Chuẩn thi đua được xem là đòn bẩy thúc đẩy giáo viên thi đua, hoàn thành nhiệm vụ nhưng Trường THPT Tân Phong (quận 7, TP HCM) vẽ ra nhiều tiêu chuẩn thi đua vô lý, làm khó giáo viên.
Nhiều giáo viên Trường THPT Tân Phong phản ánh việc ban giám hiệu nhà trường đặt nhiều tiêu chí thi đua thiếu hợp lý, gây bức xúc trong đội ngũ sư phạm của trường.
Lấy học lực học sinh xếp thi đua giáo viên
Một giáo viên tại trường cho biết mọi năm, tiêu chuẩn đánh giá thi đua đối với cán bộ, giáo viên rất đơn giản chứ không bày vẽ, cầu kỳ như năm học này. Chẳng hạn, mọi năm chỉ có danh hiệu lao động tiên tiến nhưng năm nay lao động tiên tiến phân thành 2 loại A và B để có mức chia thưởng khác nhau. “Hầu như không có trường học nào áp dụng quy định này” - giáo viên này nói.
Trong khi đó, đối với loại D - nặng nhất trong đánh giá, xếp loại giáo viên - thì cũng “đẻ” thêm ra những chi tiết rất vô lý. Đối với giáo viên, bị xếp loại D là rất nặng nề, bao gồm các lỗi vi phạm về đạo đức, lối sống, gây mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ, có những sai sót nghiêm trọng… Những giáo viên xếp loại này thường phải chuyển hồ sơ về Sở Giáo dục và Đào tạo để nhận hình thức kỷ luật. Thế nhưng, trường lại tự đề ra những quy định hết sức vô lý như hiệu quả giảng dạy thấp (gồm trung bình môn dưới 60%, kết quả thi học kỳ thấp hơn bình quân các khối lớp đã dạy trên 20%).
Học sinh Trường THPT Tân Phong quận 7, TP HCM
Ngoài ra, trường còn quy định giáo viên vi phạm về ngày giờ công như 2 lần nghỉ không phép, đi trễ về sớm từ 5 lần trở lên cũng bị xếp loại D. “Tại sao lại lấy kết quả học tập của học sinh để quy ra đánh giá thi đua giáo viên” - một giáo viên khác bức xúc.
Các giáo viên cho rằng nặng nhất trong những tiêu chuẩn đánh giá thi đua này là quy trách nhiệm về giáo viên chủ nhiệm. Nếu lớp nào cuối học kỳ, cuối năm có học lực kém, hạnh kiểm kém thì giáo viên chủ nhiệm cũng bị hạ thi đua theo. Không những thế, nếu giáo viên không kiêm nhiệm, không có đóng góp nổi bật cũng bị quy trách nhiệm và xếp loại.
Lao động nặng nhọc để bù dạy thiếu tiết
Việc tính hiệu suất giảng dạy cũng bất hợp lý ở chỗ: nếu hiệu suất giảng dạy lớn hơn 10% thì cộng 1 điểm thi đua nhưng thấp hơn 10% thì bị trừ 2 điểm.
“Tại sao cùng một định mức, điểm cộng và điểm trừ lại chênh lệch như vậy. Hơn nữa, do giáo viên một số tổ bộ môn thừa trong khi học sinh ít nên phải chia đều số tiết dạy thì sẽ có một số giáo viên không đủ định mức giảng dạy là 17 tiết/tuần. Nhưng giáo viên nào chưa đủ định mức thì lập tức bị bắt đi làm việc khác như lao động trong trường, trực giám thị, trực thư viện… Thừa giáo viên là lỗi của nhà trường, đâu phải lỗi của chúng tôi mà quy đổi rồi phạt như thế” - một giáo viên đặt vấn đề.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Tiến, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Phong, cho biết tiêu chuẩn đánh giá thi đua trên do ban giám hiệu đã thống nhất trong nhiều năm qua và còn phải đóng góp, lấy ý kiến trước khi thực hiện. “Tất nhiên khi đánh giá, chúng tôi xem xét từng trường hợp chứ đâu theo đúng quy định mà làm. Chuyện lấy kết quả học tập của học sinh để đánh giá giáo viên là đúng vì chỉ có như thế mới khiến giáo viên sâu sát và quản lý lớp học tốt hơn. Học sinh của trường rải đều ở 12 quận - huyện và năng lực không phải giỏi giang gì, nếu giáo viên lơ là thì các em rất dễ mất tổ chức. Còn chuyện tính hiệu suất giảng dạy, chúng tôi sẽ xem lại và điều chỉnh” - ông Tiến nói.
Ông Tiến cho rằng sở dĩ có chuyện giáo viên không đủ định mức tiết dạy là vì vừa qua, trường chỉ tuyển được 13/15 lớp 10 nên số giáo viên xin tuyển ban đầu thì đủ nhưng sau dư thừa do học sinh ít. Giáo viên nào dạy ít thì trường bố trí làm thêm một số việc khác để cân bằng với đồng nghiệp chứ không có chuyện bắt người này làm, người kia không. “Chúng tôi sẽ họp hội đồng sư phạm, tiêu chí nào giáo viên than quá thì bỏ nhưng không phải bỏ tất cả vì suy cho cùng phải nghiêm khắc để giữ nền nếp, kỷ cương trong trường” - ông Tiến khẳng định.