Nuôi chồn hương không mất nhiều công chăm sóc, chi phí thức ăn ít lại mang hiệu quả kinh tế cao nên được nhiều hộ gia đình lựa chọn làm mô hình nuôi trong những năm gần đây.
Chồn hương hay cầy vòi hương là loài động vật hoang dã, phân bố khá nhiều ở các tỉnh từ miền Trung trở vào phía Nam.
Chồn hương được biết đến là loại động vật ăn tạp, thường ngủ ban ngày và kiếm ăn về đêm. Nguồn thức ăn chủ yếu của chúng là các loại quả như các loại quả như chuối, hồng xiêm, xoài,... và các động vật nhỏ. Chúng sinh sản quanh năm nhưng tập trung chủ yếu vào các tháng 10, 11, 12 hàng năm, mỗi lứa sinh từ 2 - 4 con.
Chồn hương là loài động vật được sử dụng như một loại dược liệu quý hiếm. Ngoài ra, chồn hương còn được biết đến là món đặc sản thơm ngon mà nhiều nhà hàng ưa chuộng. Nhận thấy đây là mô hình có thể nhân rộng để phát triển kinh tế nên nhiều hộ dân đã triển khai nuôi chồn hương và thu lãi tiền tỷ mỗi năm.
Anh Huỳnh Thanh Hùng (xã Tân Thành, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) được biết đến là “lão nông tỷ phú” nhờ nuôi chồn hương. Anh Hùng bén duyên với nghề được 6 năm, từ một cặp chồn giống ban đầu, đến nay anh đã nhân giống thành đàn chồn 200 con, trong đó có hơn 100 con sinh sản mang lại lợi nhuận cao.
Anh Hùng vệ sinh chuồng trại, chăm sóc đàn chồn hương cẩn thận.
Thức ăn của chồn chủ yếu là chuối chín và cá sống. Được biết, anh Hùng chỉ tốn 4.000 đồng/ngày tiền thức ăn cho mỗi con chồn. Chăm sóc tốt, mỗi năm chồn sinh sản 2 lần, mỗi lứa tầm 4 con.
Với kinh nghiệm có được trong quá trình chăn nuôi, anh Hùng đặc biệt coi trọng việc vệ sinh môi trường sống cho vật nuôi, bởi giữ gìn vệ sinh tốt thì việc phòng, ngừa bệnh trên đàn vật nuôi rất hiệu quả.
Chồn giống (60 ngày tuổi) trọng lượng đạt từ 0,6 - 1kg được anh Hùng bán cho khách có nhu cầu nuôi với giá khoảng 12 triệu đồng/cặp. Do nhu cầu nuôi tăng cao, chồn giống không đủ cung cấp ra thị trường nên khách hàng có nhu cầu mua phải đặt hàng trước với anh Hùng.
Anh Hùng rất “mát tay” khi chăm sóc, nuôi chồn hương.
Hiện tại, chồn thịt có giá bán từ 1,2 - 1,4 triệu đồng/kg. Trung bình mỗi năm trang trại chồn hương của anh Hùng cho thu nhập hơn 1 tỉ đồng.
Trong khi đó, chú Hồ Duy Trung (xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) từng được xem là một trong những người đầu tiên nuôi chồn hương tại tỉnh nhà. Chú Trung bắt đầu sự nghiệp nuôi chồn hương từ năm 2007 với một cặp chồn mua được của người dân bẫy về. Sau một thời gian chăm sóc, 2 con chồn hương sinh được 4 con. Đến nay, đàn chồn hương của chú Trung đã tăng lên hàng trăm con, mỗi con đều có mã số trại nuôi đăng ký.
Theo chú Trung, nuôi chồn hương tốn ít công chăm sóc và chi phí rẻ. Mỗi ngày chỉ cần vệ sinh chuồng trại một lần, cho chồn hương ăn 2 trái chuối chín chia làm 2 lần và một lần cho ăn cháo cá hoặc thịt, cá tươi sống. Chi phí thức ăn cho một con chồn hương sẽ chỉ 5.000 đồng/ngày.
Chú Trung đã làm giàu nhờ nuôi chồn hương nhiều nay năm.
Vào năm 2023, gia đình chú Trung từng thu hoạch chồn hương nuôi thương phẩm đạt trọng lượng đạt từ 2,5 - 3,5 kg/con trở lên, có giá 1,6 triệu đồng/kg. Còn với con giống thì sau khi sinh từ 2 - 2,5 tháng sẽ có giá bán khoảng 4 triệu đồng.
Còn với anh Hoàng Văn Vũ (thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh), anh là một trong những nông dân đầu tiên của huyện Cẩm Xuyên khởi xướng nuôi chồn hương sinh sản, bán con giống.
Cách đây gần 10 năm, khi đang làm việc ở Thái Lan, anh Vũ có cơ hội tiếp cận và bắt đầu tìm hiểu về việc nuôi chồn. Tháng 8/2023, anh Vũ đầu tư hơn 700 triệu đồng xây dựng hệ thống chuồng trại và thả nuôi 40 con chồn hương. Mới đây, anh Vũ đã bán 2 cặp chồn hương 45 ngày tuổi với giá 10 triệu đồng/cặp.
Anh Vũ có kế hoạch đầu tư lâu dài, làm giàu nhờ chồn hương.
Theo anh Vũ, chi phí bỏ ra ban đầu lớn nhưng bù lại, quá trình nuôi không tốn kém nhiều. Với 40 con chồn hương sinh sản, tính ra mỗi năm anh Vũ thu lợi nhuận ít nhất 600 triệu đồng. Nhận thấy nuôi chồn hương sinh sản là hướng làm giàu bền vững, anh Vũ dự định sẽ xây dựng thêm khoảng 100 chuồng nuôi để tăng quy mô đàn lên 120 con/lứa.
Có thể nói nuôi chồn hương là một mô hình làm kinh tế không tốn nhiều công sức nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Người dân hoàn toàn có thể nuôi và tranh thủ kết hợp thêm ngoài các công việc khác để tăng thu nhập gia đình.