Chỉ vì việc giành nuôi con mà hai bậc cha mẹ này vô tình đẩy con vào bi kịch, nếu họ ngồi lại, trò chuyện, bàn phương hướng giải quyết tốt nhất thì đâu nên nỗi?
Tấm lòng người cha
Trong khoảng thời gian qua, cư dân mạng vô cùng bất ngờ khi ông Kenn Smith (doanh nhân người Mỹ đang sống tại TP.HCM) đăng tải thông tin tìm hai con của mình là Dương Th. và Dương L.. Ông này cho rằng, vợ cũ đã đưa hai con đi mà chưa có sự đồng ý của mình. Sự việc lại càng lớn hơn khi ông Smith thông báo sự việc này đến Tổng lãnh sự quán Mỹ ở TP.HCM lẫn Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội để nhờ tìm con.
Ông Smith cho biết, vợ cũ là bà Dương Thị Kim Phượng không có đủ khả năng tài chính để nuôi hai con. Bà thường đánh, chửi mắng hai con thậm tệ. “Cách dạy dỗ của Phượng là phản giáo dục”, ông này nói.
Ông Smith cùng hai con
Ông Smith trình bày lý do tìm hai con, trước đây, bà Phượng nói đưa hai con đi nhà thờ và hứa sẽ quay lại. Tuy nhiên, bà đưa hai con đi mất tích từ đó cho đến nay. Không chỉ thế, khi ông nhờ Lãnh sự quán Mỹ ở TP.HCM hỗ trợ thì được biết vợ cũ đem hai con sang tận Campuchia.
Ông cho hay, trước đây, bà Phượng yêu cầu phải đưa một số tiền, đồng thời mỗi tháng chu cấp tiền nuôi dưỡng cho con nhưng bị từ chối. Vì ước nguyện không được thực hiện, có lần, vợ cũ dọa sẽ mang bán con làm nô lệ tình dục hoặc đầu độc.
Điều đáng nói, trong giấy khai sinh của hai bé bỏ trống phần ghi chú về cha. Giải thích về điều này, ông Smith cho biết, trước đây, một lần đưa hai con ra nước ngoài du lịch, lúc làm thủ tục cấp hộ chiếu, Lãnh sự quán Mỹ yêu cầu ông chứng thực là cha của hai đứa trẻ. Ông đi giám định ADN và hoàn tất điều kiện chứng thực cha con của lãnh sự quán.
Trên trang facebook cá nhân, ông Smith thường thể hiện tình cảm yêu thương đối với hai đứa con. Bên cạnh đó, rất nhiều bạn bè cũng chia sẻ tình cảm mỗi khi ông đưa lên bất kì status nào về hai đứa con của mình. Qua những câu chữ ông viết, chúng tôi tin rằng, ông rất mong muốn tìm thấy hai bé để thỏa nhớ mong.
Được biết, vào ngày 31/3/2014, bà Phượng đã xuất hiện tại quận Bình Tân do nhận được thông báo của ông Smith, công an liên hệ, tác động qua điện thoại và tin nhắn. Khoảng 0 giờ ngày 1/4/2014 bà Phượng đã đến công an phường Bình Hưng Hòa, quận BìnhTân, TP.HCM để trình diện. Tuy nhiên, đến sáng hôm nay, hai đứa trẻ vẫn không có tin tức gì. Hiện, cơ quan điều tra tiếp tục xử lý thông tin để làm rõ vụ việc.
Nỗi lòng người mẹ
Còn nhớ, liên quan đến vụ việc, trước đây, chúng tôi đã có buổi làm việc với bà Phượng. Bà cho biết, năm 2005, hai người sống với nhau như vợ chồng và không đăng ký kết hôn. Đến 2006, bà Phượng sinh bé đầu tiên thì ông Smith đưa về quê bà ở tỉnh Bến Tre để làm giấy kết hôn. Tuy nhiên, khi về đến đây, ông Smith phát hiện, trước đây, bà đã có chồng và chỉ mới ly hôn. Ông giận, quyết định không đăng ký kết hôn nữa. Cũng trong khoảng thời gian này, bà cho hay mình đang mang thai đứa con thứ hai.
Về sau, bà Phượng kết hôn với một người đàn ông khác. Ông Smith cũng chung sống với một người phụ nữ khác. Đồng thời, hai người thống nhất sẽ thay nhau nuôi con.
Hai đứa trẻ được cho là "mất tích" cùng mẹ
Bà Phượng còn cho biết, trước đây, khi hai con đang học tại trường tiểu học Phan Đăng lưu (quận 8) thì ông Smith yêu cầu không cho đi học nữa, để ở nhà tự dạy. Bà đồng ý. Tuy nhiên, về sau, bà phát hiện ông lo lắng cho công việc, không có thời gian dạy học cho con. Không chỉ thế, trong quá trình hai bé sống với ông Smith thường xuyên bị bạo hành, hăm dọa.
Bà Phượng còn cho rằng, ngày 23/11/2013, đưa hai con sang Campuchia thăm người thân và ở lại một tuần. Lúc này, ông Smith lên mạng cho rằng bà bắt cóc con và nói là bà muốn tống tiền, làm ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của bà.
Cũng vì những điều này, khi trở về, bà Phượng phải ôm con bỏ trốn ở nhiều nhà trọ khác nhau. Bà mong muốn giành được quyền nuôi, dạy con như một người mẹ bình thường và đặc biệt là hai bé được trở lại trường học.
Hôm đó, hai bé cũng tỏ ra buồn bã và mong muốn giống như những đứa trẻ khác, được đến trường, vui chơi cùng bạn bè. Chỉ vì việc giành nuôi con mà hai bậc cha mẹ này vô tình đẩy con vào bi kịch, nếu họ ngồi lại, trò chuyện, bàn phương hướng giải quyết tốt nhất thì đâu nên nỗi?.