Dù không phải là cuộc ly hôn có tranh chấp tài sản lớn nhất nhưng cuộc ly hôn của vợ chồng ông Lê Quang Tiến vào năm 2006 lại là cuộc ly hôn đắt giá nhất trên thị trường
Cuối tháng 12/2006, TAND quận Ba Đình (TP.Hà Nội) nhận được đơn xin ly hôn của ông Lê Quang Tiến (khi ấy là Phó Chủ tịch kiêm Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT).
Sau hai lần hòa giải không thành, cả hai thuận tình ly hôn. Cặp vợ chồng tỷ phú này không yêu cầu chia tài sản mà tự thỏa thuận. Ông Tiến "tự nguyện để lại căn nhà cho hai mẹ con và chuyển đi chỗ khác".
Cựu Phó chủ tịch Tập đoàn FPT Lê Quang Tiến.
Ngày 9/2/2007, Tòa ra quyết định thuận tình ly hôn cho họ. Sau Quyết định ly hôn của TAND quận Ba Đình, ông Lê Quang Tiến đã chuyển hơn 1,8 triệu cổ phiếu của tập đoàn FPT (trong tổng số 3.709.630) cho vợ cũ là bà Lê Thị Hồng Hải.
Câu chuyện ly hôn của vợ chồng đại gia Lê Quang Tiến nhận được dư luận quan tâm không chỉ là vì số tiền rất lớn mà còn trong cách hành xử của ông Tiến được xem là "chơi đẹp" với vợ cũ.
Bên cạnh đó, dù không phải là cuộc ly hôn có tranh chấp tài sản lớn nhất nhưng cuộc ly hôn của vợ chồng cựu Phó Chủ tịch FPT lại là cuộc ly hôn đắt giá nhất trên thị trường chứng khoán Việt thời điểm đó.
Với trên 1,8 triệu cổ phiếu nhận được giá trị lên tới gần 1.000 tỷ đồng, bà Hải lập tức gia nhập nhóm đại gia nghìn tỷ trên thị trường chứng khoán.
Sự việc trên thu hút sự chú ý của dư luận còn vì những vấn đề liên quan đến việc vợ cũ ông Tiến sẽ sở hữu gần 2 triệu cổ phiếu của FPT. Với số cổ phiếu này, việc bà Hải quyết định giữ nguyên hay bán ra khi đó sẽ tác động không nhỏ đến thị trường cổ phiếu của FPT.
Theo các chuyên gia chứng khoán, do nhiều quy định về điều lệ công ty và pháp luật về chứng khoán, bà Hải không thể bán hết số cổ phiếu đó để gom về 1.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, việc chia đôi tài sản cổ phiếu của ông Tiến mà không có bất cứ sự tranh chấp nào là điều hiếm có và được xem là cuộc ly hôn "sòng phẳng" từ trước đến nay trong giới đại gia.
Liên quan đến sự việc này, phía FPT không có một thông báo chính thức nào từ phía lãnh đạo. Người phụ trách truyền thông của FPT cho hay đây là việc riêng của cá nhân ông Tiến nên Công ty không có quyền can thiệp.