Chuyện "Bà tiên" hơn 20 năm bán rau làm phúc

Ngày 08/01/2014 17:51 PM (GMT+7)

Dù đã ở cái tuổi “ gần đất xa trời” thế nhưng cụ Nguyễn Thị Sáo (91 tuổi), trú tổ 49, phường Quang Trung, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình vẫn luôn đau đáu, cần mẫn đi bán rau gom tiền làm phúc.

Từ cuối thập kỷ 90 đến nay, cụ đã ủng hộ cho các quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học các cấp mấy chục triệu tiền thu được từ những mớ rau nhà trồng đem đi bán, rồi đồng tiền phụ cấp của con cháu gửi về chắt chiu có được mà đóng góp… Vì thế nên người dân trong con phố nhỏ vẫn thường hay ví von gọi cụ Sáo là “bà tiên” chuyên làm phúc cho đời.

Tuổi thơ đầy bất hạnh…

Đến phường Quang Trung, chúng tôi không mấy khó khăn khi hỏi thăm nhà cụ Sáo bởi nhắc đến tên cụ thì mọi người ở đây ai cũng biết, cũng nhớ khuôn mặt và hình dáng nụ cười phúc hậu của cụ.

Bác Nguyễn Văn Phi, làm nghề đạp xích lô sống lâu năm ngay ngõ nhà cụ Sáo, chia sẻ: “ Cụ Sáo tuyệt vời lắm các chú ạ! Chúng tôi sinh sống ở đây ai cũng đều kính nể cụ cả. Mặc dù tuổi tác đã cao nhưng cụ rất khỏe, yêu đời, luôn sống chan hòa tình cảm với mọi người. Đặc biệt cụ có sở thích chuyên đi làm từ thiện để cứu giúp cho những số phận nghèo, kém may mắn”.

Theo lời kể, cụ Sáo sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo thuần nông ở thôn Tân Hương, xã Phúc Thành, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Tuổi thơ cụ là những tháng ngày bất hạnh. Ngồi nói chuyện với chúng tôi về thuở thiếu thời, đôi mắt trũng sâu của cụ lại ngân ngấn hai dòng lệ.

Cụ bảo đã từng được hưởng niềm hạnh phúc gia đình nhưng sự ấm áp ấy lại quá ngắn ngủi, không được trọn vẹn. Ngày bố mất cụ mới lên 10 tuổi. Những tháng ngày mồ côi cha cụ sống trong vòng tay thương yêu của mẹ, rồi không bao lâu sau người mẹ hiền lâm bệnh, do nhà nghèo không thể lo được bữa ăn hằng ngày cho con cái, mẹ cụ đành phải đưa cụ đi làm thuê, ở đợ.

Trong quãng thời gian cụ đi ở thuê, khiêng vác cho mọi nhà, nhờ nết chịu thương, chịu khó nên năm cụ 20 tuổi cụ sớm kiếm được một tấm chồng như ý, chấm dứt cho những tháng ngày bất hạnh. Chồng của cụ là ông Vũ Duy Phùng nguyên là một nhà giáo mẫu mực, tận tụy. Những tưởng số phận đã mỉm cười với cụ nhưng đớn đau, nghiệt ngã thay, sống với nhau được hơn chục năm thì ông Phùng lâm bệnh mất. Một mình cụ tần tảo sớm hôm nuôi nấng 5 người con đến tuổi trưởng thành giờ đây tất cả đều đỗ đạt, có địa vị trong xã hội.

Nhẹ nhàng, cụ cuốn vội miếng trầu đưa vào hàm răng đen nhánh như hạt na, nhai khỏe khoắn rồi cười hóm hỉnh, cụ bảo: “Thời bao cấp bấy giờ còn đói nghèo lắm, kiếm được miếng ăn cũng khó nói chi là nuôi con cái ăn học. Kể từ thời gian ông nhà tôi mất, một mình tôi buôn chèo bán thúng đủ nghề để kiếm tiền nuôi các con ăn học nên người”.

Rồi cụ kể tiếp, cả cuộc đời này cụ không quên được những năm tháng làm dâu ở xã Tân Hòa. Quãng ngày ấy cứ mỗi buổi đi làm về đến đầu làng, cụ lại được cụ Thỉnh nhổ cho ít su hào của nhà trồng được. Thương cảnh mấy mẹ con sống trong cơ hàn, ngày nào đi qua cụ Thỉnh cũng cho. Nhờ vậy mà mấy mẹ con Cụ Sáo có bát cháo xu hào lót dạ, đỡ cơn đói bụng cồn cào.

Năm nay, cụ Sáo thọ 90 tuổi. Cụ sở hữu một làn da hồng hào, mái tóc bạc trắng như cước, trong cuộc trò chuyện với chúng tôi lúc nào trên khuôn mặt phúc hậu của cụ Sáo cũng luôn hiện hữu một nụ cười tươi. Để đáp lại công ơn sinh thành của mẹ, những người con trưởng thành của cụ vẫn đang tiếp tục hăng say làm việc, cống hiến sức mình cho đất nước. Người thì làm việc bên Liên Xô, người thì công tác tại Nhà xuất bản Giáo dục, các anh chị đều là những chiến sĩ quân đội nhân dân, bác sĩ, nhà giáo.

Tuy không có nhiều thời gian bên cạnh chăm sóc cho mẹ tuổi về già thế nhưng hằng tháng các anh chị vẫn đều đặn gửi tiền về cho cụ chi tiêu. Ấy thế nhưng cụ lại không tiêu hoang phí mà lại chắt chiu, dè xẻn bớt ra mỗi ngày 15 nghìn để bỏ vào chú lợn đất “ tích tiểu thành đại” để ủng hộ cho quỹ từ thiện, nạn nhân bị chất độc da cam, đồng bào lũ lụt, trẻ em nghèo hiếu học, quỹ khuyến học do tổ phường, thành phố, tỉnh tổ chức…

Còn sống, còn đem nụ cười đến cho người nghèo

Bữa cơm của cụ hằng ngày rất đạm bạc chỉ là bát rau nhỏ, quả trứng con cùng mấy quả cà, thêm ít dưa muối hành. Có sáng cụ thèm ăn phở nhưng vừa bước chân ra cổng cụ lại nghĩ đến cảnh còn nhiều số phận vẫn đang đói khổ miếng cơm cũng không có, cụ lại trở về nhà ăn lưng bát cơm rang như thường lệ. Nhớ lại những tháng ngày nếm trải cơ cực rồi hằng ngày trông thấy những đứa trẻ lang thang bụi bặm ngoài đường hay các cháu nhỏ bị khuyết tật sống trong cảnh nghèo nàn cụ cảm thấy xót lòng hơn.

Cụ tâm sự : “Tuổi thơ tôi quá bất hạnh, mỗi khi nghĩ về mình, tôi lại muốn làm một điều gì đó thật ý nghĩa cho những đứa trẻ kém may mắn số phận giống như tôi ngày trước. Mình gặp phải khó khăn hoạn nạn được mọi người cưu mang giúp mình, giờ hưởng an nhàn tuổi già rồi tôi muốn làm chút việc tốt gì đó để đáp lại công ơn ấy. Trong đầu tôi luôn trăn trở phải sống sao có ích để con cháu biết mà noi theo. Hơn nữa là giúp được cho những mảnh đời bất hạnh, số phận kém may mắn đang cần được xã hội quan tâm nhiều hơn”.

Thế rồi từ những suy nghĩ đó, ngoài việc cụ bớt tiền chu cấp hằng tháng ra, hằng ngày cụ còn cuốc xới mảnh vườn nhỏ trước nhà, vun vén chăm bón các loại rau xanh để đem ra chợ bán. Trong suốt hơn 12 năm thức khuya dậy sớm gắn bó với công việc này vườn rau xanh được cụ “ tận tụy” trồng với đầy đủ loại: xu hào, củ cải, cà chua, bí và các loại cây gia vị… mùa nào thức ấy. Số tiền bán rau có được bao nhiêu lại dành dụm bỏ vào con lợn đất để ủng hộ cho quỹ từ thiện.

Có một kỷ niệm đến giờ cụ vẫn còn nhớ. Năm ấy tình cờ ngang qua xã Đồng Thanh, huyện Vũ Thư, cụ được biết một hoàn cảnh là nạn nhân của chất độc màu da cam rất thương tâm đang cần được giúp đỡ. Nghe xong cụ vội vàng tìm đến. Lúc đến nơi, vừa bước vào nhà cụ đã phải bật khóc, khi chứng kiến cảnh 3 đứa trẻ con khuyết tật, dị dạng đang nằm lăn lóc giữa gian nhà đất, mồm mũi chân tay của chúng đều méo xệch cả đi. Ngay lập tức cụ vội vã trở về nhà dồn tất cả toàn bộ số tiền vừa mới gom góp được từ lứa rau, đạp xe đi trong đêm mang đến ủng hộ, giúp đỡ cho các cháu.

Cụ Sáo bảo: “Tôi noi theo tấm gương Bác Hồ dạy. Bác đã khởi xướng ra “hũ gạo kháng chiến”, mỗi ngày bác tiết kiệm vài ba nắm gạo và toàn dân ai cũng tiết kiệm theo. Thế hệ con cháu ta bây giờ cứ như vậy mà làm để xứng theo lời Bác dạy”.

Chuyện quot;Bà tiênquot; hơn 20 năm bán rau làm phúc - 1

Cụ Sáo nay đã 91 tuổi

Tấm lòng vàng của cụ được các cấp ngành, trung ương, đến tỉnh, thành phố ghi nhận. Trong căn phòng khang trang nhỏ gọn, ngăn nắp của cụ treo nhiều bức tranh chân dung về Bác và đầy ắp những bằng khen, giấy khen, giấy chứng nhận về thành tích công tác từ thiện. Ngoài ra cụ còn nhận được kỷ niệm chương “Tấm lòng vàng” do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tôn vinh.

Từ đầu năm 2012 đến nay, cụ đã ủng hộ cho Hội Chữ thập đỏ và Hội nạn nhân chất độc màu da cam, Hội Người tàn tật trẻ mồ côi của tỉnh và còn nhiều quỹ ủng hộ khác tất cả gần 7 triệu đồng.

Để có sức khỏe dẻo dai, mỗi sáng cụ vẫn đều đặn tập dưỡng sinh, chiều đến đánh cầu lông hay cùng các cụ cao tuổi khác tham gia câu lạc bộ yêu thơ. Điều đó luôn giúp cụ cảm thấy yêu đời, vui khỏe sống một cuộc đời có ích. Cụ bảo, còn sống ngày nào cụ còn làm công việc từ thiện này đến ngày đó.

Chả trách sao nhiều người vẫn cứ thường gọi cụ Sáo là "bà tiên".

Theo Thanh Tuyển - Lưu Minh (Dòng Đời)
Nguồn:

Tin liên quan