Trần Tuấn Khương, kẻ cắt chân chị gái khi đang điều trị ở viện Xanh Pôn sẽ phải chịu mức án nào cho hành vi man rợ của mình?
Để làm rõ vấn đề này, phóng viên đã trao đổi với thạc sĩ, luật sư Hồ Ngọc Hải – giám đốc công ty Luật TNHH MTV Công Phúc (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) để hỏi ý kiến pháp lý trong sự việc này.
Thạc sĩ, Luật sư Hồ Ngọc Hải - Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Công Phúc
Như tin tức đã đưa, sáng ngày 2/1, Trần Tuấn Khương (sn 1971, trú tại Ba Đình, Hà Nội) dùng dao gọt hoa quả cắt chân chị gái mình là bà Trần Thị Thanh Dung (sn 1963) - người đang nằm điều trị bệnh ung thư tại Bệnh viện Xanh Pôn (do từng mổ u não tại một bệnh viện khác, ngày 23/12/2013, bà đến Xanh Pôn theo dõi một số vấn đề tồn tại sau mổ).
Hiện tại, do được cấp cứu kịp thời nên thương tổn ở chân của bà Dung đã ổn định, vết cắt ở chân đã khô và không còn nguy hiểm. Tuy vậy, dư luận đang đặt ra câu hỏi trách nhiệm nào cho hành vi dùng dao cắt chân chị gái của đối tượng Khương?
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Hồ Ngọc Hải cho rằng, thời điểm hiện tại, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án cố ý gây thương tích. Tuy nhiên, để biết đối tượng Khương (đối tượng này là người hoàn toàn bình thường, không bị mất năng lực hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi) có bị khởi tố bị can và có phải chịu trách nhiệm hình sự không? thì trong quá trình tiến hành tố tụng (đặc biệt là trong giai đoạn điều tra), cơ quan điều tra cần làm rõ các dấu hiệu pháp lý cũng như các căn cứ pháp luật.
Nạn nhân Trần Thị Thanh Dung bị em trai cắt chân tại bệnh viện Xanhpôn
Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 (sau đây gọi là BLHS năm 1999) về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác quy định:
“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm ...
d) Đối với ... người ... ốm đau ...
i) Có tính chất côn đồ ...
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm................”
Căn cứ vào quy định pháp luật trên đây; căn cứ vào tình tiết sự việc thì nhận thấy Trần Tuấn Khương đã dùng hung khí nguy hiểm (dao gọt hoa quả) xâm hại tới tính mạng, sức khỏe của bà Dung. Xét thấy:
Trường hợp nếu tỷ lệ thương tật của bà D dưới 11% (theo quy định tại khoản 1 Điều 104), thì về mặt dấu hiệu pháp lý (cấu thành tội phạm cơ bản) thì đối tượng Khương đã phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này (hành vi gây tỷ lệ thương tật là dưới 11 % nhưng có sử dụng hung khí nguy hiểm; hành vi có tính chất côn đồ và phạm tội với người đau ốm).
Tuy nhiên, nếu muốn có đủ căn cứ để khởi tố bị can đối với đối tượng Khương thì cơ quan điều tra sẽ cần phải căn cứ vào yêu cầu của người bị hại để khởi tố Khương (bởi theo quy định tại Điều 105 Bộ luật TTHS 2003 về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại thì tội phạm được quy định tại khoản 1 Điều 104 BLHS 1999 chỉ được khởi tố nếu có yêu cầu của người bị hại). Như vậy, nếu bà Dung có Đơn tố cáo hoặc Đơn đề nghị khởi tố thì đối tượng Khương mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngược lại, nếu bà Dung không có các văn bản nêu trên thì Cơ quan điều tra sẽ không thể khởi tố bị can; đồng thời phải đình chỉ giải quyết vụ án.
Mặt khác, các cơ quan tiến hành tố tụng phải căn cứ vào tỷ lệ thương tật, nếu tỷ lệ thương tật của bà Dung từ 11% trở lên thì Trần Tuấn Khương đã thỏa mãn ngay các cấu thành cơ bản định tội tại khoản 2, 3, 4 Điều 104 BLHS năm 1999 (như đã phân tích trên). Do đó, dù bà Dung có hay không có đơn yêu cầu khởi tố Trần Tuấn Khương thì đối tượng này vẫn bị cơ quan điều tra khởi tố và truy cứu trách nhiệm hình sự.
Một thực tế có thể nhận thấy là hiện nay muốn biết Trần Tuấn Khương có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không hoặc phải chịu khung hình phạt nào thì phải chờ kết luận giám định thương tật của Cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, thực tế bà Dung là chị gái ruột của Khương. Chính bởi lý do này cho nên xét trên khía cạnh tình cảm ruột thịt gia đình thì khả năng bà Dung sẽ không tự mình thực hiện việc giám định thương tật, không tố cáo hành vi của Khương, từ chối việc giám định hoặc có những hành vi cản trở việc giám định là rất cao.
Từ luận điểm trên đây, để xác định được Trần Tuấn Khương có phạm tội hay không? thì Cơ quan điều tra cần tuân thủ quy định tại Điều 10 Bộ luật TTHS 2003 “Cơ quan điều tra, ... phải áp dụng mọi biện pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, ...”. Tức là Cơ quan điều tra cần chủ động thực hiện điều tra, xác minh sự việc phạm tội; thu thập, kiểm tra, giám định các chứng cứ và dấu vết tội phạm. Cụ thể, trong sự việc này, việc cần thiết nhất là cần giám định tỷ lệ thương tật của bà Dung bởi kết quả giám định chính là một căn cứ rất quan trọng trong việc xác định dấu hiệu tội phạm của ông Khương.
Về cách thức giám định:
Thứ nhất: do bà Dung đang được điều trị trong bệnh viện. Do đó, Cơ quan điều tra có thể phối hợp với Bệnh viện Xanh pôn và căn cứ vào hồ sơ bệnh án của bà Dung để xác định tỷ lệ thương tật.
Thứ hai: Cơ quan điều tra trưng cầu Cơ quan giám định y khoa xác định tỷ lệ thương tật dựa trên vết thương của bà Dung để xác định tỷ lệ thương tật...
Như vậy, bằng các cách thức nêu trên thì chắc chắn sẽ xác định được tỷ lệ thương tật của bà Dung. Từ đó xác định được bị can Trần Tuấn Khương có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không (nếu đáp ứng dấu hiệu của khoản 1 Điều 104 BLHS năm 1999 thì ông Khương chỉ phải chịu TNHS theo yêu cầu của người bị hại; nếu đáp ứng dấu hiệu của các khoản 2,3,4 Điều 104 BLHS năm 1999 thì ông Khương sẽ bị truy cứu TNHS)?