Chàng thợ may "không chân" với mong muốn được dạy nghề miễn phí cho người khuyết tật

Ngày 21/08/2017 00:02 AM (GMT+7)

17 năm tu chí làm ăn với đôi chân bị liệt, anh Hậu đã có một cơ ngơi khang trang, nhưng sâu thẳm tâm hồn và suy nghĩ của chàng thợ may khuyết tật này vẫn còn bộn bề lo toan.

“10 năm tôi liên tiếp nhận 3 cú sốc cuộc đời”

Sinh ra và lớn lên anh, Phan Văn Hậu ( 37 tuổi, ở khu 4, thôn Du Ba, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) là một người khỏe mạnh, thông minh và luôn có chí hướng làm ăn lớn.

Đến năm 20 tuổi, khi công việc làm ăn bằng nghề vận tải đang bắt đầu phát triển, không may anh Hậu bị tai nạn giao thông. Vụ tai nạn đã chính thức cướp đi đôi chân của anh và khiến anh suốt đời phải sống nhờ xe lăn, nạng gỗ.

Chàng thợ may amp;#34;không chânamp;#34; với mong muốn được dạy nghề miễn phí cho người khuyết tật - 1

Sau vụ tai nạn, chân anh Hậu bị liệt và 17 năm nay anh phải gắn cuộc đời với chiếc xe lăn, cùng chiếc nạng gỗ.

“Từ một thanh niên khỏe mạnh, rong ruổi khắp các con đường, giờ thành tàn phế, tôi thật sự vô cùng sốc và đau đớn. Lúc đó tôi đã suy nghĩ rất nhiều, thậm chí còn nghĩ cuộc sống không còn giá trị gì nữa”, anh Hậu chia sẻ.

Thế nhưng không buông xuôi số phận, anh Hậu quyết định tìm tòi và học các nghề dành cho người khuyết tật. “Ban đầu, tôi đã đi học cắt tóc, đi học làm thủ công, học làm que kem… nhưng tất cả mọi thứ tôi đều thấy không phù hợp.

Chàng thợ may amp;#34;không chânamp;#34; với mong muốn được dạy nghề miễn phí cho người khuyết tật - 2

Anh Hậu đến với nghề may khá tình cơ và khi bắt đầu học việc, anh gặp vô vàn khó khăn.

Chàng thợ may amp;#34;không chânamp;#34; với mong muốn được dạy nghề miễn phí cho người khuyết tật - 3

Khi đo vải và cắt may, một tay anh Hậu phải vịn vào tay cầm được thiết kế sẵn, nếu không sẽ bị ngã.

"Rồi một hôm có người anh cho tôi một chiếc máy khâu cũ và bảo tôi thử với nghề may. Lúc đầu mới học tôi gặp muôn vàn khó khăn, nhưng không hiểu sao tôi lại có một đam mê rất đặc biệt với chiếc máy khâu và cơ duyên tôi đến với nghề cũng từ đó”, anh Hậu chia sẻ.

Chàng thợ may amp;#34;không chânamp;#34; với mong muốn được dạy nghề miễn phí cho người khuyết tật - 4

Nghề may đã giúp anh quên đi nỗi đau bệnh tật và anh luôn sống khỏe với nghề.

Sau 3 năm vừa học hỏi vừa thực hành may, anh Hậu đã có lượng khách hàng thân thiết, với những đơn hàng ngày càng nhiều, thậm chí có thời điểm thu nhập của anh Hậu lên tới 30-45 triệu/tháng.

Bị tai nạn liệt chân, sau đó lại mất người thân trong gia đình… dù bất hạnh, nhưng tôi sẽ không buông xuôi, tôi phải phấn đấu để chứng tỏ rằng, người khuyết tật có thể làm được mọi thứ

Phan Văn Hậu - Eva.vn

“Một người khuyết tật, kiếm được tiền như vậy họ ham lắm. Chính vì ham quá nên tôi quên mất sức khỏe mình và kết quả tôi bị viêm xương phải bỏ việc đi điều trị hàng tháng trời.

