Nhà chức trách đã tìm kiếm nạn nhân trong 3 tháng dài đằng đẵng. Đến khi được tìm thấy, thi thể cô bị bỏ trong một chiếc va li chôn sâu sau vườn nhà.
Banaz Mahmod, cô gái 20 tuổi đã bị hãm hiếp, đánh đập sau đó siết cổ đến chết. Kẻ thủ ác nhúng tay vào lại chính là những người thân trong gia đình nạn nhân. Họ làm vậy đơn giản chỉ vì nạn nhân đã yêu, một tình yêu bị coi là sai trái.
Người phụ trách điều tra vụ án khi ấy là chánh thanh tra Caroline Goode. Trả lời phỏng vấn báo giới, bà Caroline cho biết: "Là một thám tử điều tra các vụ giết người, tôi đã quyết tâm đưa kẻ thủ ác ra trước công lý. Với hầu hết các vụ án giết người, một phần động lực chính là giành lại công lý cho gia đình. Tuy nhiên, trong trường hợp này, tôi lại muốn đòi công bằng cho Banaz bất chấp việc những người trong gia đình là kẻ đã giết cô ấy và họ muốn thủ phạm thoát khỏi những gì chúng đã làm".
Cô gái 20 tuổi Banaz đã phải chịu một cuộc đời khốn khổ.
Lần đầu tiên Caroline, khi ấy là thám tử cấp cao tại Scotland Yard, nghe đến tên Banaz Mahmod vào ngày 25/1/2006 khi bà nhận được một cuộc điện thoại từ người bạn trai tên Rahmat Sulemani, thông báo cô gái trẻ bị mất tích. Bà nhanh chóng nhận ra đây không phải một vụ mất tích bình thường. "Banaz từng đưa ra một vài cáo buộc với cảnh sát, nói rằng bố cô đã cố giết con gái và cả người chú ruột cũng từng đe dọa giết cô", bà Caroline giải thích.
Bi kịch với người chồng không cho phép vợ nói "không"
Banaz sinh ra tại Kurdistan, Iraq nhưng đã chạy trốn chế độ Saddam Hussein, chuyển đến Morden, phía nam London, nước Anh cùng gia đình và xin tị nạn năm 1998, khi cô 13 tuổi.
Lần đầu Banaz được cảnh sát chú ý là vào ngày 10/10/2005 khi cô 19 tuổi. Banaz bước vào đồn cảnh sát Mitcham, nói rằng mình bị người chồng tên Ali Abbas, 34 tuổi lạm dụng. Cuộc hôn này do bố của Banaz, ông Mahmod Mahmod dàn xếp vào năm 2003. Lúc đó cô gái mới 17 tuổi. Sự lạm dụng kinh khủng mà Banaz phải chịu đựng đã được ghi lại trong đoạn video do cảnh sát thực hiện.
Banaz nhiều lần tố cáo tội ác của gia đình nhưng cảnh sát không tin vì không có bằng chứng.
"Anh ta là một người chồng hà khắc. Anh ta không cho phép tôi nói 'không'. Bất cứ khi nào muốn quan hệ, anh ta không cần sự đồng ý mà bắt đầu hãm hiếp tôi. Đó là cách của anh ta. Anh ta nói rằng sẽ giết tôi nếu tôi kể bất cứ điều gì cho ai. Tôi đã không biết liệu điều này có bình thường trong văn hóa của tôi hay ở đây không", Banaz kể trong video.
Sau 2 năm, Banaz không thể chịu đựng thêm được nữa và đã rời bỏ Abbas, trở về nhà bố mẹ đẻ, nói với họ rằng cô muốn ly hôn. Từ đó, Banaz nhận ra mình bị những người đàn ông theo dõi mỗi khi rời khỏi nhà nên cô đã đến gặp cảnh sát. Người ta không xác định được những gã đàn ông ấy là ai nhưng Banaz chắc chắn sống trong sợ hãi, đặc biệt là sau khi bố và em trai ông, Ari, thì thầm với nhau về việc Banaz bắt đầu bí mật hẹn hò với chàng trai người Kurd cũng đến từ Iran, Rahmat Sulemani.
