Tòa nhà chủ yếu được làm từ đá Ninh Vân, trong khuôn viên rộng 3.300 m2, cạnh đường lớn dẫn vào trung tâm du lịch Tam Cốc - Bích Động (Ninh Bình). Đây được xem là công trình nhà bằng đá lớn nhất ở Việt Nam.
Tại xã Ninh Thắng (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình), ngôi nhà bằng đá độc đáo như một tòa lâu đài nguy nga thu hút sự hiếu kỳ của người dân và du khách. Tòa nhà này gồm 4 tầng, được xây dựng trên mảnh đất có diện tích 3.300m2 với mặt bằng rộng 450m2, cao 27m. Nguyên liệu chủ yếu được xây từ đá xanh Ninh Vân, ngoài ra một số chi tiết sử dụng đá trắng ở miền Trung và Tây Nguyên.
Tòa nhà làm bằng đá độc đáo tại Ninh Bình
Tòa lâu đài được thiết kế mang nét cổ điển pha lẫn hiện đại, nhìn từ bên ngoài chủ yếu thấy màu xám bạc chủ đạo. Ngôi nhà này thuộc sở hữu của ông Lương Văn Quang (51 tuổi). Gia đình ông Quang có 12 đời làm nghề chế tác đá, bản thân ông có hơn 40 năm kinh nghiệm trong nghề này. Ban đầu ông Quang thuê nhiều kiến trúc sư thiết kế tòa nhà, nhưng không có bản vẽ nào đáp ứng tiêu chí nên quyết định tự vẽ theo kinh nghiệm, sự sáng tạo của bản thân, cùng những nghệ nhân lành nghề ở làng đá truyền thống Ninh Vân.
Để hoàn thiện tòa nhà, phải cần 1.000 m3 đá, tương đương 3.000 tấn đá. Công trình thi công từ năm 2006 đến năm 2020 mới hoàn thiện cơ bản, tức mất 14 năm. Trung bình lúc nào cũng có 20 - 30 người thợ làm việc, thời điểm cao nhất lên đến 100 người.
Hình ảnh về tổng thể tòa nhà gồm 4 tầng, kể cả tháp chuông được làm gần như hoàn toàn bằng đá Ninh Vân
Công trình có kiến trúc nghệ thuận điêu khắc độc đáo, thể hiện bàn tay tài hoa của những nghệ nhân làng điêu khắc đá truyền thống nổi tiếng Ninh Vân
Tầng 1 của toà nhà là tầng hầm, diện tích 410m2, cao 2,65 m, âm sâu dưới đất 1m. Tầng 2 có diện tích 410m2, cao 5m. Tường bao quanh tầng 2 là sự kết hợp giữa 21 cột đá và vách cách bưng đá gồm 20 tấm đá. Cột đá có đường kính 0,5 m, cao 4,6 m.
Mỗi tấm đá có diện tích 5,5m2, dày 0,35 m, cao 4,6 m, rộng 1,2 m. Bốn mặt tường có 18 cửa sổ, phào cửa sổ làm bằng đá trắng, các song cửa sổ cũng làm bằng đá trắng, tạo ra sự thông thoáng của tường vách và có tác dụng như những cột đỡ cho phần kết cấu trên.
Tầng 3 của tòa nhà có kiến trúc gồm 4 cột đá lớn nguyên khối cao 3,8 m, đường kính 0,9 m nằm 4 góc sát tường bao tầng. Và cao nhất tầng 4 là nơi thi công vất vả nhất vì phải xây dựng ở độ cao trên 12m, dùng cần cẩu cỡ lớn để chuyển nguyên vật liệu lên cao. Đây là tầng có cao nhất với 14m, tính đến đỉnh tháp khánh đá, tạo cho toà nhà có độ cao 27m, chưa kể tháp chuông.
Không gian bên trong ngôi nhà bài trí nhiều món đồ cổ, tranh tường mang những nét văn hóa truyền thống dân tộc
8 vòm có 8 vòng tròn, trên đó vẽ các họa tiết hoa văn về lịch sử của Việt Nam từ thời Đông Sơn đến thời Nguyễn
Đầu 4 cột đá tròn được làm các dầm bằng đá cong gần như bán nguyệt tạo thành 8 vòm trần có 8 vòng tròn
Bên trong nhà có nhiều chi tiết được thiết kế mang đậm nét truyền thống dân tộc như: hình tượng văn hóa trống đồng, chim lạc; hình tượng vua Đinh Bộ Lĩnh cưỡi trâu, phất cờ lau tập trận, dấy binh khởi nghĩa dẹp loạn 12 sứ quân... Xung quanh nhà có các tiểu cảnh, vườn cây, hồ cá Koi...
Gia đình ông Quang sinh hoạt ở tầng 2 của tòa nhà, còn tầng hầm và những tầng khác để trưng bày các tác phẩm nghệ thuật, trao đổi đồ kim hoàn, mỹ nghệ đá.
Ngôi nhà vừa là nơi sinh hoạt, vừa làm địa điểm đón khách tham quan
Tòa nhà mở cửa phục vụ khách tham quan từ nhiều nơi đến Ninh Bình vào năm 2020 nhưng sau đó vì dịch phải đóng cửa. Gia đình ông Quang đang tiếp tục hoàn thiện một số hạng mục để dự kiến mở cửa trở lại vào năm 2025.
Trong một nhận xét về toà lâu đài đặc biệt này, nhà sử học Lê Văn Lan bày tỏ: "Tôi có thể đặt cho tòa nhà này 3 chữ kỳ: "Kỳ công - Kỳ Vỹ - Kỳ Tích". Phải nói rằng, công trình này như một di sản vô giá để lại cho đời sau. Tôi mong muốn đây sẽ trở thành một bảo tàng lịch sử để giới thiệu cho thế hệ trẻ và du khách nước ngoài về lịch sử Việt Nam, hiểu rõ hơn về mảnh đất, con người "dòng giống Tiên - Rồng".