Từ 1/1/2025, mức xử phạt đối với một số nhóm hành vi vi phạm mang tính cố ý, là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông sẽ tăng gấp nhiều lần so với hiện hành.
Tài xế ô tô vi phạm nồng độ cồn vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt 18-20 triệu đồng thay vì từ 16-18 triệu đồng như trước đây. Ảnh minh họa.
Nghị định số 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, thay thế cho Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/NĐ-CP), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Theo quy định tại nghị định, có 27 hành vi, nhóm hành vi vi phạm của xe ô tô, xe mô tô sẽ bị tăng tiền xử phạt vi phạm hành chính.
Trong đó, có những hành vi tăng mức xử phạt lên hàng chục lần. Điển hình, đối với hành vi mở cửa xe, để cửa xe mở không đảm bảo an toàn gây tai nạn giao thông từ mức 400-600 nghìn đồng (Nghị định 100/2019/NĐ-CP) lên 20-22 triệu đồng (Nghị định 168/2024/NĐ-CP).
Một số hành vi như không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông cũng tăng gấp vài lần từ mức 4-6 triệu đồng lên 18-20 triệu đồng đối với ô tô và mức 800 nghìn đồng - 1 triệu đồng lên 4-6 triệu đồng đối với xe máy.
Chi tiết mức phạt tiền đối với ô tô.
Chi tiết mức phạt tiền đối với xe mô tô.
Lý giải về việc này, Cục CSGT cho biết cần thiết phải tăng mức xử phạt đủ mạnh để bảo đảm tính răn đe đối với một số nhóm hành vi, hành vi vi phạm với lỗi cố ý nguy hiểm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông.
Bên cạnh đó, rất nhiều cá nhân cố tình đi xe không gắn biển số, che dán biển số để thực hiện các hoạt động phạm pháp, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, hoạt động tội phạm, trốn tránh sự quản lý của cơ quan chức năng, trốn tránh phạt “nguội” của hệ thống giám sát, do vậy cần tăng chế tài để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
Cục CSGT đã có chỉ đạo lực lượng CSGT toàn quốc rà soát tuyến nội đô, các ngã tư lớn, các tuyến phức tạp về an toàn giao thông để tập trung xử lý nghiêm vi phạm, ưu tiên sử dụng hệ thống giám sát, camera cầm tay, đeo trên người của cán bộ chiến sĩ để ghi hình tuyên truyền nhắc nhở, xử lý người tham gia giao thông, góp phần tạo dần hình thành thói quen tốt khi tham gia giao thông, xây dựng nền giao thông văn minh, an toàn.