Cặp đôi hoàn toàn hiểu được là không ai trong gia đình Banaz hay cộng đồng của họ chấp nhận, tha thứ cho mối quan hệ của họ bởi về mặt pháp lý thì Banaz vẫn đang kết hôn và bị xem là ngoại tình công khai.
Khi một người anh họ của Banaz phát hiện ra cô và Rahmat hôn nhau bên ngoài nhà ga Morden Tube ngày 2/12/2005, chú cô là ông Ari đã nhanh chóng nhận được thông tin. Ari đã triệu tập một cuộc họp gồm các thành viên nam trong gia đình. Họ cùng thống nhất là Banaz và Rahmat đang mang lại sự xấu hổ cho gia đình và phải bị tiêu diệt.
Anh Rahmat Sulemani, bạn trai của Banaz.
Mẹ Banaz, bà Behya đã được thông báo về quyết định này và bí mật nói cho con gái vì thương xót con. Cuối cùng, Banaz lại tìm đến cảnh sát kèm theo một lá thư. Lá thư đề ngày 12/12/2005 đã nêu tên những người đàn ông muốn cô chết là Mohamed Hama cùng những người anh họ của cô, Mohammed Ali và Omar Hussain. "Họ sẵn sàng giết tôi và bạn trai tôi. Điều này do chú tôi, Ari Mahmod nói ra khi gọi cho mẹ tôi vào ngày 2/12/2005", lá thư có đoạn viết.
Cái chết đau đớn và tủi nhục
Vào đêm giao thừa, ông Mahmod nói với con gái mình rằng họ sẽ đến nhà bà cô ở Wimbledon để thảo luận chuyện ly hôn của cô với Abbas. Mahmod bảo con gái mang theo một chiếc vali lớn, trống không từ xe vào trong phòng khách khi họ tới nơi. Sau đó, ông ta ép Banaz uống rượu mạnh. Khi đã ép rượu con gái xong, ông ta bảo cô ngồi xuống bởi cô sẽ sớm cảm thấy buồn ngủ.
Quá hoảng sợ, Banaz vâng lời bố nhưng biết mình cần phải bỏ trốn. Khi Mahmod rời khỏi phòng, Banaz chạy ra sau vườn, đập cửa sổ nhà hàng xóm để cầu cứu. Khi không có ai đến, cô lao ra đường và ngã ngục, chảy máu bên ngoài một quán cà phê. Ở đó, một chiếc xe cứu thương vô tình đậu sẵn. Các nhân viên y tế có mặt lúc ấy mô tả Banaz rất sợ hãi, không rời xe cứu thương cho tới khi một nhân viên an ninh tới. Nhưng khi cảnh sát đến bệnh viện, câu chuyện của cô lại bị bác bỏ vì quá khó tin.
Ông Mahmod Mahmod là một trong những người tham gia kế hoạch giết con gái.
Bạn trai Banaz, Rahmat đã đến đón cô. Cả hai trở về nhà anh. Họ ở đó cho tới khi ông Mahmod cầu xin con gái về nhà, thuyết phục rằng cô giờ sẽ được an toàn.
"Khi cô ấy rời bệnh viện sau cuộc tấn công vào đêm giao thừa, cô ấy nói với các y tá là gia đình sẽ giết cô nếu cô ấy trở về nhà. Nhưng gia đình lại hứa rằng sẽ không có chuyện gì xảy ra với cô ấy và Banaz thực sự muốn tin điều đó. Cô yêu họ và không muốn xa lánh làm họ xấu hổ thêm", thanh tra Caroline nói.
Sau khi trở về nhà vào sáng ngày 24/1/2006, Banaz bị cưỡng hiếp, đánh đập và siết cổ đến chết trong phòng khách của chính gia đình. Những người anh họ đã giữ chặt cô để cho Mohamed Hama, một kẻ được thuê đến thực hiện tội ác. Khi bi kịch kéo dài 2 tiếng rưỡi kết thúc, thi thể Banaz bị nhét vào vali, kéo ra cốp xe rồi đem chôn.
Chiếc vali tố cáo tội ác
Trong quá trình điều tra, nhóm của Caroline liên tục bị các thành viên cộng đồng người Kurd nói dối. "Trong vụ của Banaz, ít nhất 50 thành viên cộng đồng có liên quan tới vụ giết người, từ lên kế hoạch, sát hại, vứt xác đến cung cấp bằng chứng giả để cản trở cuộc điều tra", Caroline tiết lộ.
Chiếc vali chứa thi thể của Banaz bị chôn kỹ sau vườn.
Do bị cản trở bởi thông tin sai lệch mà các nhà điều tra đã lãng phí nhiều tuần và họ không thể tìm thấy Banaz. Họ đã bắt giam và buộc tội Mohamed Hama đe dọa Rahmat 2 ngày trước khi Banaz bị giết.
Khi Hama bị giam chờ ngày ra hầu tòa, những cuộc điện thoại của anh ta đã được ghi âm. Sự thật dần được hé lộ. Anh ta nói chuyện với một người Kurd sống ở Birmingham. Họ nói về việc cảnh sát quá ngu ngốc khi tìm cái xác và Hama hỏi người đàn ông đó là ông ta có đặt cái tủ đông trở lại trên sân không.
Thanh tra Caroline nhận ra trong một đoạn video giám sát từ Birmingham, một tủ đông được nhìn thấy rõ ràng ở sau vườn một ngôi nhà. Ở đó, dưới hố sâu 1,8m, cảnh sát đã tìm thấy chiếc vali chứa thi thể Banaz.
Thanh tra Caroline, người tìm lại công lý cho cô gái đã khuất.
Cả bố của Banaz, Mahmod Mahmod và người chú Ari Mahmod đều không nhận tội tại phiên tòa ở Old Bailey vào tháng 6/2007. Ngày 11/6/2007, họ bị kết tội giết người, Mahmod Mahmod bị kết án tù ít nhất 20 năm, Ari Mahmod ít nhất 23 năm. Hama đã nhận tội trong phiên điều trần trước đó và bị kết án 17 năm tù.
Bạn trai Banaz đã đưa ra bằng chứng hai lần trong suốt phiên tòa và phải nghe những chi tiết khủng khiếp trong vụ giết người, trong đó có chi tiết Mohamed Hama đã mất hơn nửa tiếng để siết cổ Banaz bằng dây giày. Năm 2016, 10 năm sau cái chết của Banaz, anh Rahmat được phát hiện treo cổ tại nhà riêng ở Poole, Dorset. Anh ấy không bao giờ vượt qua được nỗi ám ảnh kinh hoàng về cái chết của bạn gái.
Hai người anh họ của Banaz là Ali (trái) và Hussain (phải) đã bị kết án tử hình.
Mẹ của Banaz đã không ra tòa làm chứng. Các nhân viên điều tra tin rằng bà ấy có thể làm nhiều hơn để giúp con gái mình. Thanh tra Caroline cho biết mẹ Banaz còn đưa ra bằng chứng ngoại phạm giả cho chồng mình.
Những người anh họ của Banaz, Ali và Hussain đã trốn khỏi Anh sang Iraq ngay sau vụ giết người. Ở đó, họ tiếp tục khoe mẽ công khai về tội ác của mình. Sau những nỗ lực không ngừng từ thanh tra Caroline, cuối cùng, hai người đàn ông này đã bị dẫn độ từ Iraq về Anh và vào năm 2010, họ bị kết án tù chung thân.