ có khoảng 5-7 cây lâu năm, chăm sóc từ 5-10 năm. Những cây này có dáng thế độc, để dành cho những người có tiền, giá có thể lên tới vài chục triệu hoặc cả trăm triệu. Tôi ưu tiên trồng để chăm sóc và chiêm ngưỡng, nếu được giá thì mới bán", anh Hằng chia sẻ.
Nhà vườn ưu tiên tạo tác quất theo con giáp hoặc quất hình Thần Tài hay Phúc Lộc Thọ
Cũng ở làng quất cảnh Tứ Liên, anh Hiệp vốn làm trong ngành xây dựng, nhưng vì đam mê cây cảnh nên anh quyết định đầu tư 250 triệu đồng để trồng quất bonsai. Hàng năm, anh đều làm chậu theo con giáp.
Theo anh Hiệp, chăm chút cây quất bonsai khó hơn nhiều so với cây quất trồng trong vườn. Lượng đất trong chậu là rất ít nên phải luôn giữ được độ ẩm vừa phải để cây phát triển. Thời gian tưới nước phù hợp nhất là trước 11 giờ sáng. Ngoài chậu quất theo con giáp thì các chậu cây quất hình Thần Tài hay Phúc Lộc Thọ là sản phẩm không lỗi mốt qua các năm.