'Cuộc đua' của phụ huynh đưa con đi thi đại học

Ngày 03/07/2014 17:08 PM (GMT+7)

Đại học là ngưỡng cửa quan trọng của học sinh và cũng chính là nguyên nhân tạo nên bi kịch của nhiều gia đình.

Từ trước đến nay, với nhiều bậc phụ huynh, việc nuôi con ăn học đồng nghĩa với việc mong muốn sẽ đậu vào một trường đại học để làm rạng rỡ công danh cho gia đình, đồng thời sẽ là “lá bài” tốt đẹp cho tương lai. Cũng vì điều này, áp lực mỗi kỳ thi đại học không chỉ đè nặng lên các thí sinh mà ngay cả người thân cũng cùng cảnh ngộ. Điều đáng nói, không ít học sinh phải nhập viện, thậm chí nhiều trường hợp không chịu đựng nỗi áp lực của kì thi đại học đã tìm đến cái chết để “giải thoát”.

Kì 1: Hàng nghìn lý do áp lực thi đại học

Trao đổi với chúng tôi, chị Trương Hoàng Thảo Trang (54 tuổi, phường Phước Long A, quận 9) cho biết, con gái suốt 12 năm liền là học sinh giỏi và năm cuối cấp nằm trong đội thi học sinh giỏi thành phố. Do đó, từ trước đến nay, chị luôn tin tưởng con gái sẽ đậu đại học. Ngay từ khi nộp đơn thi đại học, con chị chọn ngành luật của trường đại học Kinh tế - Luật TP.HCM. Tuy nhiên, chị cho rằng, ngành này không có trong tương lai cũng như không phải ngành hot nên không đồng ý. Chị định hướng cho con thi vào trường Đại học Ngoại Thương với lý do: “Cháu học giỏi thế, thi trường thấp quá cũng tiếc”.

#039;Cuộc đua#039; của phụ huynh đưa con đi thi đại học - 1

Không ít các bậc cha mẹ tạo áp lực cho con trong các kì thi quan trọng

Ngay từ ban đầu, kỳ thi tốt nghiệp không được chị Trang lo lắng cho con gái vì: “Ai mà chẳng đỗ”. Ngay sau khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp, chị lên mạng xem những thực phẩm nào tốt nhất cho con ăn mùa thi. Không chỉ thế, hàng ngày, chị xin được về sớm để lo cơm nước cho con. Mỗi đêm, chị lại ngồi trò chuyện với hy vọng động viên con gái thoải mái để ôn tập.

Em Trần Mai Hương, con gái chị Trang chia sẻ, mặc dù sức học của mình khá tốt nhưng điểm đầu vào trường đại học Ngoại Thương quá cao. Em tự nhận thấy, vốn kiến thức của mình khó mới có thể đỗ vào trường này. Mặc dù vậy, ngay từ khi làm hồ sơ, em không dám chống đối ý kiến của mẹ. Bởi: “Mẹ sinh và nuôi em rất vất vả. Từ trước đến nay, trong mắt mẹ, em luôn là nhất. Đi đâu, mẹ cũng đem học lực của em khoe với mọi người. Do đó, khi mẹ bảo thi vào trường Đại học Ngoại Thương thì em cũng đồng ý”.

Bên cạnh đó, Hương cũng thừa nhận, chính sự tự tin vào học lực của con và cách chăm sóc nhẹ nhàng của mẹ khiến em vô cùng áp lực. “Nhiều khi, em muốn nói với mẹ sức học của em không thể đậu vào trường cao như thế. Tuy nhiên, em sợ mẹ buồn nên không dám nói. Em chỉ biết cố gắng ôn tập để đỗ đại học như mẹ mong muốn. Đây cũng xem như là cách báo hiếu với cha mẹ”, Hương nói.

Trong khi đó, chị Mai Thị Thường (48 tuổi, phường 5, quận 3) lại lo lắng cho quý tử của mình. Chị Thường sinh được hai người con, trong đó, cậu con trai đầu năm nay thi đại học. Cả hai vợ chồng đang là công chức, giữ chức vụ lớn. Con của các cấp dưới hầu hết đều đang học hoặc đã tốt nghiệp trường đại học Quốc Gia. Do đó, ngay từ đầu, chị cũng định hướng con trai thi vào trường Bách Khoa của trường đại học Quốc Gia.

Tuy nhiên, điều chị lo lắng là con trai có học lực không được tốt, kỳ thi tốt nghiệp vừa rồi chỉ đạt điểm vừa đậu. Trong khi đó, các môn Toán, Lý, Hóa đều đạt điểm trung bình. Gần hai tuần nay, thông qua gia sư, chị được biết, con trai rất khó có thể đậu vào trường mong muốn. Chị buồn nhưng vẫn cố cười với con. Chị xin nghỉ phép để ở nhà lo lắng và kiểm soát con ôn tập. Không chỉ thế, mỗi khi con nghỉ ngơi, chị lại trò chuyện bằng cách đưa ra nhiều gương học giỏi để con trai cố gắng. Không chỉ thế, chị cũng động viên: “Cha mẹ đều là trưởng, phó phòng. Nếu con không đậu đại học, cha mẹ không biết đối mặt với những người trong cơ quan như thế nào nữa”.

Trao đổi với chúng tôi, em Trần Hoàng Thành Đạt (con trai chị Thường) buồn bã chia sẻ: “Em biết, sức học của mình rất yếu, không thể đậu vào một trường đại học ở top dưới chứ nói gì đến trường Đại học Bách Khoa. Ban đầu, em nộp thi vào một trường cao đẳng nhưng cha mẹ không đồng ý. Cha mẹ luôn bảo, đang giữ chức vụ cao, nếu em học cao đẳng thì khiến cha mẹ nhục nhã. Em sợ cha mẹ buồn lòng nên cũng chấp nhận đăng ký theo trường cha mẹ thích. Suốt mấy tháng qua, em cố gắng ôn tập suốt ngày đêm nhưng kiến thức vẫn không tăng lên nhiều. Giờ, em chỉ sợ không đậu đại học. Nếu vậy thì em chỉ có nước chết”.

#039;Cuộc đua#039; của phụ huynh đưa con đi thi đại học - 2

Đằng sau cánh cửa đại học là vô số áp lực

Trong khi đó, em Nguyễn Thị Mai lặn lội từ mảnh đất cố đô vào TP.HCM thi đại học chia sẻ, gia đình thuộc diện khó khăn, có sổ hộ nghèo. Cha bỏ đi từ khi còn nhỏ, một mình mẹ phải nuôi cùng lúc ba đứa con. Nhiều lần, thấy mẹ vất vả, Mai xin được nghỉ học đi làm thêm, phụ giúp nuôi các em nhưng mẹ không cho và luôn động viên: “Phải học và đậu đại học để sau này đỡ khổ”.

Thương mẹ, Mai cố gắng học và nhiều năm là học sinh khá giỏi. Lúc làm hồ sơ thi đại học, em suy nghĩ rất nhiều không biết nên thi đại học ở Huế hay vào TP.HCM. Sau cùng, nghe theo lời khuyên của nhiều anh chị đi trước, em quyết định thi vào trường Đại học Sư phạm TP.HCM vì vừa không mất tiền học phí lại có thể đi làm thêm, làm gia sư để lo liệu bốn năm học đại học.

Mai lường được sức học và nghĩ có thể thi đậu đại học trong năm đầu tiên. Tuy nhiên, em cũng biết “học tài thi phận”, nhiều người học giỏi nhưng khi thi thì không đỗ. Do đó, em rất lo lắng. “Em thi không chỉ cho mình em mà thi cho cả mẹ và hai em. Trong kì thi này, em chắc chắn phải đậu. Nếu, em không đậu thì cũng phải ở lại TP.HCM để làm thêm, chờ năm sau thi tiếp. Đối với em, đại học là nơi duy nhất có thể thoát nghèo”.

Mời các bạn đón đọc kỳ 2: Vào viện tâm thần vì thi đại học lúc 0h ngày mai (4/7/2014) trên Tin tức Eva.vn

Nhật Huân
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot