Luật sư Diệp Năng Bình cho rằng, người chồng đòi 12 triệu đồng tiền ăn của vợ sau khi ly hôn là không đúng về đạo đức và quy định pháp luật.
Mới đây, mạng xã hội Facebook xôn xao về vụ người chồng tính toán chi li, “đo lọ mắm đếm củ dưa hành” với người vợ vừa ly hôn. Anh chồng đã yêu cầu người này vợ phải trả 42 triệu để lấy lại đồ cá nhân, giấy tờ tùy thân.
Được biết cô vợ tên là P.T.H (31 tuổi, quê huyện Kiến Xương, Thái Bình) và chồng là anh Đ.N.H (32 tuổi, quê tại Kiến Xương, Thái Bình).
Lời kể của người vợ về anh chồng "đo lọ mắm, đếm củ dưa hành" khiến cộng đồng mạng xôn xao
Cụ thể, theo lời kể của người vợ thì cặp đôi này mới tổ chức đám cưới được 14 tháng, người vợ làm giáo viên trong khi chồng là công nhân. Tuy nhiên, hạnh phúc chưa được bao lâu thì cặp đôi đã xảy ra xung đột dẫn tới ly hôn.
Sau khi ly hôn, người chồng bắt vợ phải trả lại hơn 42 triệu đồng, bao gồm 12 triệu tiền ăn hàng tháng (tính từ thời điểm cô về làm dâu), tiền đưa vợ đi chưa bệnh... Thậm chí, người chồng còn giữ lại giấy tờ tùy thân của vợ đến bao giờ trả đủ tiền mới đưa.
42 triệu đồng không phải là số tiền nhỏ nên người vợ khó lòng gom góp được trong một thời gian ngắn. Vì vậy, cô đã ngỏ ý với chồng trả trước một khoản tiền để lấy giấy tờ tùy thân nhưng không được.
“Nếu cô không trả hết cô sẽ không lấy được một cái gì. Tôi nghĩ cô sẽ cần đống giấy tờ quan trọng của cô hơn đấy”, người chồng nhắn tin cho vợ.
Cuối cùng, người vợ cũng trả đủ tiền cho chồng cũ và được giải thoát khỏi anh ta. Thế nhưng, mọi việc vẫn chưa dừng lại ở đó.
Tới lúc vợ thu dọn đồ đạc, anh chồng còn dặn bố mẹ anh ta đứng trông vì lo sợ cô sẽ lấy gì của nhà anh. Chiếc xe điện cô mang về cho mẹ chồng, lúc đi dắt xe ra anh chồng còn bảo “xe này anh thay bình nên tháo nốt bình điện ra trả”. Do đó, người vợ đã phải dắt bộ xe rời khỏi căn nhà đó.
Vụ việc này ngay lập tức đã nhận được sự bàn luận không ngớt của cộng đồng mạng. Nhiều quan điểm đã phê phán cách hành xử của anh chồng.
Có ý kiến còn cho rằng việc anh chồng yêu cầu người vợ đã ly hôn phải đưa tiền ăn uống, tiền học và tiền khám chữa bệnh thì mới cho người vợ mang theo giấy tờ tùy thân như sổ bảo hiểm xã hội, hợp đồng lao động, bằng đại học... là điều vô lý và không đúng quy định của pháp luật.
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP HCM)
Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng, nếu câu chuyện này là sự thật thì cách hành xử của anh chồng không chỉ thiếu tính nhân văn và còn không đúng quy định của pháp luật.
Luật sư Bình phân tích, Khoản 3 Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình quy định nguyên tắc xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; các thành viên gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; không phân biệt đối xử giữa các con.
"Đồng thời pháp luật cũng quy định vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp, Luật này và các luật khác có liên quan. Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình. Chính vì vậy, người chồng đòi tiền vợ khi đưa vợ đi khám chữa bệnh là không đúng về thuần phong mỹ tục và quy định của pháp luật", luật sư Bình nêu quan điểm.
Theo luật sư Bình, ở câu chuyện này còn có tình tiết anh chồng giữ lại giấy tờ tùy thân như bằng đại học, sổ bảo hiểm xã hội, hợp đồng lao động… của người vợ và yêu cầu người vợ phải đưa số tiền (hơn 42 triệu) như đã nói ở trên thì mới trả giấy tờ cho người vợ. Điều này có thể có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
“Những yêu cầu của người chồng đưa ra là không chính đáng, nếu xét thấy có dấu hiệu của việc uy hiếp, bắt buộc người vợ phải đưa tiền mới trả những giấy tờ tùy thân cho người vợ thì hoàn toàn có thể bị điều tra về tội Cưỡng đoạt tài sản được quy định tại điều 170 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017”, luật sư Diệp Năng Bình nói.