Lúc đó, mình đang làm ra tiền, bệnh tật lại ập đến, tôi thật sự một lần nữa rơi vào bi kịch. Bởi đây là căn bệnh nguy hiểm nếu không cẩn thận sẽ liệt toàn thân và xe lăn cũng không thể di chuyển được”, anh Hậu kể lại.

Sau gần 2 tháng điều trị, bệnh tình anh Hậu đã cải thiện và khỏi được 98%. Khi khỏi bệnh về nhà, anh Hậu vừa bắt đầu lại công việc, thì bất hạnh cuộc đời một lần nữa ập đến khi mẹ qua đời.

“Gần 10 năm tôi bị tai nạn, mẹ là người luôn ở bên động viên chăm sóc cho tôi. Bởi thế khi mẹ ra đi, tôi đã sốc và chẳng thiết một thứ gì trên đời”, anh Hậu vừa kể lại, vừa nhìn lên di ảnh của mẹ trên ban thờ.

Rồi mọi chuyện cũng qua đi, anh Hậu lại trở về với cuộc sống và công việc thợ may hàng ngày. Nhưng giờ đây căn nhà chỉ có một mình anh lẻ bóng với những chiếc máy khâu và cả tủ vải phục vụ cho công việc.

“Tôi mong được truyền nghề cho những người cùng cảnh”

Tính đến thời điểm hiện tại, anh Hậu đã có thâm niên 17 năm gắn bó với nghề may và trong sâu thẳm suy nghĩ của mình, anh Hậu luôn mong muốn được dạy nghề miễn phí cho những người có hoàn cảnh giống như mình.

Chàng thợ may amp;#34;không chânamp;#34; với mong muốn được dạy nghề miễn phí cho người khuyết tật - 5

Những chiếc máy khâu được thiết kế chuyên dụng dành cho người khuyết tật.

“Nhiều tiền ai cũng muốn, nhưng với tôi đó không phải là điều quan trọng nhất vào lúc này. Giờ đây, tôi chỉ muốn được dạy nghề may miễn phí cho những người có hoàn cảnh như mình”, anh Hậu nói.

Để có thể thực hiện được ước muốn dạy nghề miễn phí, anh Hậu từ lâu đã có sự chuẩn bị. Đó là anh xây dựng sẵn khu phòng ở cho những người khuyết tật muốn đến học nghề, xây dựng cả những khu vệ sinh, khu nấu nướng riêng.

Thậm chí, căn nhà khang trang anh đang ở cũng được thiết kế thuận lợi nhất cho những người khuyết tật tiện sinh hoạt.

Chàng thợ may amp;#34;không chânamp;#34; với mong muốn được dạy nghề miễn phí cho người khuyết tật - 6

Căn nhà anh xây dựng cũng được thiết kế rất đặc biệt với hệ thông tay vịn khắp nhà.

Tôi dạy cho những người khuyết tật cách may quần áo, sửa quần áo…nếu thành thạo, tôi đảm bảo họ chỉ cần sửa chữa thôi cũng kiếm được vài, ba triệu/tháng rồi

Phan Văn Hậu - Eva.vn

Còn về dụng cụ dạy nghề, anh Hậu lý giải: “Những người khuyết tật họ không thể may như những người bình thường, vì thế bàn cắt vải tôi phải thiết kế có tay vịn riêng, có chỗ tựa riêng và máy khâu cũng được thiết kế riêng dành cho những người khuyết tật sử dụng hiểu quả nhất”.

Khi hỏi về chuyện gia đình, anh Hậu trầm ngâm suy nghĩ, sau đó bộc bạch: “Gia đình tôi cũng muốn lắm chứ, nhưng nhìn hoàn cảnh của tôi nhiều chị em cũng phải suy nghĩ, chắc chẳng ai dám liều lấy tôi đâu”.

Theo anh Hậu, trước đây khi anh chưa xây dựng nhà cửa, nhiều người sợ nghèo không dám đến. Nhưng khi làm nhà cửa đàng hoàng, thì các cô gái lại sợ mang tiếng: “Lấy về để được chia của”.

“Nhìn chung ai lấy tôi, hay tôi lấy ai thì cũng phải hội tụ đủ yếu tố là chia sẻ và thấu hiểu hoàn cảnh, nếu không sẽ không thể đến được với nhau”, anh Hậu nói.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h