Thời gian qua người dân khu vực thành phố Biên Hòa hết sức ngạc nhiên về hai cụ già bỗng nhiên được một người đàn ông nhận về làm "cha mẹ" nuôi.
Cứ ngỡ rằng khi có "con nuôi" cuộc sống của hai ông bà lão này sẽ bớt phần cực khổ. Nào ngờ nỗi đau thế thái nhân tình vẫn đeo bám, cho dù họ đang dần bước vào tuổi gần đất xa trời...
Đằng sau số phận hai kẻ ăn mày
Lần theo địa chỉ bạn đọc cung cấp, chúng tôi có mặt tại trung tâm thương mại Tân Hiệp (TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), nơi thường xuất hiện hai ông bà già đã ngoài 70 tuổi lụ khụ đứng chìa nón xin tiền khách đi đường. Qua theo dõi, chúng tôi thấy với việc ăn xin, họ kiếm ngót bạc triệu mỗi ngày. Đặc biệt, cuối ngày có một người đàn ông lớn tuổi chạy xe gắn máy tới chở họ về.
Trao đổi với chúng tôi, chị Hoàng Thị B. nhân viên một cây xăng trên đường Đồng Khởi cho biết: "Sáng nào cũng vậy, khi vừa mở cửa bắt đầu đổ xăng cho khách lại thấy có người đàn ông khoảng 50 tuổi chạy chiếc xe gắn máy, chở hai người già này tấp vào lề đường gần đó. Khi xuống xe, ông già đi vào chỗ cây xăng chúng tôi và bắt đầu... ngửa nón xin tiền. Còn bà cụ đi cùng thì đi theo hướng khác ra đường Đồng Khởi".
Bà H. và ông N. bị ông Chung lừa đi ăn xin thuê.
"Đôi lúc, khách đến đổ xăng đông họ tới xin ăn làm cho cây xăng chúng tôi rất lộn xộn, điều này cũng dẫn đến việc mất cắp dễ xảy ra. Hiện ở cây xăng chúng tôi có treo biển "nghiêm cấm tụ tập bán hàng và ăn xin", thế nhưng họ vẫn bất chấp tất cả để hành nghề ăn mày. Người dân nơi đây họ đều biết rất rõ về xuất xứ của hai người ăn xin trên. Hàng ngày đều có một người đàn ông đi xe máy mang biển số ở Quảng Trị, chở họ tới đây xin ăn, đến tối thì lại chở về. Tôi và một vài người gần đây có theo dõi và chụp được tấm hình về người đàn ông, để gửi lên chính quyền địa phương xem xét", chị B. cho biết thêm.
Được biết, ngoài cây xăng nơi chị B. làm việc, thì họ còn vạ vật rất nhiều nơi khác trên đường Nguyễn ái Quốc (khu phố 1, phường Trảng Dài) và một số cây xăng trên đường Đồng Khởi để xin tiền. Theo quan sát của chúng tôi, trên người hai cụ già ăn xin ấy lúc nào cũng đeo trên vai một chiếc túi màu đen và chiếc nón cầm trên tay để hành nghề. Bằng những chiêu thức như vậy, họ dễ dàng nhận được sự cảm thương của khách đi đường. Là một người sửa xe gắn máy lâu năm gần đó, anh Nguyễn Văn Th. kể: "Đoạn ngã tư Đồng Khởi - Nguyễn ái Quốc là nơi có nhiều công ty lớn, đông người qua lại. Thường ngày tôi sửa xe ở đây hay thấy hai người già này ngang qua xin ăn, nhiều người thấy vậy rất bức xúc, nhưng không biết làm sao. Vì chủ yếu, những người cho họ tiền là khách lạ". Theo nhiều người dân, sau khi chở hai người già này đến điểm xin ăn, người đàn ông trên thường chạy ra một điểm nào gần đó ngồi đợi và quan sát họ xin ăn, đến 18h mỗi ngày, lại ra chở họ về.
Ông Chung đang đợi để chở hai ông bà già về. (ảnh người dân cung cấp).
Hành trình tìm ra "hang ổ" của ông chủ quản ăn mày
Để tìm hiểu rõ về người đàn ông chạy chiếc xe gắn máy, chuyên chở hai ông bà già trên đi ăn xin là ai, chúng tôi nhanh chóng tiếp cận với ông già ăn xin. Qua tìm hiểu từ một số thông tin, được biết ông già trên tên là Nguyễn Văn N. quê ở huyện Triệu Sơn (tỉnh Thanh Hóa).
