“Chó là bạn, không phải thức ăn cho người”

Ngày 15/04/2015 21:04 PM (GMT+7)

“Những chú chó bị nhốt vào lồng, nhìn đồng loại bị đập chết ngay trước mắt...Thật đau xót”, đại diện Liên minh Bảo vệ chó Châu Á bày tỏ.

Ngày 14.4, Liên minh Bảo vệ chó châu Á (ACPA) đã phát động chiến dịch “Về đi Vàng ơi” tại TP Hồ Chí Minh nhằm nâng cao sự đồng cảm đối với loài chó và kêu gọi chấm dứt nạn trộm cắp chó cũng như buôn lậu, giết mổ và tiêu thụ thịt chó ở Việt Nam.

 “Chó là bạn, không phải thức ăn cho người” - 1

Thịt chó là món ăn phổ biến ở Việt Nam. (Ảnh Minh Hoàn)

Chiến dịch này đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng với hy vọng sẽ thu thập được 1 triệu chữ kí trình cơ quan chức năng, kêu gọi việc ban hành quy định về Phúc lợi động vật, để bảo vệ loài chó khỏi nguy cơ bị bắt trộm, hành hạ và giết thịt dã man.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên có cuộc trao đổi với ông Lê Đức Chính, Điều phối viên Liên minh Bảo vệ chó châu Á.

Thưa ông, vừa qua Liên minh Bảo vệ chó Châu Á kêu gọi “không giết mổ, tiêu thụ thịt chó tại Việt Nam”. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, chó cũng giống như các loài động vật khác như bò, lợn, gà… việc ăn thịt chó không đáng lên án. Hơn nữa, ăn thịt chó cũng là một nét văn hóa đặc trưng của người Việt. Ông nghĩ sao về nhận định này?

Từ xưa, chó đã được nuôi dưỡng không phải để làm thức ăn cho con người. Lợn, bò, gà... được nuôi dưỡng trong các trang trại để cung cấp thức ăn cho con người.

 “Chó là bạn, không phải thức ăn cho người” - 2

Ông Lê Đức Chính, Điều phối viên Liên minh Bảo vệ chó châu Á

Trong khi đó, chó là bạn, được coi như một thành viên trong gia đình, người bạn đồng hành, giúp đỡ con người. Nhiều người tàn tật, người mù được hỗ trợ bởi những chú chó thông minh. Tai nạn, động đất, chó cứu người, trong khi các động vật khác không làm được điều này.

Bên cạnh đó, nạn buôn bán,vận chuyển giết mổ thịt chó đều mang lại một mối nguy hại cho sức khỏe của con người.

Chúng tôi không khuyến khích ăn thịt chó nhưng chúng tôi hiểu đó là một phần văn hóa của người Việt.

Do đó, chúng ta cũng nên đặt ra câu hỏi cho chính mình: Có nên ăn thịt chó không, khi món ăn này không chỉ gây ra đau đớn với một loài vật thông minh gần gũi với con người, mà còn khiến người ăn gặp nhiều nguy cơ về sức khỏe.

Nếu nói, ăn thịt chó là nét văn hóa nhưng thực tế các tất cả các công đoạn của ngành kinh doanh thịt chó đều rất tàn bạo. Vậy liệu có nên ăn thịt chó không, khi mà món ăn này không chỉ gây ra đau đớn mà còn khiến người ăn gặp nhiều nguy cơ về sức khỏe?

Nhưng nhiều người bày tỏ: “Nuôi chó để ăn thịt chứ không phải nuôi chó vì mục đích làm bạn. Do đó, nói “chó là bạn, không phải thức ăn cho người” có trái với văn hóa của người Việt?

Chó là con vật gắn liền với đời sống của người dân Việt Nam, là người bạn thân thiết và trung thành của con người. Giết chó, ăn trộm chó gây ra nỗi bất hạnh cho người chủ bị mất chó.

Tôi đã từng xem cảnh những chú chó bị nhồi nhét trong những chiếc lồng sắt chật hẹp, bị vận chuyển qua nhiều điểm tập kết. Nhiều chú chó đã bị chết do đói khát, sốc nhiệt trước khi đến các lò mổ và các quán ăn. Chó sống hay chết vẫn bị nhốt chung với nhau trong suốt hành trình. Những con còn sống sót bị giết thịt dã man.

Chó không chỉ là loài vật trung thành mà còn như người bạn, người thân của mọi gia đình. Chó rất cần được yêu thương và đối xử tốt.

Theo thống kê của Liên minh Bảo vệ chó châu Á, mỗi năm tại Việt Nam, có khoảng 5 triệu con chó bị giết. Vậy, ông có nhận định gì về con số này so với một số nước trên thế giới?

Hiện nay chỉ có một số nước còn ăn thịt chó, chủ yếu ở Châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam, Philipines, Indonesia… Ở Việt Nam mỗi năm tiêu thụ 5 triệu con chó, đứng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc.

Rất nhiều cuộc điều tra trên toàn châu Á đã chứng minh, tất cả các khâu trong chuỗi buôn bán cung ứng thịt chó từ khai thác, vận chuyển, phân phối, đến giết thịt đều vô cùng tàn bạo.

Hành trình buôn bán chó từ Thái Lan về Việt Nam kéo dài từ 3- 4 ngày. Hàng chục con chó bị nhốt chật cứng chen chúc, thậm chí chồng lên nhau trong một cái cũi chật hẹp (chỉ tầm 60 x 100 cm). Trong suốt quá trình ấy chúng thậm chí không được cho ăn và uống nước đầy đủ. Nóng nắng, chật chội, và bệnh dịch... khiến nhiều con chó đã chết trên đường vận chuyển.

Liên minh Bảo vệ chó châu Á cũng phản đối mạnh mẽ nạn trộm chó. Đây là hành vi trái pháp luật không những ảnh hưởng đến loài chó mà ảnh hưởng rất lớn đến con người đặc biệt là mặt tình cảm.

Cách giết chó cũng rất phi nhân đạo. Những chú chó bị nhốt vào lồng, nhìn đồng loại của mình bị đập chết ngay trước mắt... Thật đau xót. Trong khi đó, chúng là loài động vật cực kì thông minh.

Qua nghiên cứu, ông thấy một số nước trên thế giới ứng xử thế nào với động vật nói chung và chó nói riêng?

Rất nhiều nước trên thế giới đã ban hành các quy định về bảo vệ động vật nói chung và các loài vật nuôi trong đó có loài chó nói riêng.

Trong khi đó, tại Hàn Quốc quy định hành vi buôn bán, giết mổ thịt chó là bất hợp pháp. Luật Bảo vệ Động vật năm 2007 của Hàn Quốc nhấn mạnh: “Hành vi giết hại động vật tàn bạo như treo cổ, hoặc giết thịt nơi công cộng, trước mặt các đồng loại của con vật đều bị nghiêm cấm”.

Như ông nói, hiện tại Việt Nam chưa ban hành quy định bảo vệ động vật nuôi vì lý do nhân đạo. Vậy, ông có kiến nghị gì cho pháp luật Việt Nam?

Việt Nam tuy đã có luật bảo vệ động vật hoang dã, thú quý hiếm, nhưng việc thực thi còn rất hạn chế, chưa đủ sức răn đe. Đặc biệt, quy định pháp luật để bảo vệ cho vật nuôi Việt Nam còn thờ ơ hơn.

Hiện chỉ mới có một số văn bản quy định nhằm vào mục đích đảm bảo vệ sinh-an toàn thực phẩm, tránh ô nhiễm môi trường, chứ hoàn toàn chưa có những văn bản pháp quy về bảo vệ động vật theo nghĩa quyền và phúc lợi cho các loài động vật.

Đây cũng là một trong những lỗ hổng không nhỏ trong hệ thống luật pháp ở nước ta hiện nay. Chúng tôi kiến nghị Chính phủ Việt Nam sớm ban hành các quy định đầy đủ về Phúc lợi động vật.

Hiện tại Liên minh Bảo vệ Chó Châu Á (ACPA) đang phát động chiến dịch “Về đi Vàng ơi” để kêu gọi cộng đồng cùng chung tay chấm dứt nạn đánh cắp, buôn lậu chó, giết mổ lấy thịt và đối xử tàn nhẫn với loài chó ở Việt Nam.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Diệu Thu
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan