Với số vốn bỏ ra không nhiều, chi phí chăm sóc tiết kiệm nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, mô hình nuôi chim bồ câu đang dần trở nên phổ biến với nhiều hộ nông dân. Hầu hết những hộ nuôi chim bồ câu đều đạt doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Bồ câu Pháp là giống bồ câu thương phẩm năng suất cao, có nguồn gốc từ nước Pháp. Sau thời gian dài lai tạo, các nhà khoa học Pháp đã tạo ra được một giống bồ câu có nhiều ưu điểm như kích thước lớn, sinh trưởng nhanh, sinh sản tốt, khả năng thích ứng cao.
Dù có xuất xứ từ Pháp nhưng loại này rất phù hợp với khí hậu nhiệt đới của Việt Nam. Bồ câu Pháp là giống thịt nổi tiếng, mỗi năm một cặp có thể đẻ từ 8 - 9 lứa, khối lượng chim ra ràng (28 ngày tuổi) đạt 530-580g/con, tỷ lệ sống đạt 94-99%.
Hiện nay, mô hình nuôi chim bồ câu Pháp đang phát triển rất mạnh mẽ và được nhân rộng, với quy trình nuôi đơn giản, không đòi hỏi đầu tư nhiều, nhu cầu thị trường rất lớn, hiệu quả kinh tế từ nuôi chim bồ câu đã được khẳng định, đem lại thu nhập lớn cho bà con nông dân.
Nhận thấy những lợi ích từ mô hình kinh doanh này, nhiều hộ gia đình đã đầu tư tiền bạc và công sức để thu về lợi nhuận cao. Anh Nguyễn Văn Hồ (thôn Đông, xã Duy Phiên, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc) được xem là người tiên phong, mạnh dạn đầu tư nuôi chim bồ câu Pháp tại địa phương. Xuất thân trong gia đình thuần nông, anh Hồ cũng như nhiều hộ dân khác, bao năm chỉ loay hoay với chăn nuôi gà, lợn kết hợp trồng trọt.
Nhận thấy công việc không mang lại nguồn thu nhập tốt, anh Hồ đã tìm hiểu mô hình kinh tế mới cho hiệu quả cao hơn. Năm 2016, từ số vốn tích góp được và vay mượn thêm, anh Hồ đầu tư 300 triệu đồng xây dựng chuồng trại, mua bồ câu Pháp về nuôi.
Lúc đầu, do vốn ít, nên anh chỉ mua được 40 đôi chim giống. Do chưa am hiểu về đặc tính, thức ăn, quá trình sinh trưởng, phòng, chống dịch bệnh của giống bồ câu này, nên việc chăn nuôi của anh Hồ gặp nhiều khó khăn.
Không nản chí, anh Hồ quyết tâm tìm hiểu, điều chỉnh lại quy trình chăn nuôi. Sau 1 năm, số chim giống còn lại của gia đình anh Hồ đã sinh trưởng, phát triển tốt, cho thu nhập cao. Vì vậy, anh quyết định mở rộng quy mô lên 1.000 đôi chim, vừa bán chim thịt vừa bán chim giống. Nhờ vận dụng đúng phương pháp trong chăn nuôi, đến nay, anh Hồ đã xây dựng được 7 khu chuồng nuôi chim bồ câu với tổng đàn trên 2.000 con.
Đối với bồ câu con, anh Hồ bán giá từ 65.000 đồng - 95.000 đồng/con, chim bố mẹ bán giá 500.000 đồng/cặp. Với 1.000 đôi chim bố mẹ, trung bình mỗi tháng, trang trại của anh Hồ cung cấp cho thị trường từ 1.200 - 1.300 con chim thương phẩm. Mô hình kinh tế này đã mang lại cho gia đình anh thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm.
Cũng nhờ nuôi chim bồ câu Pháp, chị Bùi Thị Hà (xã Phượng Nghi, huyện Như Thanh, Thanh Hóa) đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Cách đây 4 năm, sau khi được Hội Nông dân xã Phượng Nghi đưa đi tham quan các mô hình kinh tế cho thu nhập cao, chị Hà nhận thấy việc nuôi chim bồ câu Pháp là mô hình dễ nuôi, ít công chăm sóc. Sau khi tính toán, gia đình chị Hà đã đầu tư xây dựng chuồng trại, mua 150 đôi chim bồ câu Pháp về nuôi.
Theo chị Hà, chim bồ câu Pháp rất dễ nuôi, ít bệnh, hiền lành, hầu như chỉ ở trong chuồng ăn uống. Chị Hà rất chú trọng tới việc vệ sinh chuồng trại để tránh một số bệnh truyền nhiễm và cho ăn đúng giờ giúp chúng sinh trưởng, phát triển tốt. Thức ăn chủ yếu là cám ngô và lúa trộn đều, ăn 2 lần/ngày. Các cặp đang nuôi chim non, cho ăn thêm mỗi ngày 1 lần.
Tại mô hình của gia đình chị Hà, vẫn để chim bồ câu Pháp ấp, nở và nuôi con tự nhiên. Đối với việc nuôi đàn chim bồ câu Pháp, đến nay trang trại của gia đình chị Hà duy trì 150 đôi chim giống. Hàng năm, chị Hà bán ra thị trường gần 1.000 con chim thương phẩm với giá 65.000 đồng/con cho doanh thu lên đến 200 triệu đồng. Ngoài ra, trang trại của chị Hà còn nuôi thêm con dúi, cũng cho doanh thu cao.
Trong khi đó, vợ chồng anh Nguyễn Sỹ Điều và chị Ngô Thị Thương (xã Minh Tân, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng) đã có quyết định táo bạo khi chuyển hướng sang nuôi chim bồ câu Pháp. Trước đây, vợ chồng anh Điều cũng từng đầu tư nuôi lợn, gà rồi vịt nhưng đều không thành công.
Cách đây khoảng 4 năm, anh Điều nhận thấy mô hình nuôi chim bồ câu đang được phát triển, thị trường tiêu thụ rộng lớn, người nuôi cũng chưa nhiều. Vợ chồng anh Điều đã thống nhất chọn hướng mới và chuyển sang nuôi chim bồ câu.
Từ trại nuôi lợn có sẵn trước đó, vợ chồng anh Điều bỏ công đầu tư cải tạo, sửa sang làm lại mới cho phù hợp, mua thêm thép về ngăn thành từng dãy lồng to nhỏ, để lối đi lại chăm sóc chim bồ câu một cách thuận tiện. Sau đó, anh chị quyết đầu tư lớn và đi mua 2.000 cặp chim bồ câu Pháp về nuôi.
Hiện tại, trang trại của gia đình anh Điều đã có 7.000 cặp. Chim con được phân loại thành chim giống và chim thịt trước khi bán. Ở thời điểm hiện tại, chim giống được anh Điều bán với giá khoảng 250.000 đồng/cặp, chim thịt 150.000 đồng/đôi. Mỗi năm, trang trại của anh cung cấp ra thị trường 240.000 con chim, cho doanh thu đạt hàng tỷ đồng.
Như vậy, để thành công từ mô hình chăn nuôi bồ câu Pháp sinh sản, người nông dân cần nắm vững kỹ thuật, phương pháp chọn giống, chuồng trại, chăm sóc và phòng bệnh cho bồ câu. Ngày càng nhiều hộ dân áp dụng mô hình kinh doanh này để thoát nghèo, mang lại thu nhập ổn định.