Chia sẻ với chúng tôi ông N. cho biết: "Do ở quê khó khăn không biết làm gì. Thấy tôi già cả lại khó khăn nên anh Chung (người chở đi xin ăn- PV) đến nói muốn nhận tôi làm "cha nuôi", rồi đưa vào Nam trông coi nhà cửa. Thấy vậy tôi rất cảm động, và cũng tin tưởng vì ông Chung là người cùng quê. Sau Tết 2014, tôi vào đây để làm việc theo như sự hướng dẫn của ông Chung. Nhưng khi vào đây rồi mới biết Chung nhận mình làm "cha nuôi" là để đi xin ăn thuê. Mỗi tháng nó cho được vài ba triệu chứ không phải đơn giản chỉ ăn rồi ở nhà trông coi nhà như lúc đầu đã nói. Giờ biết chuyện tôi thấy rất áy náy, nhưng không biết làm sao bởi đang phải sống một mình nơi đất khách quê người, không tiền, không người thân nên đành chấp nhận".
Giống với ông N., bà cụ đi ăn xin cùng là Phan Thị H. năm nay đã 70 tuổi quê ở huyện Triệu Sơn (tỉnh Thanh Hóa). Năm 2013 ông Chung có ghé qua nhà bà, nói muốn giúp đỡ và nhận làm "mẹ nuôi" rồi đưa vào Nam làm việc cùng. Tuy đã 70 tuổi, nhưng bà H. còn khá nhanh nhẹn. Có lẽ vì thấy có người cùng quê muốn giúp đỡ, nên bà đã đồng ý nhận lời vào Nam làm việc.
"Tôi với ông N. ở cùng nhà anh Chung. Thường ngày tôi và ông N. hay ra các tuyến đường lớn ở Biên Hòa để xin ăn. Mọi người vẫn cứ nghĩ chúng tôi là vợ chồng nhưng thực tế không phải như vậy. Toàn bộ số tiền xin được xong về phải nộp lại cho anh Chung, cuối tháng cho bao nhiêu lấy bấy nhiêu. Nhưng tháng nào tôi cũng chỉ nhận được hai triệu đồng tiền công. Biết là bị lừa để đi xin ăn thuê nhưng giờ cũng biết làm sao. Rất muốn về quê, nhưng ông Chung quản chặt nên tôi không về được".
Theo quan sát của phóng viên, cứ chiều tối người đàn ông tên Chung lại chạy xe chở hai ông bà già ăn xin ra về. Nhận thấy có nhiều biểu hiện của một đường dây "chăn dắt" người ăn xin, chúng tôi đã bí mật bám theo người đàn ông này. Bám đuổi theo từng con hẻm ngoằn ngoèo vào tận bên trong khu phố 2, phường Tân Biên (thành phố Biên Hòa) có lúc tưởng chừng như chúng tôi đã mất dấu họ. Sau một hồi quanh co, nhóm người này dừng lại trước một căn nhà cấp bốn. Một người hàng xóm sống cạnh nhà ông Chung cho biết: "Ngôi nhà trên là của vợ chồng ông Chung ở Thanh Hóa. Hàng xóm xung quanh không ai biết về cha mẹ ông Chung. Nhưng thời gian gần đây bỗng dưng tôi thấy trong nhà đó xuất hiện hai ông bà già rất lạ, hỏi thì ông ta nói là "cha mẹ" ở quê vào".
Theo sự hướng dẫn của một vài người dân xung quanh, chúng tôi tìm tới căn nhà cấp bốn. Qua tiếp xúc được biết, người đàn ông trong ngôi nhà ấy tên là Trần Văn Chung (SN 1964, quê Thanh Hóa).
Năm 2013 ông Chung về quê thấy có nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, lại thêm đói kém mất mùa, ông ta mới nảy ra ý tưởng dụ dỗ lôi kéo người già nhận họ làm "cha mẹ nuôi" rồi đưa vào Nam để hành nghề xin ăn thuê. Khi chúng tôi tiếp cận ông Chung và hỏi về "cha mẹ nuôi" của ông thì ông ta tỏ thái độ khó chịu, rồi nói trong sự cảnh giác: "Hiện bố mẹ tôi đang đi chơi ở nhà người bà con nên không có ở nhà".
Cơ quan công an vào cuộc xử lý Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, một lãnh đạo Công an phường Tân Hiệp cho biết: "Hiện chúng tôi đã nhận được rất nhiều đơn từ và phản ánh của người dân về vấn đề trên. Cơ quan công an cũng xác nhận rõ đây là một vụ việc rất quan trọng, vì nó ảnh hưởng đến vấn đề an ninh xã hội của người dân nên cần phải xử lý nghiêm. Về trường hợp của bà H. và ông N. chúng tôi sẽ xem xét và hỗ trợ để đưa về quê với gia đình trong thời gian sớm nhất". |