Để được làm mẹ, chị Lê Hà (26 tuổi – TP.HCM) đã trải qua 18 lần tiến hành thụ tinh nhân tạo bằng phương pháp bơm tinh trùng (IUI) và 8 lần thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) trong suốt 4 năm ròng.
Đề nghị ly hôn để giải thoát cho chồng
Sau kết hôn, do đặc thù công việc, vợ chồng chị Lê Hà (26 tuổi – TP.HCM) mỗi người sống một nơi. Hàng tháng, họ chỉ được gặp nhau 1 lần. Chị tâm sự: “Khi đoàn tụ, vợ chồng mình lại lên kế hoạch sinh con. Tuy nhiên, mình bị buồng trứng đa nang rất khó thụ thai. Thời gian đó, mình sống ở Biên Hòa (Đồng Nai), còn ông xã công tác tại Đắc Lắc nên việc chữa trị hiếm muộn rất khó”.
Chị Hà tự đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe, lấy thuốc điều trị bệnh. Khi ấy, sống quá cô đơn, chị đã nghĩ đến chuyện quay trở về quê ngoại. Nhưng chồng chị thường xuyên gọi điện, động viên chị cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn. Riêng vấn đề con cái, người đàn ông ấy luôn tin rằng: Con là của trời cho, có niềm tin ắt trời không phụ.
Hoàn thành công việc, người chồng đã về bên chị Hà. Họ cùng nhau đi chữa hiếm muộn với mong ước sớm được làm cha làm mẹ. Chị bảo, hễ ai mách ở đâu có thày lang hoặc bác sĩ giỏi, vợ chồng chị liền tìm tới thăm khám. Nhưng trăm lần uống thuốc, chị đều không thấy gì.
Con mang đôi mắt của mẹ, sống mũi cao giống ba và cái miệng hệt bà nội
“Cứ hi vọng rồi thất bại đã khiến chính mình nản trí, muốn dừng lại. Mình đã thẳng thắn nói chuyện với chồng và đề nghị ly hôn để giải thoát cho cả hai. Anh ấy nhất định không đồng ý và nói rằng sẽ cùng chờ đợi 6 năm. Nếu số phận đã an bài không có con, chúng mình sẽ đi xin con nuôi”, chị Hà nghẹn ngào.
“Con chính là một thiên thần lạc vào đại gia đình chúng ta. Con mang đôi mắt của mẹ, sống mũi cao giống ba và cái miệng hệt bà nội. Con biết không? Khi biết có con, mẹ đã khóc òa trong hạnh phúc. Bởi, hơn 4 năm qua, ba mẹ đã phải chịu đựng bao cay đắng, tủi nhục với hi vọng con sớm về. Rồi, bà Mụ đã ưu ái cho mẹ được gặp, ôm con vào lòng”, - Đó là dòng tâm sự chị Lê Hà dành tặng cho thiên thần bé nhỏ trong ngày đầy cữ tháng. |
18 lần tiến hành IUI và 8 lần IVF
Lấy lại tinh thần “chiến đấu”, chị Hà đến bệnh viện nhờ bác sĩ tư vấn. Họ khuyên chị làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) bởi tỉ lệ thành công rất cao. Chị nhớ lại: “Mình được rất nhiều phôi nên bác sĩ cho lựa số phôi để cấy. Mình đã chọn 3 phôi nhưng khoảng 20 ngày thì các phôi bị hỏng.
3 tháng sau, mình đã cấy hết số phôi trữ đông nhưng đều thất bại. Bác sĩ nghi ngờ nội tiết tố nữ trong mình có vấn đề. Họ quyết định điều trị nội tiết cho cả hai vợ chồng. Lúc đó, mọi chuyện đều ổn, trừ việc thai nhi không chịu đậu trong buồng tử cung”.
Chuỗi ngày ấy, tâm trí chị Hà bị đầy đọa nặng nề. Nhưng thấy trẻ nhỏ, khao khát làm mẹ lại bùng cháy, không cho phép chị bỏ cuộc.
Nhiều lần IUI thất bại, vợ chồng chị Hà quyết định chuyển qua làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). “Mình đã trải qua 18 lần IUI nhưng có lẽ 8 lần tiến hành IVF mới thực sự sợ hãi. Việc cấy phôi không chỉ tốn kém mà còn khiến cơ thể mình chịu nhiều đau đớn. Có bữa, mình kích buồng trứng, bụng trương phềnh như cái trống và không thể thở nổi. Chính điều đó đã làm mình nhụt chí, có ý định từ bỏ thiên chức làm mẹ. May rằng, ông xã luôn ở bên, động viên mình cố gắng”, chị Hà chia sẻ.
Đợt cuối chọc trứng, bụng chị Hà căng cứng, to như người mang thai 4 tháng. Bác sĩ chẩn đoán chị bị quá kích buồng trứng và tràn dịch bụng. Ngay sau đó, họ đưa chị lên phòng cấp cứu, hút dịch qua âm đạo. Chị bảo luôn sợ công sức của hai vợ chồng thời gian qua thất bại nhưng không làm sẽ nguy hiếm đến tính mạng. Cuối cùng, chị đành nén đau khổ vào trong để tiến hành phẫu thuật.
Từ lần đó, chị Hà dừng ngay việc IVF vì không muốn mạo hiểm thêm lần nữa. Họ chuyển qua uống thuốc đông y. Dường như, khát khao làm mẹ luôn cháy rực trong cơ thể người đàn bà ấy. Chị hi vọng về một tương lai với phép màu diệu kỳ mang đến thiên thần bé nhỏ .
Với chị Lê Hà, cảm giác được làm mẹ rất tuyệt vời
Giọt nước mắt hạnh phúc của người đàn bà muộn con
Hơn 4 năm rong ruổi khắp các viện, uống đủ các loại thuốc Đông – Tây y, cặp vợ chồng trẻ quyết định “nghỉ chân”. Tình cờ, người bạn đã giới thiệu vị bác sĩ, khi đó, người vợ muốn đi thêm lần nữa bởi chị có cảm giác sẽ thành công.
Gần 3 tháng trị bệnh, chị Hà lấy hết can đảm để thử que. Chị sợ cảm giác buồn, thất vọng như những lần trước nhưng không ngờ que thử hiện 2 vạch đỏ. Chị đã chạy ra ngoài ôm chồng thật chặt và khóc òa như một đứa trẻ.
Khoảnh khắc nhìn thấy chiếc que thử hiện 2 vạch là thời điểm hạnh phúc nhất trong 4 năm làm vợ của người phụ nữ hiếm muộn. Chị đã san sẻ niềm vui ấy cho gia đình nội, ngoại hai bên.
Suốt thai kỳ, chị Hà phải kiêng cữ cẩn thận do cơ địa khác biệt. Thậm chí, chị ăn uống, sinh hoạt đều phải nhờ người trợ giúp. Chị tâm sự: “9 tháng 10 ngày mang thai, mình cảm nhận được sự thay đổi trong cơ thể. Nhất là tháng cuối cùng thai kỳ, mình háo hức, mong chờ từng ngày con chào đời.Thực sự, cảm giác được làm mẹ rất tuyệt vời”.
Hiện tại, thiên thần bé nhỏ của vợ chồng chị Hà đã tròn 4 tháng tuổi. Bé rất đáng yêu và kháu khỉnh. Với họ, con là tất cả, là món quà vô giá nhất trên đời!