Biến khó khăn thành lợi thế, một số hộ dân xã Quảng Hưng (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) đã phát triển mô hình trang trại chăn nuôi đà điểu trên vùng đất cát bạc màu.
Nuôi đà điểu trên vùng cát trắng
Quảng Bình là địa phương có nhiều vùng đất cát bạc màu, thời tiết khắc nghiệt đặc trưng với khô hạn và nắng nóng.
Biến khó khăn thành lợi thế, một số hộ dân xã Quảng Hưng (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) đã phát triển thành công mô hình trang trại chăn nuôi đà điểu trên vùng đất cát bạc màu.
Mô hình chăn nuôi đà điểu của bà Phạm Thị Liên (Quảng Hưng, Quảng Trạch, Quảng Bình) phù hợp với điều kiện vùng đất cát nóng và cho thu nhập cao. Ảnh: Tá Chuyên - TTXVN.
Theo báo Nông nghiệp Việt Nam, hơn 10 năm nay, gia đình bà Phạm Thị Liên (ở thôn Tú Loan 2, xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình), dần thành công với mô hình chăn nuôi đà điểu sinh sản, thương phẩm trên vùng cát trắng bạc màu.
Theo bà Liên, sau khi khăn gói đi xem trang trại nuôi đà điểu về, bà Liên thuê lại vùng đất cát xa khu dân cư rộng 5ha để gây dựng trang trại.
"Những ngày đầu, chúng tôi tập trung làm đường vào, trồng cây lấy bóng mát, xây dựng chuồng trại để nuôi những cặp giống đà điểu đầu tiên", bà Liên kể lại.
Từ vài cặp giống ban đầu thử nghiệm, bà Liên nhận thấy đà điểu ăn khỏe, lớn nhanh và ít khi bị dịch bệnh. Như vậy là có thể phát triển đàn nuôi nhiều hơn. Dần dần, lượng đà điểu nuôi trong trang trại tăng lên 100 con, rồi 200 con. Ngoài cung cấp đà điểu thương phẩm cho thị trường, bà Liên còn học hỏi và mở hướng nuôi đà điểu sinh sản bán trứng, bán con giống.
Để phát triển mô hình trang trại, bà Liên thành lập Hợp tác xã Chăn nuôi tổng hợp Ngọc Sửu. Trang trại của Hợp tác xã luôn luôn duy trì số lượng 100 con trong chuồng trại và xuất bán ra thị trường mỗi năm trên 1.000 con giống.
Doanh thu 5 tỷ đồng/năm nhờ nuôi đà điểu
Năm 2021, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền các cấp, gia đình bà Phạm Thị Liên mở rộng đầu tư chuồng trại phát triển nuôi chim đà điểu quy mô lớn hơn. Trong đó, trang trại chú trọng nuôi đà điểu sinh sản, cung ứng giống đà điểu chất lượng cho khách hàng có nhu cầu trong nước và xuất sang các nước như Thái Lan, Lào.
Vợ chồng chị Võ Thị Ngọc Lan kiểm tra trứng đà điểu để đưa vào lò ấp. Ảnh: T.P./báo Nông nghiệp Việt Nam.
Luôn lấy chất lượng con giống làm tiêu chí đặt lên hàng đầu, việc ấp trứng và chăm sóc con giống khi mới nở luôn tuân theo quy trình rất nghiêm ngặt.
Theo TTXVN, hiện trang trại chăn nuôi đà điểu của gia đình bà Liên chuyển giao cho vợ chồng con gái là Võ Thị Ngọc Lan kế thừa, quản lý và phát triển lớn hơn, ứng dụng công nghệ cao vào quá trình sản xuất.
Thức ăn của đà điểu chủ yếu là các sản phẩm nông nghiệp như, lúa, ngô và các loại cỏ ngọt được trồng trong trang trại, bèo tây…Ảnh: Tá Chuyên - TTXVN.
Quá trình nuôi, thức ăn của đà điểu chủ yếu là các sản phẩm nông nghiệp như, lúa, ngô và các loại cỏ ngọt được trồng trong trang trại, bèo tây… Tất cả nguồn thức ăn đều được làm sạch, đưa vào máy nghiền thành thức ăn tổng hợp cho đà điểu ăn mỗi ngày.
Chị Võ Thị Ngọc Lan chia sẻ, hiện trang trại có trên 200 con đà điểu bố mẹ. Mỗi năm, trang trại xuất ra thị trường khoảng 2.000 con giống chất lượng, cùng thịt đà điểu thương phẩm và trứng.
Doanh thu mỗi năm của trang trại chăn nuôi chim đà điểu khổng lồ của chị Ngọc Lan đạt trên 5 tỷ đồng. Trang trại tạo việc làm ổn định cho 15 lao động địa phương, mức lương mỗi người từ 5 - 8 triệu đồng/tháng.
Xã Quảng Hưng (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) có phần lớn diện tích là vùng cát trắng bạc màu. Từ sự khuyến khích, động viên của chính quyền địa phương, hiện có nhiều hội viên nông dân mạnh dạn tìm hiểu, đầu tư làm trang trại chăn nuôi đà điểu, lợn, gia cầm…; phát triển mô hình trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp điều kiện vùng đất cát nóng.
Đây là minh chứng cho việc biến khó khăn thành lợi thế, khắc phục và làm chủ thiên nhiên, thời tiết của con người Quảng Bình.