Chậm trả lương: “Cần tăng mức lãi, quy định người... đòi”

Ngày 19/01/2015 10:04 AM (GMT+7)

Đây là thông tin được ông Đặng Quang Điều (ảnh)– Trưởng ban Chính sách xã hội – Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - LĐLĐVN) nhấn mạnh khi trả lời phỏng vấn Báo NTNN liên quan tới việc doanh nghiệp phải trả lãi cho người lao động nếu chậm trả lương.

NTNN liên tiếp trong các số 12,13,14 đã phản ánh thông tin Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều về chế độ tiền lương trong Luật Lao động sửa đổi, trong đó có quy định “chậm trả lương 15 ngày, lao động (LĐ) sẽ được trả lãi có kỳ hạn 1 tháng”.

Về vấn đề này, ông Đặng Quang Điều cho biết chính sách này đúng là không mới, đã được quy định cách đây 4 năm (Nghị định 47/2010). Thời gian qua, LĐ chưa yêu cầu doanh nghiệp (DN) phải trả lãi bởi số tiền quá ít, còn công đoàn cũng mới chỉ lo đấu tranh giám sát, buộc DN trả lương sớm cho người LĐ nếu nợ lương. Theo ông Điều: “Đòi DN trả lương cho LĐ đã khó rồi, huống hồ còn đòi DN phải trả lãi khi chậm lương cho người LĐ. Vì thế cần có hướng dẫn kỹ hơn về vấn đề này”.

Ông đánh giá thế nào về tình trạng các DN trả lượng chậm, nợ lương của LĐ trong thời gian qua?

Chậm trả lương: “Cần tăng mức lãi, quy định người... đòi” - 1

Tháng 11.2014, hơn 700 lao động tại  Công ty TNHH Sae Hwa Vina (TP.HCM) đã khởi kiện công ty này ra tòa  vì nợ công nhân tổng cộng 3,3 tỷ đồng tiền lương. NLĐ

- Hai năm 2013, 2014, tình hình kinh tế - xã hội khó khăn đã tác động rất mạnh tới hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các DN. Chính vì vậy mới có tình trạng các DN nợ lương, chậm lương của người LĐ.

Tình trạng nợ lương, chậm lương của người LĐ ở các DN trong ngành xây dựng, đóng tàu diễn ra phổ biến hơn. DN nào nợ lương ít thì khoảng 2-3 tháng, DN nợ nhiều thì phải tới 5-6 tháng, còn các DN chậm lương 1-1,5 tháng thì nhiều không tính được. Nhưng khó khăn và khổ sở nhất vẫn là các LĐ từng làm việc cho DN đã bị phá sản, chủ sử dụng bỏ trốn. Số này gần như không thể đòi được khoản tiền lương mà DN đã nợ của LĐ.

Hiện Tổng LĐLĐVN có thống kê được số DN nợ lương của người LĐ trong cả nước không, thưa ông?

- Phải thừa nhận hiện nay chúng tôi chưa nắm bắt được những con số liên quan tới việc DN bị xử phạt do chậm, nợ lương của người LĐ. Việc thống kê số DN chậm lương phải trả lãi cho LĐ cũng không có.

Tháng 11.2014 vừa qua, Tổng LĐLĐVN đã ban hành một văn bản chỉ đạo các cấp công đoàn thống kê các DN nợ lương, chậm lương với các mức cụ thể từng tháng. Tinh thần là hàng năm, các cấp công đoàn sẽ thống kê theo biểu mẫu này. Dự kiến cuối năm 2015, Tổng LĐLĐVN sẽ công bố số DN chậm lương, nợ lương với người LĐ trong cả nước.

Theo nhận định cá nhân ông, DN nợ lương, chậm lương còn rất nhiều, công đoàn làm gì để giúp LĐ ứng phó với tình trạng này?

- Để ứng phó với những khó khăn trên, công đoàn thường đề nghị DN tạm ứng một phần tiền để người LĐ có thể chi trả những khoản thiết yếu như ăn ở, đi lại… cho LĐ có thể tiếp tục làm việc. Sau đó, công đoàn tiếp tục giám sát DN, nếu phát hiện DN có đơn hàng mới, có tiền thanh toán từ các đối tác thì sẽ yêu cầu DN phải trả lương cho LĐ. Đặc biệt, dịp cuối năm công đoàn các cấp cũng yêu cầu DN phải thanh toán dứt điểm các khoản nợ, chậm lương và thưởng tết để LĐ có tiền chi tiêu và lo tết.

Có ý kiến cho rằng số tiền lãi mà DN phải trả cho LĐ khi chậm lương là quá ít, vì vậy LĐ mới không đòi. Liệu công đoàn có thể đứng ra “đòi hộ” không?

- Đúng là LĐ thấy rằng số tiền lãi này thấp, nên không đòi. Hoặc cũng có thể họ nghĩ có đòi cũng không được nên đành bỏ qua. Tuy nhiên, khoản tiền lãi trên 1 LĐ có thể là nhỏ, nhưng nếu DN có hàng ngàn LĐ thì gộp chung lại khoản tiền lãi mà DN phải trả sẽ là rất lớn.

Tổng LĐLĐVN chưa từng được lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện chế độ tiền lương theo Luật Lao động sửa đổi trước khi trình Thủ tướng Chính phủ. Nếu được lấy ý kiến, chúng tôi sẽ còn góp ý kiến về nhiều vấn đề hơn trong việc thực hiện chế độ tiền lương cho LĐ trong các DN”. 

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là DN lại nợ từng người LĐ chứ không phải nợ toàn bộ người LĐ. Chính vì nợ cá nhân LĐ nên công đoàn cũng không có lý do để đòi hộ LĐ, trừ khi LĐ có ý kiến. 4 năm qua, chưa có LĐ nào có ý kiến về vấn đề này.

Vậy theo ông nghị định hướng dẫn việc thực hiện chế độ tiền lương mới cần phải bổ sung gì để chính sách nói trên được thực hiện, đảm bảo sự công bằng cho người LĐ?

- Tôi chưa có trong tay nghị định mới này, tuy nhiên theo dõi qua báo chí tôi thấy một số nội dung trong nghị định này còn chưa thực sự thuyết phục. Ví dụ như việc nghị định quy định việc DN trả lãi dựa trên mức lãi suất tiền gửi là không hợp lý. Bởi người LĐ không lấy lương để gửi cho DN, mà bản thân DN đang nợ lương của người LĐ (tức là DN đang vay của người LĐ). Chính vì vậy, mức lãi suất làm căn cứ để DN trả lãi nếu chậm lương của người LĐ phải được tính dựa trên lãi suất tiền vay (cao hơn quy định hiện hành khoảng 3-4%) mà Ngân hàng Nhà nước quy định. Tính như vậy mới chặt chẽ và hạn chế được việc DN dùng quỹ tiền lương chậm trả cho LĐ để quay vòng.

Mặt khác theo tôi, thay vì việc quy định các DN chậm lương phải trả lãi cho từng LĐ, nghị định cũng nên bổ sung vai trò đại diện của các tổ chức công đoàn trong việc xử lý chậm lương, nợ lương của LĐ. Theo đó, nên để công đoàn cơ sở đứng ra đòi số tiền lãi này. Số tiền lãi mà DN trả có thể được công đoàn gửi lại cho LĐ, hoặc cũng có thể chuyển vào quỹ phúc lợi để chăm lo đời sống cho công nhân, LĐ.

Xin cảm ơn ông!

Theo Minh Nguyệt (Dân Việt)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot