Chung chồng vì quá thương em gái bị tai nạn liệt giường

Ngày 01/02/2015 16:57 PM (GMT+7)

Tai nạn bất ngờ ập đến khiến chị Phúc bị liệt nửa người, phải nằm một chỗ. Thương em, chị Hạnh đã cắn răng hy sinh bản thân, chấp nhận nên duyên vợ chồng với em rể.

Dù biết hành động ấy vi phạm pháp luật nhưng trong hoàn cảnh chị Phúc, nhiều người không khỏi cảm thông, chia sẻ với người phụ nữ muốn thay em gái gánh vác gia đình. 15 năm trôi qua, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng hai chị em chung chồng này vẫn sống hòa thuận dưới một mái nhà.

Chung chồng vì quá thương em gái bị tai nạn liệt giường - 1

Chị Hạnh nói về quyết định lấy em rể làm chồng

Mối lương duyên gượng ép

Về thôn Cây đa, xã Sơn Hòa (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh), hỏi chuyện hai người phụ nữ chung chồng, hầu như ai cũng biết và có thể kể lại vanh vách. Với đa số người dân nơi đây, câu chuyện về gia đình họ không có gì “lạ”. Tuy nhiên cũng có ý kiến không đồng tình với những con người này bởi họ đã vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình. Nhưng phần nhiều là sự cảm thông, chia sẻ. Là những con người “nổi tiếng” bất đắc dĩ nên không mấy khó khăn để chúng tôi tìm được ngôi nhà của gia đình đặc biệt này. Trong căn nhà tối om, ẩm thấp, chị Hồ Thị Phúc (SN 1977) đang nằm bẹp trên giường, hai tay thõng xuống nhà để bóc lạc. Thấy có khách đến, chị vội lấy chiếc mũ lưỡi trai đang đội trên đầu và khẩu trang ra để chào hỏi, rồi phân trần: “Làm mấy cái này bụi bẩn nên tôi phải bịt kín cẩn thận, nếu không phải tắm giặt nhiều lại tội chị gái”.

Kể về cuộc đời bất hạnh của mình, chị thở dài: “Tôi bị bại liệt, nằm một chỗ cũng được 15 năm rồi. Không làm được việc gì nên tôi nhận bóc lạc thuê cho người ta. Mỗi ngày nếu làm cật lực cũng kiếm được 20 nghìn đồng. Số tiền này tôi đưa cho chị Hạnh lo thức ăn cho cả gia đình”. Nói đoạn, hai bàn tay của người phụ nữ này lại thoăn thoắt với công việc dang dở. Khi được hỏi về người phụ nữ vừa nhắc tên, chị Phúc không ngần ngại nói: “Không giấu gì cô, chị ấy và tôi là hai chị em ruột nhưng lại lấy chung một chồng. Người đời họ nói ra nói vào nhưng chị em tôi kệ, cốt mình hiểu nhau là được. Cả cuộc đời này, tôi mang ơn chị ấy nhiều lắm”. Theo lời kể của chị Phúc, biến cố khiến hai chị em cùng sống chung dưới một mái nhà là từ lần tai nạn năm 1999.

Năm ấy, sau hai năm nên duyên vợ chồng với anh Tống Trần Tý (SN 1972) và có một bé trai kháu khỉnh đặt tên là Tống Trần Mạnh, chị Phúc gặp tai nạn. Lần đó, trong khi đi lấy vỏ lạc thuê cho người ta, bất ngờ đống xi-măng đổ ập xuống đè lên người khiến chị bất tỉnh. Dù được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An cấp cứu kịp thời nhưng do bị đứt dây thần kinh tủy sống nên chị lâm cảnh liệt nửa người vĩnh viễn. Từ một người khỏe mạnh, chị phải nằm một chỗ, mọi sinh hoạt hàng ngày đều phải có người giúp đỡ. Đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần khiến chị suy sụp hẳn. Chị bùi ngùi tâm sự: “Thời điểm đó, tôi muốn buông xuôi tất cả. Bản thân bị bại liệt, không thể cử động được, trong khi chồng phải vất vả ngược xuôi kiếm tiền lo cho vợ và đứa con mới hơn 1 tuổi, tôi nhìn mà rơi nước mắt. Cũng may mà có chị Hạnh giúp đỡ”.

Sau tai nạn, chị Phúc phải nằm viện hơn 2 tháng, chi phí điều trị lên đến hàng trăm triệu đồng nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Thương em, chị Hồ Thị Hạnh (SN 1974, chị gái Phúc) bỏ lại công việc đồng áng cho bố mẹ già đã ngoài 60 tuổi, khăn gói ra bệnh viện chăm em. Cũng từ khi có chị ra chăm sóc, lo việc cơm nước, giặt giũ và sinh hoạt cá nhân cho vợ, anh Tý đỡ vất vả nhiều. Hàng ngày, chứng kiến cảnh em gái nằm liệt trên giường bệnh, chị Hạnh lo lắng cho tương lai của em, ngậm ngùi thương cháu phải chịu thiệt thòi, biết lấy ai chăm bẵm, nuôi dạy.

Qua rất nhiều đêm đấu tranh tư tưởng, rồi nhiều lần chị em cùng nhau tâm sự, chị Hạnh đã quyết định kết duyên vợ chồng cùng em rể. Với suy nghĩ của người chị, đây là cách duy nhất chị để thay em gánh vác việc gia đình, chăm lo cho em gái và cháu suốt đời. Nhớ lại thời điểm đó, chị Phúc tâm sự: “Lúc đó tôi phải trải qua những cơn đau đớn vì bệnh tật nên khi nghe chị ấy ngỏ lời sẽ lấy anh Tý để hai chị em được gần nhau, tôi gật đầu đồng ý. Thật sự lúc đó tôi cũng không buồn lắm vì dù sao cũng là chị em của nhau”. Quyết định khác người của chị Hạnh được gia đình hai bên nội, ngoại chấp nhận. Nhớ lại điều này, ông Tống Trần Bồng (75 tuổi, bố anh Tý) nói: “Lúc đầu, khi nghe ba đứa chúng nó đề cập đến chuyện ấy, tôi cũng bỡ ngỡ lắm. Ở làng quê này, đó là chuyện tai tiếng, bị mọi người bàn tán. Nhưng khi thấy gia đình bên kia cũng đồng ý, tôi đành thuận theo ý của ba đứa chúng nó”. Cuối năm 2000, chị Hạnh cùng người em rể Tống Trần Tý chính thức về chung sống với nhau. Vậy là trong ngôi nhà ấy, có thêm một người phụ nữ cùng danh phận là người vợ. Dù có nhiều lời bàn ra tán vào nhưng ba người vẫn sống vui vẻ với nhau.

Hạnh phúc trong nghèo khó

Chung chồng vì quá thương em gái bị tai nạn liệt giường - 2

Hàng ngày, để phụ giúp chị gái, chị Phúc nhận bóc lạc thuê

Khi chúng tôi đang dở câu chuyện thì cậu bé Tống Trần Cường (con đẻ chị Hạnh) đi học về. Thấy nhà có khách, em lễ phép chào hỏi và không quên chào mẹ Phúc. Cậu bé trông lém lỉnh nhưng bàn tay trái bị tật bẩm sinh, không làm được việc nặng. Tuy vậy, em cũng biết giúp mẹ những việc lặt vặt trong nhà. Sau khi hoàn thành xong những công việc mà mẹ Phúc giao, Cường lặng lẽ đến ngồi bên mẹ. Khi nghe được câu chuyện mọi người đang trao đổi, em lặng lẽ cúi mặt cố giấu những giọt nước mắt đang chực trào. Rồi em nói: “Người ta bảo gia đình cháu khác người khi hai mẹ cùng chung một chồng nhưng với cháu điều đó không quan trọng. Điều cháu hạnh phúc nhất là được cả mẹ Hạnh và mẹ Phúc thương yêu”. Nghe con nói vậy, chị Phúc cũng rơm rớm nước mắt. Không khí trong nhà đang chùn xuống bỗng ngoài sân phát lên tiếng động. Nhanh ý, Cường liền chạy ra ngoài rồi em cất lớn tiếng chào mẹ Hạnh. Chứng kiến cảnh tượng đó, chúng tôi hiểu rằng dù cuộc sống khó khăn nhưng tình cảm của những con người trong gia đình này vẫn luôn dạt dào.

Hơn 15 trôi qua, dù cuộc sống còn nhiều vất vả nhưng giữa ba người này không hề có va chạm, xích mích mà luôn dành cho nhau những tình cảm yêu thương trìu mến. Hàng ngày, anh Tý đi phụ hồ, chị Hạnh làm nông nghiệp, còn chị Phúc dù tàn tật cũng cố dùng đôi tay kiếm thêm chút thu nhập. Trước đây, chị Phúc làm nghề đan lát, mỗi ngày cũng kiếm được vài chục nghìn. Nhưng sau thời gian hàng hóa không tiêu thụ được nên chị đổi sang làm nghề bóc lạc thuê. Công việc rất mệt nhọc đối với người khuyết tật, thu nhập chẳng lại chẳng được bao nhiêu nhưng chị cảm thấy vui vì thấy mình còn có ích, phần nào làm giảm bớt khó khăn trong cuộc sống gia đình.

Từ ngày về làm vợ anh Tý, chị Hạnh sinh thêm 2 cháu. Cuộc sống khó khăn nhưng chị luôn chu toàn bổn phận làm vợ, làm mẹ chăm lo cho mấy đứa con và người chị chăm sóc cho em gái bại liệt. Hàng ngày, sau khi lo cơm nước cho cả gia đình, chị Hạnh lại tất bật ra đồng làm việc đến tận tối mịt. Về đến nhà, việc đầu tiên chị làm là vệ sinh cho em gái. “Nó đã chịu quá nhiều bất hạnh, thiệt thòi rồi. Giờ tôi chỉ muốn bù đắp những gì có thể để em ấy thêm ấm lòng”, chị Hạnh vừa nói, vừa hướng ánh mắt về phía người em gái đang nằm trên giường. Mặc dù kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng tình cảm gia đình họ rất hòa thuận, hàng xóm chưa bao giờ nghe thấy “tiếng bấc, tiếng chì”. “Chuyện quá khứ chúng tôi không muốn nhắc lại, tuy nhiên hiếm có gia đình nào lại hòa thuận, hạnh phúc như gia đình ấy. Mỗi người một công việc nhưng họ luôn cố gắng làm tròn bổn phận của mình”, chị Lương Thị Tình (người hàng xóm) nói.     

Bà con lối xóm đều chúc phúc

Nói về gia đình đặc biệt này, ông Hà Học Miên, Trưởng thôn Cây Đa (xã Hòa Sơn) cho hay: Thời điểm anh Tý lấy vợ hai, chị Phúc đang nằm liệt giường. Do gia đình họ tổ chức lặng lẽ nên chính quyền cũng không can thiệp. Sau đám cưới, ba người này sống với nhau khá hòa thuận, hàng xóm chưa bao giờ nghe thấy họ to tiếng với nhau. Vì cảm thông cho ba người này, lại thấy họ sống hạnh phúc, hòa thuận nên bà con lối xóm không có ý kiến gì. Trái lại ai cũng chúc phúc cho gia đình này.

Theo Kim Long
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan